SINH HOẠT ONLINE VỀ STEM

Vào lúc 20h00 ngày 15/3/2022, thầy giáo Lương Cao Kỳ cùng với các bạn học sinh trường THPT Tiên Lữ đã có một buổi tư vấn thực hiện dự án STEM qua phần mềm Microsoft Teams nhằm mục đích hướng dẫn học sinh nắm được qui trình thực hiện một dự án STEM, cách viết 1 báo cáo khoa học, các yêu cầu của video, và giải đáp các thắc mắc gặp phải của học sinh khi thực hiện các dự án.

Mở đầu buổi tư vấn, thầy Lương Cao Kỳ đã giải thích về khái niệm STEM, đó là sự kết hợp của 4 yếu tố: Khoa học - Công Nghệ - Kỹ thuật - Toán học. Và thầy phân tích cho chúng em biết cụ thể hơn về mối quan hệ của 4 yếu tố này qua vòng lặp STEM:  Từ kiến thức nền (có được từ khoa học) kết hợp với sức lực và lòng nhiệt tình góp phần hình thành kĩ thuật và khi kĩ thuật phát triển sẽ góp phần phát triển công nghệ, công nghệ phát triển lại thúc đẩy khoa học phát triển và cứ thế lặp lại, tạo thành “chu trình STEM”

Thầy có nói vui một câu: “Kiến thức kết hợp với lòng nhiệt tình sẽ phát triển kĩ thuật, nhưng  không biết gì mà kết hợp với sự nhiệt tình sẽ trở thành phá hoại”. Nếu chúng ta ngẫm thật kĩ thì câu nói trên quả thực không sai chút nào. Thầy cũng đặt ra câu hỏi: “Vậy nghiên cứu STEM có phải là thứ gì đó cao siêu không ?”  Không, STEM được  sinh ra là để giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, trong sinh hoạt, trong sản xuất. Chỉ cần chúng ta chịu quan sát cuộc sống, nhúng mình vào những hoàn cảnh đó, sẽ phát hiện vấn đề cần giải quyết. Và đó là lúc ý tưởng về một dự án STEM được hình thành.

Thầy chia sẻ: “Thực chất, hiện nay các em đang thực hiện ngược: đi vay, đi mượn những ý tưởng từ trên mạng, từ anh chị khóa trước… Đó là những ý tưởng gắn với một hoàn cảnh xa lạ,  và bây giờ chúng ta bị mất phương hướng trong các dự án đó.  Lẽ ra, chúng ta cần vận dụng các kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn cụ thể của bản thân, thì giờ đây ta lại gượng ép tìm các yếu tố STEM có trong 1 vấn đề của người khác”.

Trong quá trình nghiên cứu, phải đảm bảo tính “trung thực” của khoa học, bao gồm: Trung thực về ý tưởng, trung thực về kết quả thực nghiệm và trung thực về bản quyền tài liệu tham khảo.

Các bước thực hiện một dự án STEM đều được thầy giải thích cụ thể nhất, dễ hiểu nhất. Thầy còn giới thiệu cho chúng em biết thêm một số ứng dụng công nghệ  như  FRIZING, EASYCODE, TINKERCAD…

Sau đó, thầy còn hướng dẫn chúng em cách viết báo cáo sao cho hợp lý, đầy đủ để các dự án có thể đạt được kết quả tốt nhất trong Vòng 2 sắp tới.

Buổi sinh hoạt trở lên sôi nổi hơn khi các bạn tham gia đưa ra các câu hỏi mà các bạn gặp phải trong quá trình thực hiện các dự án của mình để thầy giải đáp. Đó là câu hỏi của các bạn Phạm Thị Thùy Dương (11A1), Nguyễn Phương Thảo (11A12),… Qua lời giải đáp của thầy chắc hẳn mỗi bạn đều rút ra cho mình những kinh nghiệm để làm sản phẩm STEM của mình thêm hoàn hảo.

Buổi sinh hoạt diễn ra trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ nhưng cả thầy giáo và học sinh đều có chung cảm giác thời gian trôi đi thật nhanh.  Sau buổi tư vấn của thầy, chúng em cảm thấy rất hứng thú, học được thêm nhiều kỹ năng, hiểu được quy trình làm ra một sản phẩm STEM.  Hơn nữa, chúng em còn học thêm được khả năng phân tích, tổng hợp để biết cách làm thế nào cân bằng các yếu tố liên quan (khoa học, công nghệ, kĩ thuật…) , tìm ra giải pháp tối ưu trong thiết kế và quy trình thực hiện một dự án STEM.

       Phạm Thị Thùy Dương & Đoàn Việt Hà – Lớp 11A1

Tác giả: Phạm Thị Thùy Dương & Đoàn Việt Hà – Lớp 11A1 (2021-2022)
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 3
Hôm qua : 404
Tháng 05 : 16.005
Tháng trước : 29.236
Năm 2024 : 133.474
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.274.880