TRẦM CẢM - CĂN BỆNH QUÁI ÁC CƯỚP ĐI SINH MẠNG CỦA VÔ SỐ NGƯỜI

Nguồn ảnh: Internet

Ngay sau đây, tớ sẽ chẳng đưa ra một định nghĩa nào cho cụm từ “bệnh trầm cảm” nhưng bù lại đó mong cậu hãy đọc hết, đọc hết để có thể cảm nhận được và tiếp đó là hiểu được định nghĩa trầm cảm từ chính cách mà cậu tiếp nhận thông tin từ bài viết.

Điều gì sẽ đến với những người mắc bệnh nhân trầm cảm mỗi khi đêm về?

Giấc ngủ có thể nói là thứ quà mà thượng đế ban cho con người. Khi ngủ, ta có thể dẹp hết mọi âu lo, phiền muộn, suy tư,… tất cả những cảm xúc, sự việc đều cùng với đôi mắt nhắm lại, tạm thời được ngủ yên. Thế nhưng đối với người mắc chứng trầm cảm, mỗi khi đêm về, là họ lại bắt đầu một khoảng thời gian trằn trọc, khó khăn không thể ngủ được. Họ bị giày vò trong những suy nghĩ, những cảm xúc tiêu cực, đấu tranh tâm lí đến không thở nổi...

Ban đêm là khoảng thời gian đáng sợ nhất. Lúc đó điều gì thường đến trong tâm trí của bạn? Đối với người trầm cảm, lúc này suy nghĩ tiêu cực bắt đầu trỗi dậy, tấn công liên tục vào tâm trí nhưng xung quanh lại chẳng có gì bảo vệ họ. Ban ngày họ sẽ có những người khác ở bên cạnh họ hay những công việc khác khiến cho họ phân tâm nhưng khi ở một mình họ trần trụi, dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Họ ôm lấy thân mình trong màn đêm đen đặc ngợp thở đó, đấu tranh một mình với bóng đêm dài đằng đẵng.

Có điều gì ẩn nấp sau những nụ cười?

Những người mắc chứng trầm cảm thường rất biết cách giả vờ vui vẻ. Vậy nên nói với họ những cách để trở nên vui vẻ hầu như đều vô dụng. Đừng nói gì nhiều, cũng đừng dạy họ phải làm gì, những cái “đạo lí” ấy có khi người ta còn hiểu hơn cả cậu, chỉ là họ không làm được mà thôi. Cũng đừng thờ ơ và phủ nhận nỗi đau của họ, cách bạn đối xử với người mắc chứng trầm cảm sẽ góp 1 phần lớn hay nhỏ ảnh hưởng đến căn bệnh “quái ác” bên trong họ. Có những người bệnh biểu hiện ra ngoài những suy tư, chất chứa đau buồn nhưng sẽ thế nào nếu tất cả những biểu hiện ấy được che giấu một cách hoàn hảo triệt để? Mọi suy nghĩ và cảm xúc thật bên trong đều đã được che giấu bởi nụ cười và thái độ sống tích cực, sẽ chẳng có ai mảy may nghi ngờ gì về đằng sau nụ cười đó. Mặc dù vẻ ngoài luôn lạc quan với thái độ sống tích cực nhưng bản thân người bệnh phải đấu tranh tư tưởng, giành xé nội tâm, vật lộn với những mặc cảm, tội lỗi và bi quan về tương lai.

Có bao giờ cậu tự hỏi điều gì ẩn nấp sau những nụ cười mà cậu vẫn đang thấy? Đối với những người mắc bệnh, biểu hiện những đau khổ ra bên ngoài, người ngoài nhìn vào chưa hiểu thì có thể đưa ra những lời đánh giá: “sao trông mày lúc nào cũng ủ dột thế?”, “lạnh lùng như này thì ai mà chơi cùng?”. Thế còn đối với những kẻ che giấu hoàn hảo đầm lầy tiêu cực trong lòng họ thì sao? Phải đến khi sự đã rồi, người ngoài mới thắc mắc: “bình thường trông nó vu vẻ lắm mà sao lại dại dột thế không biết?”, “chưa thấy nó than thở hay khóc lóc gì mà sao lại...”. Đối với người ngoài một người trông vui vẻ mà lại buồn có vẻ là điểu bất thường, ấy nhưng họ đâu biết chính cái bất thường ấy mới là phản ứng bình thường. Tớ nhớ đến một câu của một nhà hiền triết người Ấn Độ: “Người có thể thích ứng tốt và khéo léo với xã hội thật sự khỏe mạnh sao?” Điều đó có nghĩa là thực chất những điều bình thường ta vốn thất chưa chắc đã bình thường, nó đơn giản chỉ là một dạng tưởng tượng và ảo tưởng.

Chúng mình ở bên cậu.

Tớ biết là trước khi đưa ra kế hoạch tự hại hay hành vi tự kết liễu, cậu đã gửi đến chúng tớ lời kêu cứu nhưng thật tệ, chúng tớ chẳng thể nhận ra. Chúng ta vẫn thường nghe các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, ngay cả những người thân gần gũi nhất với những người đã tự sát cũng chẳng nhận được bất kì tín hiệu bất thường từ nạn nhân cho đến khi sự việc xảy ra. Nhưng điều đó không phải sự thật. Họ đã từng ít nhất 1 lần gửi đến những người xung quanh “tín hiệu cầu cứu“, chỉ có điều là đã chẳng có ai nhận ra mà thôi. Làm ơn hãy sáng suốt, đừng chê trách họ không đủ sức chịu, cũng đừng chê họ yếu đuối, hãy bảo vệ họ, giúp họ nhận ra được giá trị của mình.

Những câu nói: “Ôi dào ơi, đừng làm quá lên như vậy?”, “tao thấy bình thường mà, nhiều người còn khổ hơn mày mà họ vẫn sống tốt đó thôi?” hay “Thôi có gì đâu, chắc mày rảnh quá không có việc gì làm rồi suy diễn ba cái chuyện linh tinh.”. Những câu nói tưởng chừng như vô hại ấy lại mang sát thương cực mạnh, là con dao đâm sâu vào trái tim đang cần chữa lành. Từ đâu lại có những định kiến thờ ơ, vô cảm, chối bỏ như vậy? Nó đến từ sự thiếu hiểu biết chung về căn bệnh trầm cảm. Mọi người nghĩ rằng đây là một trạng thái tinh thần buồn bã, chán nản ai rồi cũng có và rồi nó sẽ qua đi, chỉ cần người ta có cố gắng tí chút. Thế nên từ “trầm cảm” được người ta dùng khá thoải mái trong đời sống hằng ngày. Chẳng nói đâu xa, như chính tớ cũng đã dùng nó trong khi chẳng hiểu hết ý nghĩa: “Trời cứ mưa suốt, ở nhà muốn trầm cảm luôn quá” hay “nhìn vào đống bài vở mà thấy trầm cảm”. Thậm chí những người trẻ còn trêu cợt nhau trên mạng: “đừng vui quá, trầm cảm lên”. Tớ mong khi cậu đã đọc đến đây, cậu cũng đã phần nào hiểu hơn về chứng trầm cảm, để tâm hơn và đừng đùa cợt với cụm từ có tính nhạy cảm như vậy. Vì có biết đâu, rằng lỡ như chỉ một câu nói bông đùa thiếu suy nghĩ của chúng ta lại làm tổn thương một người. Cậu đáng để được yêu thương thì người khác cũng vậy, tất cả chúng ta đều xứng đáng có được sự yêu thương!

Những người mắc chứng trầm cảm đôi khi họ còn chẳng thể tự nhận ra để đưa ra những biện pháp kịp thời cho bản thân. Hãy đối xử tốt với người bên cạnh mình, dù cậu có không thích họ thì hãy “nước sông không phạm nước giếng” đừng tổn thương bất kì ai.

Khi viết bài này, những cảm xúc tiêu cực cứ ập đến với tớ. Vì bài dài nên tớ không đưa dẫn chứng, nếu muốn cậu có thể tìm hiểu, tớ mong cậu sẽ quan tâm đến nó. Bài viết có thể không hoàn hảo, chứng trầm cảm có nhiều loại và mỗi người mắc lại có câu chuyện khác nhau nên bất cứ tài liệu cậu tìm ở đâu đều không bằng chính các cậu tiếp nhận thông tin và cảm nhận nó.

Sưu tầm: Vũ Lê Kiều Anh – Lớp 10A1.1 (CLB Học tập)

Tác giả: Vũ Lê Kiều Anh – Lớp 10A1.1 (2023-2024)
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 17
Hôm nay : 9
Hôm qua : 404
Tháng 05 : 16.011
Tháng trước : 29.236
Năm 2024 : 133.480
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.274.886