TÁC HẠI CỦA VIỆC THỨC KHUYA
Có thể khẳng định rằng trong chúng ta, nhiều người thường dành khoảng thời gian ban đêm là lúc yên tĩnh nhất để hoàn thành một công việc hay bài tập, làm cố một deadline… Trong số đó không thể không nói đến các bạn học sinh, sinh viên nói chung. Với số lượng bài tập lớn cùng với những áp lực học hành thi cử, nhiều học sinh, nhất là học sinh cuối cấp thường có xu hướng thức khuya để học bài chứ không dậy sớm vào buổi sáng để tranh thủ học. Mặc dù không thể phủ nhận sự chăm chỉ, cần cù chịu khó của các bạn song việc thức khuya lại mang đến nhiều tác hại mà có thể các bạn không để ý tới hoặc biết nhưng bất chấp. Lâu dần, việc thức khuya sẽ khiến sức khỏe của bạn suy yếu và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là một số tác hại của việc thức khuya mà mỗi chúng ta nên biết để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân:
1. Giảm trí nhớ.
2. Uể oải, khó tập trung chú ý vào công việc.
3. Ù tai, chóng mặt, mắt mờ.
4. Nóng nảy, cáu bẳn (dù có chú ý để tránh nổi nóng thì cũng vô ích, tới lúc nóng là không kiềm chế nổi).
5. Đau mỏi cơ, có thể thỉnh thoảng bị chuột rút. Đối với những người tập thể hình thì việc thức khuya sẽ giảm khả năng phục hồi và phát triển của cơ bắp.
6. Trung khu thần kinh uể oải thì thần kinh vị giác cũng trì trệ, dẫn tới ăn uống không ngon miệng.
7. Da mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí, nhiều dầu, đôi khi sần sùi và nổi mụn, dưới mắt có quầng thâm. Thức khuya ảnh hưởng đến làn da, nhất là da mặt. Thông thường là khoảng từ 10h - 11h tối, da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, bị sạm và không mịn màng…
8. Khô mắt, mỏi mắt, và nếu mắt phải làm việc khuya trong điều kiện thiếu ánh sáng thì dễ bị giảm thị lực.
9. Thức khuya hay ngủ ít có thể dẫn tới nguy cơ tăng cân theo chiều hướng tiêu cực, có thể gây thêm các tác dụng khác là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp…
10. Bên cạnh đó thức khuya trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người không thức khuya.
Trên đây là một số tác hại mà thức khuya có thể đem đến. Ngoài ra, thức khuya ngủ muộn còn có rất nhiều tác hại khác, có loại thì về lâu về dài mới phát tác nhưng cũng có loại thì chỉ cần sau một hôm đã có thể phát tác như việc mắt quầng thâm, cơ thể mệt mỏi chán nản cùng với nhớ bị giảm sút… Lâu ngày sẽ dẫn tới suy nhược cơ thể.
Với các bạn học sinh, việc thiếu ngủ sẽ làm các bạn luôn trong trạng thái lơ mơ, ngủ gật trên lớp, ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu bài và kết quả học tập.
Hy vọng rằng qua bài chia sẻ nhỏ này, phần nào sẽ giúp các bạn hiểu được nhiều vấn đề cần phải khắc phục và hãy quan tâm đến cơ thể bạn khi còn có thể để luôn giữ cho mình được khoẻ mạnh. Chúc các bạn học sinh, nhất là các bạn lớp 12 tìm được cho mình một múi giờ học tập hợp lí để đạt hiệu quả tốt nhất và giành kết quả cao trong kì thi sắp tới!
Tìm hiểu và tổng hợp: Vũ Phạm Ngọc Ánh – Lớp 12A1