CHI ĐOÀN 12A11 SINH HOẠT LỚP VỚI CHỦ ĐỀ “LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỰ TIN KHI THUYẾT TRÌNH”

Thuyết trình là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng và cần thiết không chỉ trong quá trình học tập mà còn ngay cả khi đi làm. Đối với nhiều công việc, thuyết trình cũng sẽ "gắn bó" rất mật thiết với chúng ta. Vậy nên chẳng có lý do gì mà ta không tập làm quen và trau dồi cho mình kỹ năng này. Điều khó khăn mà nhiều người gặp phải khi thuyết trình đó là mọi người cảm thấy không đủ tự tin khi phải thuyết trình trước đám đông. Để có kỹ năng thuyết trình tốt không có cách nào khác là chúng ta phải tự trau dồi, tự điều chỉnh thông qua việc trải nghiệm và luyện tập nó một cách chăm chỉ. Nhằm giúp các bạn có thêm sự hiểu biết về kỹ năng thuyết trình, vào tiết sinh hoạt lớp Thứ 7, ngày 15/10/2022 dưới sự cố vấn, hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm, dưới sự điều hành của bạn Dương Thị Nguyên, Tổ 1 – Chi đoàn 12A11 trường THPT Tiên Lữ đã tiến hành chia sẻ những thông tin mà nhóm tìm hiểu và chắt lọc được để nâng cao sự tự tin khi thuyết trình đến toàn thể các thành viên của lớp.

Mở đầu, bạn Dương Thị Nguyên thay mặt nhóm chia sẻ những kỹ năng cần thiết phải chuẩn bị giúp nâng cao sự tự tin khi tham gia thuyết trình.

Thứ nhất, người tham gia thuyết trình phải tự chuẩn bị nội dung thuyết trình

Không nhớ được chính xác nội dung mình sẽ thuyết trình chính là một trong những lý do khiến chúng ta thiếu tự tin, lúng túng và bị vấp trong quá trình thuyết trình. Để có thể tự tin nhất khi tham gia thuyết trình, ta phải chuẩn bị thật kỹ nội dung thuyết trình. Bên cạnh việc học thuộc máy móc, nên trực tiếp soạn thảo nội dung mình sẽ thuyết trình một cách chi tiết, cụ thể. Điều này sẽ khiến bộ não của ta nhanh nhạy hơn trong việc ghi nhớ  thông tin.

Thứ hai, luyện nói thật nhiều

Để có được kĩ năng nói tốt, ta cần phải có quá trình quá trình rèn luyện, luyện tập chăm chỉ và thường xuyên trước đó. Hãy đừng ngại ngân vang những âm vực để nó có thể thoát li ra khỏi cổ họng. Hãy để những âm thanh từ tiếng nói khi phát ra một cách thật tự nhiên, như thế mới thu hút được sự chú ý của người nghe, người xem. Có rất nhiều môi trường giúp ta luyện tập được điều này đó là phát biểu trên lớp, chủ động nêu ý kiến, tranh luận khi học nhóm, tham gia các hoạt động tình nguyện, đoàn thể, các câu lạc bộ,... Còn nhà, ta có thể luyện nói trước gương, sau đó hãy quay phim hoặc ghi âm để xem lại và lưu ý, sửa chữa những điểm còn hạn chế.

Thứ ba, nói rõ ràng và phát âm chuẩn

Hãy tập cho mình thói quen phát âm chuẩn, không sai chính tả, tránh những từ thể hiện sự lưỡng lự, thiếu tự tin như ừm, ừ, à thì, thì... Biến bài thuyết trình trở nên càng tự nhiên, ta càng dễ lấy được sự quan tâm và lắng nghe của mọi người. Một lưu ý rằng ngôn ngữ, giọng điệu lúc ta phát biểu, thuyết trình khác với khi ta trò chuyện, đùa vui với bạn bè. Vì thế, khi thuyết trình tránh dùng từ lóng, từ địa phương. Thực tế, ở tỉnh Hưng Yên của chúng ta, nhiều người có phát âm sai giữa âm “l” và âm “n”. Đây là một lỗi sai phát âm cơ bản, cần phải luyện tập và sửa lại cho phù hợp với ngôn ngữ toàn dân, yêu cầu phát âm trên cương vị là một người thuyết trình.

Thứ , chọn phục trang phù hợp, thoải mái

Đối với chúng ta - những học sinh cấp THPT trang phục phù hợp thoải mái nhất chính là những bộ đồng phục học sinh. Việc lựa chọn trang phục phù hợp với lứa tuổi, với không gian, hoàn cảnh, tính chất buổi diễn thuyết là vô cùng quan trọng.
Một bộ trang phục thoải mái cũng là thứ khiến cho ta  thêm phần tự tin cho bản thân  để sẵn sàng đứng trên sân khấu, được “làm chủ” sân khấu.

Thứ năm, hít thở thật sâu, uống đủ nước

Nếu cảm thấy căng thẳng, hãy hít thở thật sâu. Một hơi thở sâu giúp điều hòa, cân bằng lại trạng thái căng thẳng của ta một cách đáng kể. Cũng nhớ rằng, hãy chuẩn bị một cơ thể đủ nước, một cổ họng ấm và trơn tru để bài thuyết thuyết trình thêm phần mượt mà, trôi chảy.

Thứ sáu, học cách tương tác với khán giả

“Làm chủ” được sân khấu là phần mở đầu cho sự thành công của bài thuyết trình. Điều quan trọng nữa, đó là sự tương tác cùng khán giả, cùng người theo dõi.
Chúng ta có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể hoặc tương tác trực tiếp với khán giả bằng cách đặt ra những câu hỏi giao lưu.

Kết thúc phần chia sẻ của nhóm, chúng em rất vui mừng vì hiệu quả mà những thông tin chúng em đưa ra mang lại cho tập thể lớp 12A11. Dưới đây là hình ảnh một số bạn đã tự tin đứng trước lớp để thực hành kĩ năng thuyết trình:

 Bạn Quang Vinh với phần giới thiệu địa phương tự tin và dõng dạc
 

Bạn Nguyễn Thành An với phần giới thiệu bản thân  

Trên đây là những kết quả của sự tham khảo, tìm hiểu của nhóm chúng em về chủ đề: “Làm sao để tự tin khi thuyết trình”. Với lần thực hiện chủ đề lần này, nhóm chúng em mong rằng sẽ không chỉ cung cấp thêm những thông tin về kĩ năng mềm khi thuyết trình cho các bạn trong lớp 12A11 mà còn là cả đối với toàn thể các bạn học sinh trường THPT Tiên Lữ. Mong rằng các bạn sẽ đón nhận sự chia sẻ của nhóm chúng em một cách thật cởi mở.

Cuối cùng, chúng em xin được cảm ơn cô giáo chủ nhiệm –Vũ Thị Thương đã tạo cho chúng em cơ hội lan tỏa chủ đề này tới các bạn học sinh. Cảm ơn cô đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho chúng em được thể hiện, được rèn luyện và phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết của một người học sinh. Chúng em xin chúc quý thầy, cô giáo trường THPT Tiên Lữ luôn dồi dào sức khỏe, thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Chúc các bạn học sinh luôn đạt được thành tích cao trong học tập và các kỳ thi sắp tới.

Chúng em xin chân thành cảm ơn!

Bài và ảnh: Tổ 1, Lớp 12A11 trường THPT Tiên Lữ

Tác giả: Tổ 1, Lớp 12A11 trường THPT Tiên Lữ (2022-2023)
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 562
Hôm qua : 533
Tháng 09 : 10.595
Tháng trước : 11.369
Năm 2024 : 186.904
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.328.310