TÌM HIỂU PHƯƠNG THỨC BÀI THI NĂNG LỰC VÀ BÀI THI TƯ DUY CỦA KÌ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM HỌC 2021-2022
Đối với học sinh cấp THPT nói chung và học sinh lớp 12 - các sĩ tử chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa Đại học nói riêng thì việc tìm hiểu các ngành nghề, các trường đại học, hình thức tuyển sinh là rất quan trọng.
Hiện nay có 3 phương thức xét tuyển chủ đạo được đa số các cơ sở giáo dục đại học sử dụng gồm: Xét tuyển bằng kết quả học tập bậc Trung học Phổ thông (Học bạ); xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022 và xét tuyển bằng kỳ thi riêng hoặc xét tuyển kết hợp. Trong đó, việc xét tuyển qua bài thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy đang dần phổ biến hơn và được quan tâm hơn. Để tìm hiểu về phương thức mới này cụ thể, chi tiết hơn, vào tiết sinh hoạt sáng thứ Bảy, ngày 02/04/2022 chi đoàn 11A12 đã tổ chức một buổi học tìm hiểu về Bài thi Đánh giá năng lực và Đánh giá tư duy của trường Đại học Quốc Gia Hà Nội và trường Đại học Bách khoa. Buổi sinh hoạt đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình đến từ các bạn học sinh trong lớp.
Cùng với sự tham gia đầy đủ của 43 bạn học sinh lớp 11A12 qua cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Teams là giáo viên chủ nhiệm cô Nguyễn Thị Phương. Mở đầu tiết sinh hoạt là phần tìm hiểu về nội dung đề thi bài đánh giá năng lực và bản chất của bài đánh giá năng lực. Dưới sự dẫn dắt của hai bạn Thảo Anh và Vũ Việt Anh, các bạn khác đã nhanh chóng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi được đưa ra.
Bên cạnh đó, bản chất của kỳ thi đánh giá là không tập trung quá nhiều về phần ghi nhớ mà tập trung xem xét khả năng áp dụng kiến thức, góp phần đánh giá kiến thức tổng quan, hiểu biết của thí sinh ở tất cả các mặt, các lĩnh vực; hạn chế việc học tủ ở thí sinh.
Tìm hiểu những ưu - nhược điểm của bài đánh giá năng lực, các bạn học sinh tổ 3 của lớp đã tổng hợp một số những ưu – nhược điểm như sau:
Ưu điểm:
- Tham gia trước kì thi Tốt nghiệp THPT.
- Tham gia thi nhiều lần (mỗi kì thi cách nhau 28 ngày ).
- Chủ động tham gia kì thi, thi trên máy tính, có thể biết kết quả ngay khi hoàn thành.
- Lựa chọn số điểm cao nhất để xét tuyển…
Nhược điểm:
- Kiến thức rộng, đòi hỏi năng lực tư duy, vận dụng linh hoạt.
- Số lượng thí sinh ngày càng tăng ↔ Cạnh tranh mạnh
- Lệ phí thi mỗi đợt khoảng 250.000 – 300.000 VNĐ
Với nội dung tìm hiểu về cấu trúc đề thi ĐHQGHN năm 2022, chúng em đã tìm hiểu được cấu trúc đề thi bao gồm 3 phần
- 195 phút cho 3 phần thi.
- 150 câu hỏi: 132 câu trắc nghiệm 4 đáp án, 18 câu điền đáp án.
* Phần 1: Tư duy định lượng (Lĩnh vực : Toán học) bao gồm:
- Điểm tối đa: 50
- Số lượng câu hỏi: 50 câu
- Thời gian: 75 phút
Trong 50 câu hỏi có dạng cơ bản tính toán, dạng vận dụng có ứng dụng thực tế, tư duy logic, đây là những câu hỏi nhằm đánh giá trình độ của học sinh và dạng câu hỏi điền kết quả.
* Phần 2: Tư duy định tính (Lĩnh vực: Ngữ văn – Ngôn ngữ)
- Điểm tối đa: 50
- Số lượng câu hỏi: 50
- Thời gian: 60 phút
Trong đó có các dạng câu hỏi như trả lời đoạn trích, các biện pháp tu từ, tìm từ thích hợp, từ sai về ngữ pháp/ ngữ nghĩa/ logic/ phong cách/ từ không cùng nhóm, các giai đoạn văn học.
* Phần 3: Khoa học (Lĩnh vực: Khoa học tự nhiên và xã hội)
- Điểm tối đa: 50
- Số lượng câu hỏi: 50
- Thời gian: 60 phút
Trong 50 câu bao gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý mỗi môn học sẽ có 10 câu hỏi trong đề thi.
Dưới đây là phần so sánh bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và bài đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa
Các đơn vị sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN:
- Trường Đại học Ngoại thương - Học viện Tòa án
- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - Học viện Ngân hàng
- Trường Đại học Thương mại - Học viện Chính sách và Phát triển
- Trường Đại học Vinh …
- Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.
Cuối cùng, Chi đoàn muốn chia sẻ chiến thuật ôn tập để chuẩn bị cho bài thi đánh giá năng lực đạt hiệu quả tốt nhất. Em xin thay mặt chi đoàn 11A12 chúc cho các bạn, các anh chị chuẩn bị tham gia kì thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy sắp tới có kiến thức thật vững chắc, đạt được kết quả như mong muốn.
Ảnh, bài viết: Nguyễn Thị Thảo Anh – Lớp 11A12