TỰ HÀO NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM

Tự hào phụ nữ Việt Nam,
Chuyên tâm việc nước, việc nhà đảm đang.
          Xứng danh với tám chữ vàng,
Bác Hồ khen tặng vẻ vang rạng ngời.

 

“Anh hùng bất khuất” bao đời,
“Đảm đang” “trung hậu” đó lời Bác trao.
          Thật là hạnh phúc tự hào,
Việt Nam ta có biết bao anh hùng.

 

Những người phụ nữ kiên trung,
Mưa bom lửa đạn bão bùng xong pha.
          Hy sinh vì đất nước nhà,
Mỗi người là một bông hoa dâng đời!

Hơn hai trăm quốc gia trên thế giới đều mang trong mình nét đặc trưng riêng tạo thành một Trái Đất tươi đẹp rực rỡ. Nước Việt Nam tôi cũng tự hào bởi vẻ đẹp của riêng mình. Vẻ đẹp ấy nằm ở nhiều khía cạnh, ở truyền thống dân tộc, ở lịch sử hào hùng, hay chính ở những con người kiên cường bất khuất... Nổi bật trong đó là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Và để tôn vinh, trân trọng vai trò của những người phụ nữ, ngày 20/10/1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm là “Ngày Phụ Nữ Việt Nam”.

Từ xưa đến nay, người phụ nữ Việt Nam luôn có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Trong công cuộc dựng nước và giữ nước, nước ta đã có rất nhiều vị nữ tướng như: Bà Trưng, Bà Triệu,… từng một thời làm giặc bao phen kinh hồn bạt vía. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng. Trong lĩnh vực Văn học Nghệ thuật nhiều phụ nữ là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như: Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh,... Tùy thuộc vào giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử mà nét đẹp của người phụ nữ được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ sinh ra phải mang trong mình đầy đủ bốn chuẩn mực đạo đức “Công - Dung - Ngôn - Hạnh”. "Công'' được hiểu là nữ công gia chánh, tề gia nội trợ, may vá thêu thùa, hầu chồng, dạy con. "Dung" có nghĩa là dung nhan, sắc đẹp. “Ngôn" là lời nói nhã nhặn, kín đáo, nhỏ nhẹ, dễ nghe. Lời nói đẹp còn phải gắn liền với cử chỉ đúng phép tắc, thể hiện sự đoan trang, thùy mị, nết na. "Hạnh" là chuẩn mực thứ tư của người phụ nữ cũng là chuẩn mực quan trọng nhất mà người phụ nữ phải có. "Hạnh" trong "Tứ đức" chỉ đạo đức, lòng nhân hậu, thủy chung, giàu tình yêu thương, giữ trọn nề nếp gia phong. Đức hạnh của người phụ nữ được thể hiện qua các mối quan hệ: vợ – chồng, cha mẹ – con cái… Dù vậy, nhưng cuộc đời lại vô cùng bấp bênh, họ không có tiếng nói, chỗ đứng của riêng mình. Trong xã hội phong kiến số phận người phụ nữ bị khinh thường, rẻ mạt. Điều đó thể hiện rất rõ qua bài thơ “Bánh trôi nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:  

        Thân em vừa trắng lại vừa tròn

       Bảy nổi ba chìm với nước non

       Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,

       Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Pháp, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Họ không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà còn là những chiến sĩ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, những chiến sĩ bất khuất trong tù, những mẹ già đào hầm bảo vệ cán bộ, cất giấu thương binh, những nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường. Đó là những tấm gương tiêu biểu như: Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định, Anh hùng liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm... Và còn có biết bao người mẹ Việt Nam Anh hung, hy sinh thầm lặng, dung dị, mộc mạc tảo tần đã chịu đựng mọi gian khổ, động viên chồng con đi chiến đấu, giỏi việc nước, đảm việc nhà, vững vàng gan dạ vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Họ đã cống hiến cho đất nước những người con, người chồng còn chính mình thì mòn mỏi chờ đợi người thân vững vàng niềm tin chiến thắng. Vì vậy, Đảng và Bác Hồ phong tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang.

BÀ NGUYỄN THỊ ĐỊNH (1920 – 1992)

Phó tổng tư lệnh quân Giải phóng miền Nam - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước

Với truyền thống quý báu đó, ngày nay phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tham gia phòng chống tệ nạn xã hội; thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân. Họ vẫn luôn kiên cường bất khuất, năng động, sáng tạo trong công việc không thua kém gì so với đấng mày râu. Vẫn được tôn vinh trong xã hội nhưng không bao giờ quên đi vai trò của mình là một người con, người mẹ, người vợ trong cuộc sống gia đình. Họ là hậu phương vững chắc, là người xây dựng tổ ấm gia đình. "Đằng sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của một người phụ nữ" - câu nói đó vẫn và sẽ luôn đúng ở bất cứ thời đại nào.

Có thể nói, giờ đây người phụ nữ đã và đang trở thành trụ cột trong đời sống tinh thần của mỗi gia đình, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh, tốt đẹp hơn. Như nhà thơ Huy Cận từng ngợi ca: 

      Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử

Nắng cho đời nên những nắng cho thơ.

 

                                                                      Tác giả: Phạm Thị Hải Ly - lớp 11A2

Tác giả: Phạm Thị Hải Ly - lớp 11A2 (2022-2023)
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 7
Hôm nay : 563
Hôm qua : 533
Tháng 09 : 10.596
Tháng trước : 11.369
Năm 2024 : 186.905
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.328.311