BẮT NẠT TRỰC TUYẾN MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT
Cùng với sự bùng nổ của mạng Internet và các thiết bị điện tử, một hình thức bắt nạt mới đã xuất hiện đó là bắt nạt trực tuyến. Hành vi trên không gian ảo nhưng đang để lại những hậu quả nặng nề trong đời sống thực.
Bắt nạt trực tuyến là gì?
Bắt nạt trực tuyến nằm trong hình thức bắt nạt gián tiếp, xảy ra khi một người hoặc một nhóm người (thủ phạm) thực hiện hành vi bắt nạt thông qua các tiện ích và ứng dụng trên internet hướng tới việc làm tổn thương tinh thần, tâm lý của người khác (nạn nhân) một cách có chủ ý, lặp đi lặp lại và có thái độ đe dọa thù địch.
Bắt nạt trực tuyến có những dạng nào?
Một là quấy rối: Bao gồm các hành động như: gửi các thông điệp công kích, thô lỗ và tin nhắn để xúc phạm hay để bạo hành, lạm dụng; viết những bình luận, bức hình làm khó chịu hay gây xấu hổ trong các nhóm/cuộc trò chuyện trên mạng xã hội gây khó chịu rõ ràng cho người chơi khác trên các trang mạng chơi game.
Hai là phỉ báng: Là hành động khi một người nào đó gửi các thông tin giả mạo, gây tổn hại và không đúng sự thật. Điều này có thể diễn ra trên bất cứ trang mạng ứng dụng nào. Chúng ta thường chứng kiến những người gửi các hình ảnh về người khác và đăng các bài viết lên mạng với mục đích bắt nạt.
Ba là mạo danh: Là hành động khi một người nào đó đột nhập vào tài khoản email hoặc mạng xã hội của ai đó và sử dụng danh tính trên mạng (vừa đột nhập) để gửi hay đăng các tin khiêu dâm, phóng đãng, hoặc các tài liệu (bài viết, hình ảnh, đoạn ghi âm, ghi hình) đáng xấu hổ cho người khác. Nó cũng có thể là việc lập một trang/hồ sơ giả mạo trên các trang mạng xã hội, ứng dụng và những nơi trên mạng khác, điều này thực sự rất khó khăn để dẹp bỏ.
Bốn là phát tán và lừa đảo: là hành dộng khi một ai đó chia sẻ các thông tin cá nhân hoặc lừa đảo để lấy thông tin bí mật rồi chuyển tiếp cho người khác. Thủ phạm cũng có thể làm điều này với những hình ảnh và video riêng tư.
Năm là rình rập trên mạng: đây là hành dộng lặp đi lặp lại việc gửi các thông điệp, tin nhắn bao gồm: đe dọa làm tổn thương, các tin nhắn quấy rối và đe dọa, hoặc tham gia vào các hoạt động trực tuyến khác, làm cho một người lo sợ cho sự an toàn của bản thân. Những hành động này có thể là bất hợp pháp, phụ thuộc vào việc họ làm gì.
Sáu là tẩy chay, cô lập: đây là hành động khi một ai đó cố ý loại bỏ một ai đó khỏi nhóm chẳng hạn như: nhóm nhắn tin chung, những ứng dụng trên mạng, các trang mạng chơi game, và những hình thức tham gia trên mạng khác. Đây cũng là dạng bắt nạt trực tuyến rất phổ biến.
Sự thật là:
+ Bắt nạt trực tuyến đang là hiện tượng đáng báo động xảy ra phổ biến trên toàn thế giới.
+ Trong những năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh bị bắt nạt trực tuyển có xu hướng ngày càng tăng lên. TS Trần Văn Công – ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội và các cộng sự nghiên cứu tại 3 địa phương Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa cho thấy 34% học sinh THCS, THPT tham gia vào bắt nạt trực tuyến với các vai trò khác nhau.
+ Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy lứa tuổi 10 đến 18 tuổi là lứa tuổi có nguy cơ cao và tỷ lệ lớn là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến.
Nếu bạn bị bắt nạt và bắt nạt trực tuyến thì bạn phải làm gì?
- Đầu tiên bạn phải lưu giữ bằng chứng: mỗi khi có điều gì đó xảy ra, hãy lưu lại thời gian mà sự kiện đó xảy ra, ghi chép hoặc chụp lại những bằng chứng bạn có.
- Bạn nên nhớ không phản hồi: kẻ bắt nạt luôn muốn bạn phản ứng với hành động của họ. Nếu bạn thể hiện bị tổn thương hay tức giận và phản hồi sẽ khiến thủ phạm cảm thấy thỏa mãn và có hành vi leo thang.
- Sau đó bạn hãy chặn những kẻ bắt nạt bạn: với bắt nạt trực tuyến bạn có thể chặn email, facebook, zalo, instangram… của những kẻ đó hoặc báo cáo đến tổ chức cung cấp dịch vụ.
- Cuối cùng bạn không nên giữ điều đó làm bí mật mà tự ứng phó với nó mà hãy nói với người khác về việc bạn bị bắt nạt. Bạn có thể nói với cha mẹ, thầy cô, người lớn mà bạn tin tưởng.
Thông điệp gửi đến cha mẹ và những người làm công tác giáo dục.
- Trẻ bị bắt nạt phải chịu những tổn thương về tinh thần, các em chán nản, cô đơn và suy sụp. Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó với những kẻ bắt nạt có thể khiến các em bị stress, lo âu, trầm cảm và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý.
- Nhiều trường hợp học sinh bị bắt nạt trực tuyến đã xảy ra và để lại những hậu quả là những vụ tự sát thương tâm.
- Nhận diện sớm các dấu hiệu, nguy cơ trẻ bị bắt nạt và tìm kiếm sự giúp đỡ của giáo viên, chuyên gia tâm lý học đường để có những can thiệp kịp thời nhằm phòng ngừa những hệ quả xấu của bắt nạt.
Trẻ bắt nạt cũng có thể đang gặp khó khăn nào đó cần được hỗ trợ. Không dùng bạo lực để ép trẻ ngay lập tức nhận hành vi bắt nạt mà hãy cho trẻ thời gian. Không được bỏ qua hành vi bắt nạt. Nếu lờ đi trẻ sẽ cho rằng hành vi đó là được phép, trẻ sẽ gia tăng hành vi bắt nạt.
Bài và ảnh: Đoàn Thị Hoa