CHI ĐOÀN 12A11 SINH HOẠT VỚI CHỦ ĐỀ “BẠO LỰC NGÔN NGỮ”

- “Sao mày béo thế!”

- “Mày đen thế có thấy xấu hổ không!”

- “Tao mà xấu như mày chắc tao không dám ra ngoài đường.”

Những câu nói trên tưởng rằng chỉ là một lời “nhận xét thẳng thắn” của người nói nhưng thực ra những câu nói đó chính là con dao vô hình đâm thẳng vào trái tim, vào tinh thần của người nghe. Chúng ta cứ nghĩ chỉ có bạo lực học đường, bạo lực gia đình mới gây nên thương tích, nỗi đau cho nạn nhân mà không hề biết rằng trong cuộc sống hằng ngày, phương tiện chúng ta dùng để giao tiếp - ngôn ngữ cũng chính là một thứ gây ra bạo lực học đường. Vết thương do bạo lực bằng hành động, bạo lực thể xác có thể lành lại nhưng bạo hành bằng ngôn ngữ thì không, thứ bạo hành ấy sẽ đeo bám, ám ảnh người bị bạo hành, nó sẽ từ từ ăn mòn và gây tổn thương sâu sắc, tạo nên vết thương không thể cứu chữa vì lời nói ra làm sao có thể rút lại. Ngôn ngữ vốn thật xinh đẹp, bằng ngôn ngữ chúng ta có thể truyền tải mọi cung bậc cảm xúc và cũng bằng ngôn ngữ ta có thể xé nát một tâm hồn. Vậy tại sao chúng ta không dùng ngôn ngữ để thể hiện sự yêu thương, tình cảm mà lại dùng nó như một vũ khí giết người vô hình, bạo lực ngôn ngữ là gì, biểu hiện, hậu quả của bạo lực ngôn ngữ to lớn đến nhường nào và những biện pháp hạn chế ra sao? Để giải quyết và làm rõ những vấn đề trên trong tiết sinh hoạt thứ 7 ngày 22/10/2022 với bạn dẫn chương trình Lương Thị Phương Nhung, Tổ 3 - Chi đoàn 12A11 chúng em chia sẻ về chủ đề “Bạo lực ngôn ngữ”.

Theo một cuộc nghiên cứu khoa học: cứ 20 người lại có một người phải chịu bạo lực ngôn ngữ, mỗi 50 người lại có một người tự sát vì mắc bệnh tâm lý do bạo lực ngôn ngữ, nhẹ thì có thể bị rối loạn, nặng thì có thể dẫn tới hành vi giết người tự sát. Theo thống kê mỗi năm có khoảng 246 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị bạo lực ngôn ngữ và bắt nạt. Nhưng bạo lực ngôn ngữ và bắt nạt không chỉ trong khuôn viên trường, nó có thể xảy ra mọi nơi ở xung quanh chúng ta.

Vậy Bạo lực ngôn ngữ là gì?

Biểu hiện của bạo lực ngôn ngữ ra sao?

Bạo lực ngôn ngữ có thể được diễn ra ở bất kì hành động, lời nói nào trong quá trình giao tiếp cho dù người nói cố ý hoặc không cố ý. Nó có thể được biểu hiện ở việc:

Đặt biệt danh xấu cho người khác: Đối tượng bạo hành sẽ chú ý đến những đặc điểm xấu của người khác để cố tình đặt một biệt danh nào đó cho họ. Nếu biệt danh này khiến cho bạn cảm thấy tự ti với chính mình và mọi người xung quanh thì có thể bạn đang bị bạo hành lời nói.

Luôn tìm mọi cách để khiến người khác cảm thấy ngượng ngùng: Những người bạo hành lời nói thường có xu hướng sử dụng những ngôn ngữ mỉa mai, châm biếm, chế nhạo về cách ăn mặc, vóc dáng, ngoại hình, sở thích của người khác nhằm mục đích hạ thấp và làm cho người đó cảm thấy xấu hổ. Hành động này có thể xảy ra ở những nơi riêng tư hoặc kể cả những chỗ đông người.

Trêu ghẹo: Thông thường những đối tượng này sẽ có sở thích trêu đùa, chọc phá người khác bằng những câu nói mà họ cho rằng vui nhộn, hài hước. Tuy nhiên, nếu những từ ngữ mà họ sử dụng không thể khiến cho đối phương cảm thấy vui vẻ, thoải mái thì đó có thể gọi là bạo lực lời nói.

Luôn chỉ trích: Cho dù là ở chỗ riêng tư hay là nơi công sở, đông người thì những lời nói chỉ trích không mang tính xây dựng cũng có thể khiến cho người khác cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương. Đây cũng được xem là một trong các hành vi bạo hành lời nói mà nhiều người hay gặp phải.

Thường xuyên lớn tiếng: Việc la hét, nói chuyện lớn tiếng hoặc sử dụng những từ ngữ, lời nói không lịch sự, thô lỗ để trò chuyện cùng người khác cũng là một hành vi bạo lực bằng lời nói.

Đe dọa: Hình thức đe dọa dù chỉ bằng lời nói, ngôn ngữ cũng có thể được xem là hành vi bạo hành nghiêm trọng. Những lời nói mang tính chất đe dọa, khủng bố, tra tấn sẽ làm người khác cảm thấy lo lắng, sợ hãi, dễ dàng bị kiểm soát và thao túng.

Buộc tội, đổ lỗi: Đây cũng được xem là một trong các hành vi bạo hành bằng lời nói khiến cho nhiều người cảm thấy bị tổn thương và hạ thấp danh dự. Người bạo hành thường sử dụng những lời nói nhằm mục đích buộc tội một ai đó với những tình huống vô lý hoặc ngoài ý muốn.

Đây chính là cách mà người bạo hành đang dần dần hủy hoại một ai đó, một cách từ từ nhưng lại vô cùng tàn nhẫn. Những người thốt ra những câu nói đó không ai khác có khi lại chính là người thân, bạn bè và cộng đồng xung quanh. Đối với các bậc cha mẹ, họ hợp lý hóa “bạo lực ngôn ngữ” khi gọi nó là “dạy dỗ”, “nuôi nấng” đứa trẻ đó tốt nhất có thể, hay họ gọi nó là “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Còn đối với bạn bè những câu nói đó được biện minh là: “Tao chỉ đùa thôi. Tao không có ý xấu. Xin lỗi, được chưa”. Tất cả những câu nói đó vô tình đã làm ảnh hưởng đến tinh thần, cảm xúc của người bị bạo lực ngôn ngữ.

Những ảnh hưởng tiêu cực của bạo lực ngôn ngữ đó là gì?

Đó là, những suy nghĩ tiêu cực: Biểu hiện của bạo hành bằng lời nói không dễ nhận biết như bạo hành thể xác. Các tổn thương mà nó để lại cũng tương tự thế. Thực chất chỉ có bản thân nạn nhân mới là người hiểu rõ được những nỗi đau bên trong và các cảm xúc tiêu cực đang giằng xé họ. Đa phần những người xung quanh không thể thấu hiểu và đôi khi còn cho đó là sự nhạy cảm thái quá của nạn nhân.  Lời nói có thể tác động nhanh đến mức biến họ từ một con người hoạt bát, vui vẻ lại trở thành một người buồn bã và tiêu cực. Tâm trạng của họ thay đổi rất nhanh vô cùng khó chịu và nóng nảy. Khiến họ cảm thấy xung quanh là những điều tiêu cực và rồi họ có những suy nghĩa tiêu cực với cuộc song của mình. Suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn đến trầm cảm và rối loạn lo âu, có nguy cơ dẫn đến bệnh Alzheimer.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ tiêu của mà họ còn bị tổn thương tinh thần. Một khi tinh thần bị tổn thương thì có nghĩa là nội tâm của họ cũng bị tổn thương. Khi bị bạo hành ngôn ngữ họ sẽ không còn tinh thần để làm bất cứ việc gì. Tổn thương tinh thần khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Luôn cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống, bế tắc và khó đưa ra những sự lựa chọn mang tính chất quyết định khiến chất lượng cuộc sống giảm xuống đáng kể.

Ngoài ra, họ còn bị ảnh hưởng đến cảm xúc khiến cho họ rất khó kiểm soát được cảm xúc của mình. Họ luôn trong tình trạng lo lắng, thậm chí là vui, buồn bất thường. Cảm xúc lẫn lộn, luôn tìm cách để thoát ra nhưng họ lại không làm được. Có những trường hợp, họ lại đẩy cảm xúc bị ảnh hưởng của mình vào người khác. Họ luôn cảm thấy nóng giận, khó chịu với người khác. Họ dùng chính những lời nói khiến bản thân bị tổn thương và nói với những người thân yêu của họ khiến họ ngày càng bị xa cách. Lời nói gió bay, nhưng ly vỡ rồi xin hỏi có lành lại được không? Chiếc đinh đóng trên cột rút ra rồi vẫn còn vết hàn mà, con người cùng vậy thôi. Cơn đau của một trận đòn roi có thể nhanh tan biến, nhưng sự sát thương của lời nói lại dễ trở thành nỗi ám ảnh in sâu trong tuổi thơ của nhiều người. Nếu một đứa trẻ thường xuyên phải nghe những lời ác ý, mắng mỏ, chê bai thì chắc chắn sẽ không thể phát triển bình thường được. Và khi vượt ngưỡng chịu đựng thì hậu quả là một loạt các hoạt động phản kháng cực đoan như: tự tử, giết người. Năm 2019 một cô bé sinh năm 2003 đã nhảy cầu tự tử và bức thư em để lại có nội dung: "Con cũng đã cố gắng từng ngày để hoàn thiện bản thân nhưng dù con có làm gì đi nữa thì trong mắt mẹ con luôn là một đứa vô dụng và tệ hại. Đáng ra con không nên xuất hiện trên trái đất này". Thật đáng buồn phải không các bạn?

 Vậy, theo bạn làm thế nào để hạn chế được tình trạng “bạo lực ngôn ngữ”? Theo mình để hạn chế tình trạng bạo lực học đường nói chung và bạo lực ngôn ngữ nói riêng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Đối với gia đình: Các bậc phụ huynh phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức và lối sống cho con cái, đồng thời nên dành nhiều thời gian ở bên con, quan tâm sát sao đến tình hình của con trên lớp. Khi con gặp phải xích mích với bạn bè, phụ huynh nên giữ bình tĩnh, lắng nghe suy nghĩ của con trước khi phán xét hay đưa ra bất kì lời khuyên nào. Cha mẹ nên là người bạn đồng hành với con cái, thay vì để con cái dựa dẫm, ỷ lại trong “vỏ bọc” của gia đình mà trở nên yếu đuối, rụt rè trước bạn bè.

Đối với nhà trường, để trường học trở thành ngôi nhà thứ hai của trẻ, giáo viên nên quan tâm và đối xử công bằng với từng học sinh. Khi nhận thấy học sinh của mình có những dấu hiệu bị bạo lực ngôn ngữ thì giáo viên nên để ý, trao đổi với gia đình của học sinh để tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp nhất. Đặc biệt, trong quá trình xử lí các vụ bạo lực trong lớp học, giáo viên cần có cái nhìn bao dung, khách quan với học trò để có phương án xử lí thích hợp, cho các học sinh vi phạm nhận ra lỗi lầm và biết sửa sai. Mỗi nhà trường cần chú trọng xây dựng văn hóa học đường, đưa các khẩu hiệu “Chăm ngoan, đoàn kết, kính thầy, mến bạn”, “Tiên học lễ, hậu học văn” đi vào thực tiễn. Có thể triển khai cuộc thi vẽ tranh, viết slogan để tuyên truyền về công tác phòng chống bạo lực học đường và bạo lực gia đình. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm phát triển các kĩ năng khác như giao tiếp, hợp tác làm việc nhóm, từ đó mở rộng mối quan hệ với các thành viên khác trong lớp, trong trường. Thông qua các hoạt động giáo dục đó học sinh sẽ tự hoàn thiện bản thân, biết phân biệt đúng sai và tôn trọng những người xung quanh mình.

Khi những câu chuyện tốt đẹp về tình bạn, về tình cảm gia đình được xã hội lan truyền, biểu dương thì sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực giúp phần nào làm giảm thiểu nguy cơ dẫn đến bạo lực ngôn ngữ ở mỗi tập thể. Ngoài ra, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ có thể góp sức bằng việc tham gia hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục ở nhà trường và địa phương.

Người cứu giúp một linh hồn, cứu giúp cả vũ trụ. Nếu mỗi người chúng ta đều chung tay góp một phần sức lực lên án, phòng chống bạo lực trong nhà trường và gia đình thì sẽ cứu sống được rất nhiều bạn trẻ lạc lối, thắp sáng niềm tin vào cuộc sống cho họ.

Đối với học sinh cần phải học cách vượt qua những câu nói tầm thường, để không bị nó cấu xé và gặm nhấm tâm hồn ta, bắt buộc phải đối mặt với nó bằng những suy nghĩ tích cực nhất. Đừng để bị tổn thương vì những điều tầm thường, không xứng đáng. Trừ khi bạn cho phép thì không ai có quyền làm tổn thương bạn.

“Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột

Một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời”

(Thomas Carlyle)

Bạo lực học đường nói chung và bạo lực ngôn ngữ nói riêng chắc hẳn chưa dừng lại. Việc chung tay truyền tải những thông tin trên xa hơn, rộng rãi hơn sẽ rất thiết thực và hữu ích, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện và văn minh. Vì vậy với các thông tin mà nhóm chúng em chia sẻ ở trên, chúng em mong rằng Chi đoàn 12A11 nói riêng và học sinh trường THPT Tiên Lữ nói chung có thể đóng góp một phần trong việc hạn chế và phòng tránh bạo lực ngôn ngữ cho thầy cô và các bạn trường THPT Tiên Lữ.

Bài và ảnh: Tạ Thị Ngọc Lệ - Nguyễn Tuyết Mai - Trần Thị Phương Thảo

Lớp 12A11

Tác giả: Tạ Thị Ngọc Lệ - Nguyễn Tuyết Mai - Trần Thị Phương Thảo Lớp 12A11 *2022-2023)
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 46
Hôm nay : 459
Hôm qua : 533
Tháng 09 : 10.492
Tháng trước : 11.369
Năm 2024 : 186.801
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.328.207