HỘI NGHỊ TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THUỘC CỤM SỐ 01
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và sự quan tâm đặc biệt ấy, nền Giáo dục và Đào tạo của tỉnh nhà đã từng bước phát triển và có nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà nói riêng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. GD & ĐT Hưng Yên tự hào về mặt bằng chất lượng giáo dục ở mức tốt, thuộc nhóm 5 địa phương có tỉ lệ thi đỗ đại học cao nhất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền GD&ĐT của tỉnh hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Khó khăn, thách thức đến từ tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, dân số cơ học cao trong khi mạng lưới trường lớp còn nhiều bất cập nhất là giáo dục mầm non và tiểu học. Khó khăn còn đến từ điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Khó khăn đến từ đội ngũ giáo viên còn thừa thiếu cục bộ...Để giải quyết những khó khăn ấy đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển vững bền của nền GD&ĐT tỉnh nhà, ngày 16 tháng 4 năm 2019 Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBMTTQ Việt Nam, Thường trực HĐND huyện đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về Giáo dục và Đào tạo thuộc cụm số 01 bao gồm cử tri thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, huyện Phù Cừ. Về dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch NĐND tỉnh Hưng Yên. Về phía Sở GD&ĐT có đồng chí Nguyễn Văn Phê - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên. Hội nghị tiếp xúc cử tri còn có đông đảo cử tri là cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh thuộc các cấp học khác nhau.
Mở đầu Hội nghị, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Trước hết đồng chí khẳng định: “ Trong những năm qua sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà có nhiều kết quả nhưng cũng vẫn còn không ít hạn chế. Vì vậy Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị để nắm bắt những khó khăn và vướng mắc của ngành GD&ĐT”. Trong bài phát biểu chỉ đạo của mình, đồng chí còn mong muốn: “được lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, của những người trong cuộc là phụ huynh học sinh, là các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục ở các cấp về thực trạng của ngành giáo dục tỉnh nhà. Đồng thời kiến nghị những giải pháp để tháo gỡ khó khăn góp phần nâng cao chất lương dạy và học, đáp ứng yêu cầu được học tập của con em chúng ta ngày một tốt hơn”. Để Hội nghị thực sự thiết thực và hiệu quả, đồng chí đã đề nghị các vị đại biểu HĐND các cấp: “nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, lắng nghe nắm bắt, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng và những kiến nghị của cử tri, sát sao hơn với việc giám sát các cơ quan có thẩm quyền giải quyết triệt để, đúng bản chất vấn đề của cử tri nêu ra”. Đồng chí đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo UBND huyện, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân; tập trung lắng nghe, trả lời ngắn gọn và trúng các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các giải pháp về cơ chế, chính sách thuộc phạm vị ngành mình phụ trách. Đồng chí cũng yêu cầu các cử tri quan tâm tập trung vào một số vấn đề chính của ngành giáo dục tỉnh nhà như: Thực trạng cơ sở vật chất trường lớp và những đề xuất giải pháp khắc phục; chất lượng dạy và học, vấn đề học thêm, thực trạng văn hóa học đường và những vấn đề về tệ nạn xã hội, mặt trái của mạng xã hội ảnh hưởng đến đạo đức và nhân cách của học sinh; chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của các cấp học, thu nhập và đời sống của cán bộ và giáo viên ngành giáo dục; những thuận lợi và khó khăn trong sắp xếp và tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục, nhất là vấn đề tinh giản biên chế giáo viên và sát nhập, hợp nhất các trường học trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Tỉnh ủy, tình trạng thừa thiếu giáo viên; công tác xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp cho học sinh; vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em đặc biệt trong việc chống bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội.
Sau ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, là báo cáo tóm tắt về việc thực hiện Kế hoạch 132/KH-TTHĐND của đồng chí Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên. Trong bản báo cáo, đồng chí đã trình bày tình hình quy mô, mạng lưới giáo dục, cơ sở vật chất trường học, chất lượng giáo dục và chất lượng đội ngũ giáo viên. Đồng thời đồng chí cũng đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của giáo dục Hưng Yên trong năm học 2017 – 2018 và những tháng đầu năm 2019.
Trên tinh thần cởi mở, trách nhiệm và xây dựng, đã có 14 ý kiến của cử tri được trình bày trước Hội nghị. Ngoài ra còn có một số ý kiến bằng văn bản được gửi đến Thường trực HĐND tỉnh. Trong đó phải kể đến ý kiến của cử tri Đào Văn Phi - Hiệu trưởng trường Cấp 1&2 xã Đức Thắng về những thuận lợi và khó khăn trong công tác sát nhập.
Cử tri Đào Văn Phi cho rằng “Bên cạnh việc thực hiện tinh giản biên chế, việc sát nhập các cấp học còn nảy sinh những vấn đề bất cập về đội ngũ giáo viên, chỉ đạo chuyên môn và phân bố thời gian”. Hội nghị cũng được lắng nghe những chia sẻ của cử tri Bùi Đăng Thương - Hiệu trưởng trường THCS Phù Cừ về việc thực hiện đề án tự chủ.
Cử tri Bùi Đăng Thương băn khoăn trước những khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình thực hiện đề án như tự chủ về giáo viên, tự chủ về kinh tế, về cơ sở vật chất, tự chủ về chương trình giáo dục. Đồng chí cũng đề xuất các ban, ngành cần có những hướng dẫn cụ thể về lộ trình thực hiện đề án tự chủ trong các cơ sở giáo dục.
Là một phụ huynh học sinh, cử tri Nguyễn Văn Hồng, trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường Tiểu học Hoàng Lê, thành phố Hưng Yên kiến nghị: “Các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng quan tâm hơn nữa đến vấn đề bạo lực học đường, đầu tư lắp đặt thiết bị camera để kiểm soát chặt chẽ và nắm bắt kịp thời các tình huống xảy ra trong nhà trường”.
Trong niềm vui và xúc động khi nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo với ngành giáo dục, cử tri Phạm Thị Chung, Phó hiệu trưởng Mầm non Lam Sơn, thành phố Hưng Yên mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách của đội ngũ kế toán, văn thư, thủ quỹ ở các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Sau khi được lắng nghe ý kiến và đề xuất giải pháp của các cử tri, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên đã giải đáp những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đồng thời đồng chí cũng giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách của cán bộ, giáo viên ngành giáo dục. Những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục Hưng Yên được dư luận xã hội quan tâm sẽ được các đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn và tổ chức chất vấn trong thời gian tới.
Phải nói rằng, tuy đây là lần đầu tiên HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về Giáo dục và Đào tạo nhưng đã thành công tốt đẹp, có sự đổi mới cả về nội dung, thành phần mời dự và phương pháp tiến hành. Hội nghị được tổ chức đã góp phần nhân lên niềm tin trong nhân dân địa phương về con đường lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tin vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và lãnh đạo của các cấp, các ngành. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự vào cuộc và chung tay của các cấp, các ngành, nền GD&ĐT của tỉnh nhà sẽ có những bước đột phá và khởi sắc hơn nữa.