Nên thi bài thi “đánh giá năng lực” hay thi bài thi “truyền thống”?
Chỉ còn khoảng năm tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra. Những ngày nước rút cuối cùng, tôi cũng như các bạn đã cảm nhận rõ hơn những áp lực trong học tập; cảm giác căng thẳng, lo lắng ngày càng tăng. Áp lực càng lớn hơn khi các trường đại học có thêm phương thức tuyển sinh mới – “Kỳ thi đánh giá năng lực”.
Chắc hẳn, các bạn và tôi đều đang băn khoăn không biết có nên tham gia “Kỳ thi đánh giá năng lực” hay không? Trước đây, chúng ta chỉ chú trọng ôn tập các môn trong tổ hợp mình lựa chọn. Vì lẽ đó, khi nhiều trường công bố sử dụng kết quả “Kỳ thi đánh giá năng lực” của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển đại học năm 2022, tôi và các bạn rất lo lắng, băn khoăn có nên chuyển hướng sang tham gia làm bài kiểm tra năng lực để sử dụng cho việc xét tuyển vào trường đại học mình mơ ước?
Vậy kỳ thi đánh giá năng lực là gì?
Kỳ thi đánh giá năng lực là bài kiểm tra nhằm đánh giá năng lực cơ bản của thí sinh chuẩn bị bước vào đại học, thông qua bài thi tổ hợp gồm 120 câu hỏi với thời gian làm bài là 150 phút. Dạng đề thi sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan (MCQ – Multiple Choice Question). Nội dung bài thi tích hợp đầy đủ cả về kiến thức và tư duy với hình thức cung cấp số liệu, dữ liệu và các công thức cơ bản, đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng ghi nhớ. Kỳ thi được xây dựng với cách tiếp cận tương tự như kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Tại sao kỳ thi đánh giá năng lực năm nay được “ưa chuộng” hơn?
Bài thi năng lực đã xuất hiện từ những năm trước nhưng năm nay phổ biến hơn vì càng ngày càng nhiều trường đại học lấy kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Các kỳ thi đánh giá năng lực không đề cao khả năng ghi nhớ mà tập trung đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, đánh giá kiến thức tổng hợp. Do đó, nó góp phần đánh giá kiến thức tổng quan, hiểu biết của thí sinh ở các môn học. “Kỳ thi đánh giá năng lực” cũng mang lại cho thí sinh thêm cơ hội vào được trường mà các bạn thích. Tôi nghĩ đây là phương thức phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và sẽ là xu hướng tất yếu ở Việt Nam trong thời gian tới.
Có nên thi đánh giá năng lực hay không?
Câu hỏi mà nhiều bạn học sinh băn khoăn là chúng ta có nên thi đánh giá năng lực hay không? Trước hết, tôi xét về mặt tích cực của kỳ thi. Kỳ thi không chỉ giúp thí sinh tăng khả năng được trúng tuyển vào đại học mà còn giúp chúng ta củng cố và mở mang kiến thức, trau dồi thêm các kỹ năng cũng như tạo tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Thứ hai, nó phản ánh sát năng lực của học sinh. Các bài kiểm tra năng lực chú trọng khả năng vận dụng kiến thức của thí sinh trên nhiều lĩnh vực, kiến thức và năng lực của người tham gia được đánh giá toàn diện qua bài thi này. Mặt khác, kỳ thi đánh giá năng lực góp phần đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, giúp lựa chọn được những thí sinh đủ tiêu chuẩn và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo. Vì thế, việc sử dụng kết quả bài kiểm tra năng lực để xét tuyển đầu vào phù hợp với tiêu chí tuyển sinh của nhiều trường đại học, cao đẳng.
Bên cạnh mặt tích cực, “Kỳ thi đánh giá năng lực” còn tồn tại những hạn chế. Dù tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, các thí sinh thi cuối cấp vẫn phải thực hiện một kỳ thi bắt buộc nữa đó là thi tốt nghiệp THPT. Điều này cũng tạo thêm áp lực thi cử cho học sinh. Và kỳ thi của ĐHQG năm nay yêu cầu thí sinh tập trung thi ở một địa điểm thi, việc đi lại, ăn ở gây ra sự tốn kém cho các thí sinh ở xa.
Vậy chúng ta có nên tiếp tục lựa chọn lấy điểm thi tốt nghiệp THPT làm phương thức duy nhất để tham gia xét tuyển cao đẳng, đại học hay không?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Trong hai năm 2020 và 2021, điểm chuẩn trúng tuyển đại học dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT liên tục tăng cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc điểm chuẩn đại học năm 2021 tăng cao nhưng có ba nguyên nhân chính. Trước hết, do số lượng thí sinh dự thi tăng so với năm trước trong khi chỉ tiêu không tăng, thậm chí còn giảm xuống. Thứ hai, các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ hơn trong việc xét tuyển và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi THPT như xét học bạ, thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế. Điều này dẫn đến áp lực tỷ lệ chọn trúng tuyển từ kết quả thi THPT ngày càng lớn và điểm trúng tuyển lên cao. Nguyên nhân thứ ba là do kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn được Bộ GD&ĐT sử dụng cho mục tiêu “2 trong 1” là tốt nghiệp và tuyển sinh đại học nữa. Kết quả là, mặt bằng phổ điểm các môn thi năm 2021 đều tăng mạnh, tăng đột biến và ở mức cao như các tổ hợp có môn như Tiếng Anh, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân,…
Dù cho bạn chọn phương thức thi nào, bạn cũng cần chuẩn bị hành trang thật tốt, chuẩn bị tâm lý kĩ càng trước kỳ thi. Cùng có quỹ thời gian như nhau với 24h/ngày, nhưng tại sao có người thành công, có kẻ thất bại? Đó là do sự nỗ lực, ý chí, sự chăm chỉ của từng cá nhân. Tôi và các bạn hãy nỗ lực hết mình, đừng nản chí, muốn thành công thì phải chấp nhận đắng cay ngọt bùi, muốn thành công thì khao khát thành công phải lớn hơn nỗi sợ bị thất bại. Nếu bạn muốn điều gì, bạn sẽ nghĩ ra cả 101 cách để thực hiện nó. Nếu bạn tin mình làm được chắc chắn bạn làm được. Bởi nghị lực và bền bỉ có thể giúp bạn chinh phục mọi thứ. Chúc các bạn luôn vững tin vào sự lựa chọn của mình, phải để mồ hôi rơi trên trang giấy, nhất định không để nước mắt rơi sau mùa thi.
Viết bài: Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Học sinh lớp 12A5 trường THPT Tiên Lữ
Ảnh: Nguồn Internet