THÁNG TRI ÂN
Mỗi năm, khoảnh khắc tôi nhận ra cái nắng của mùa thu từ khi nào đã dần nhạt mất, trên cao là những áng mây lười nhác chậm chạp. Đó là lúc, mùa Đông đến, cái lạnh đầu mùa vẫn dịu dàng và yêu đời đến lạ. Tôi nhìn lên tấm lịch treo tường, tháng mười một cũng đến rồi. Là tháng của tri ân, của biết bao yêu thương đong đầy vô hạn. Đó chính là tháng của “những người lái đò” đáng kính.
Là một đất nước có truyền thống hiếu học lâu đời “tôn sư trọng đạo” vốn đã là một trong những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ xa xưa, lịch sử nước ta đã ghi danh nhiều người thầy vĩ đại. Tiêu biểu phải kể đến “Vạn Thế Sư Biểu” – thầy giáo Chu Văn An; Danh nhân văn hóa Việt Nam “Tuyết Giang phu tử” – Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay nhà bác học thần đồng Lê Quý Đôn,… Họ là những người thầy giáo lỗi lạc, tấm gương sáng về tài năng và nhân cách cao đẹp, góp công lao vô cùng to lớn cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Qua biết bao thăng trầm của lịch sử, biết bao sóng gió và đấu tranh, văn hóa hiếu học không vì thế mà lu mờ ngược lại càng thêm phát triển rực rỡ. Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ khổ lao, tinh thần ấy càng thêm mãnh liệt. Phía trên là bom rơi lửa đạn, phía dưới là những lớp bình dân học vụ cùng những người gieo con chữ vẫn miệt mài không quản ngại khó khăn. Từ những gian lao và khổ đau ấy, những người thầy trong kháng chiến như viên ngọc ngời sáng giữa khói bom. Hình ảnh người lãnh tụ vĩ đại và lớp “Bình dân học vụ” sẽ còn in đậm trong kí ức của con người Việt Nam, để thế hệ mai sau nhìn lại và cảm phục.
Ba vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội Việt xưa “Quân - Sư - Phụ”, thì "Thầy" chỉ đứng sau "Vua" và trên cả "Cha mẹ". Cho tới hôm nay, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn được gìn giữ, phát huy một cách tốt đẹp và sâu sắc. Bác Hồ khẳng định: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất... Người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Xã hội phát triển hiện đại, rất nhiều yếu tố có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người, nhưng vẫn không gì có thể thay thế được vị trí đặc biệt quan trọng của thầy - cô giáo. Trong bóng tối, tri thức có thể làm bừng sáng cả một vùng trời. Người lái đò luôn là những người tiếp lửa, ươm lên những hạt mầm ước mơ ngày một sinh sôi, vững bước trước sóng gió và bão giông.
Lật lại chặng đường lịch sử, lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào 20/11/1958. Đến ngày 28/9/1982, theo đề nghị của ngành Giáo dục, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người. Hằng năm, mỗi dịp đông về, lòng người đều rạo rực những kỉ niệm, những cảm xúc bồi hồi nhớ thương. Nhớ về bài học đầu tiên, nhớ về từng hạt bụi phấn trắng bay bay trên bục giảng. Nhớ về tình yêu chẳng phải từ máu mủ ruột thịt lại có thể khắc sâu vào trong miền kí ức của mỗi chúng ta suốt chặng đường dài phía trước…
Từ thuở mẹ còn dắt tay tôi qua chiếc cổng trường cấp một, dúi vào tay một bông hoa nhỏ và thì thầm vào tai tôi đây là món quà nhỏ giành tặng cho cô giáo. Vào thời khắc ấy, tôi đã biết, ngày 20/11 hằng năm là ngày nhà giáo Việt Nam. Nhưng có lẽ, tôi của lúc đó chỉ nghĩ, ngày 20/11 mình sẽ mua tặng cô giáo một cành hoa, cùng hòa lên một khúc ca giữa sân trường đầy nhộn nhịp. Còn bây giờ, cứ hễ tháng mười một ngấp nghé đến, kỉ niệm cũng tràn lan trong tôi như lũ chim tránh rét không ngừng bay về phía đất rừng phương Nam. Tôi đã hiểu, đâu chỉ có tháng mười một mới có thể bộc lộ tình cảm với thầy, với cô, mà là bất kể là khi nào, hay bất cứ nơi đâu mà mình còn có thể. Đối với những người ươm mầm tri thức, thành quả học tập và sự trưởng thành vững bước trên con đường tương lai mới thực sự là món quà tình cảm chân thành quý giá nhất. Trong mọi thời đại, nghề trồng người vẫn luôn là một nghề cao đẹp và tôn kính, như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.”
Sâu thẳm trong tiềm thức của mỗi người, ai ai cũng có một ngăn nhỏ chứa đựng tình cảm đặc biệt cho những người lái đò kính yêu. Những năm tháng cuối cùng được khoác lên mình màu áo trắng tinh khôi, tôi càng yêu và trân trọng thầy cô giáo của mình hơn cả. Kỉ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022), tại cánh cổng trường THPT Tiên Lữ, tôi tự tin bước vào với đóa hoa là tình cảm nhiệt thành trân quý nhất. Tất cả đều là món quà gửi đến những người lái đò tôi yêu – những người thầy, người cô mãi mãi ngự trị trong trái tim nhỏ bé này!
Tác giả: Lương Thị Thùy Linh - Lớp 11A2