NỖ LỰC ẢO: CHỈ LÀ NHẤT THỜI VÀ HẾT!
Bạn đột nhiên cảm thấy cuốn sách này rất hay, rất có ích việc cho học tập nhưng sau khi mua về bạn lại vứt xó? Bạn bỗng dưng thấy khóa học, những mẹo bổ ích trên mạng thật tốt biết bao, bạn tải về nhưng không xem lần nào? Bạn thấy bạn bè có tài liệu để nâng cao kết quả học tập, bạn chạy theo mua cho hợp chúng bạn nhưng sau đó không hề đụng đến nó? Bạn tưởng chừng mình đã làm mọi thứ và bạn gọi đó là nỗ lực? Không! Bạn đã và đang có một thứ, đó chính là “Nỗ lực ảo”! Vậy nỗ lực ảo là gì? Nó có ảnh hưởng như thế nào đến bạn?
Bạn đã bao giờ rơi vào tình cảnh “éo le”, dở khóc dở cười như trên chưa? Nỗ lực ảo ngày nay đang là một trong những trường hợp vô cùng phổ biến ở các bạn học sinh. Đó là khi hành động của bạn chỉ là tùy hứng, nhất thời, với một mục tiêu không rõ ràng và không có kế hoạch cụ thể. Dưới đây là những triệu chứng cho thấy bạn đang mắc bệnh nỗ lực ảo:
1. Bạn rất thích sưu tầm tài liệu, mua khóa học, mua rất nhiều sách nhưng mua về để đấy và không học. Bạn biết rõ về những ngày hội sách, các trang web bán sách,… mua được rất nhiều cuốn sách hay và chất đầy tủ. Nhưng bạn không bao giờ đọc hết những cuốn sách bạn đã mua, có nhiều cuốn chỉ mở ra lật mấy trang rồi lại cất đó không bao giờ sờ đến nữa. Vậy là tri thức chất đầy trong nhà bạn, nhưng bạn lại bỏ phí!
2. Trong thời đại ngày nay, các trung tâm bổ trợ được mở ra rất nhiều, với quảng cáo hấp dẫn. Nhất là các khóa học online, không mất công đi lại mà giá cả cũng không quá đắt. Bạn nghĩ rằng người khác học được thì bạn cũng học được và rồi bạn quyết định mua… Cuối cùng, khóa học mua về thì nhiều nhưng chỉ học vài tiết rồi để đó, thậm chí có những khóa học bạn còn chưa tham gia học được một lần nào.
3. Bạn tìm được rất nhiều những phương pháp hay nhưng không bao giờ áp dụng vào bản thân mình. Bạn rất thích lên mạng tìm đọc những bài viết hay. Thấy bài nào tâm đắc bạn sẽ lưu nó lại hoặc chia sẻ nó… Nhưng cũng giống như cách mà bạn đối xử với những cuốn sách bạn đã mua vậy, bạn không mở chúng ra đọc lại đến một lần, nghiền ngẫm và tìm cách vận dụng những cái hay của bài viết vào bản thân mình.
4. Bạn thường rất chăm chỉ những ngày đầu nhưng sau đó bạn lại bỏ bê học tập như bình thưởng. Bạn rất quyết tâm học tập nhưng đến khi ngồi vào bàn học thì bạn lại không muốn học nữa. Sự chán nản học tập, sức thu hút của những thứ khác đã khiến bạn sao nhãng. Thay vì học bài, bạn ngồi xem phim, lướt tiktok, chơi game…
Nỗ lực ảo ngoài việc tạo ra động lực tức thời cho thấy nhiều tác động không tốt đối với chúng ta. Thứ nhất, bạn luôn nghĩ mình đã và đang cố gắng nhưng kết quả bạn nhận lại không như mình mong muốn. Điều đó làm bạn hụt hẫng, thất vọng, khiến bạn rơi vào trạng thái buồn phiền và không muốn cố gắng thêm nữa. Từ đó, bạn sẽ bị trì trệ trong khi những người khác vẫn đang hàng ngày tiến bộ. Nó sẽ làm khoảng cách giữa bạn và mọi người ngày càng lớn, khiến bạn trở nên tự ti và mất dần niềm tin vào năng lực của bản thân. Thứ hai, nỗ lực ảo khiến thời gian trôi qua một cách vô ích. Bạn nghĩ rằng mình đã cố gắng trong một đến hai tiếng đồng hồ nhưng thực chất khoảng thời gian đó hoàn toàn không được sử dụng hiệu quả. Thực tế bạn đã làm gì? Không tập trung? Chat với bạn bè? Lướt web? Hay nghe vu vơ mấy câu triết lí học tập? Đó là còn chưa kể bạn phải bỏ ra rất nhiều tiền để chạy đua với chúng bạn trong việc mua tài liệu học tập, lưu trữ, sưu tầm.
Đọc tới đây chắc hẳn nhiều bạn trong chúng ta đã thấy được phần nào bản thân ở trong đó. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Có rất nhiều câu trả lời cho vấn đề này nhưng theo mình, đáp án nằm ở chính bản thân bạn.
Điều quan trọng nhất là hãy lắng nghe bản thân. Trước khi lắng nghe thành công của những người ngoài kia, hãy lắng nghe bản thân và tìm cho mình những khát khao thực sự. Chúng ta không cần thiết phải khổ cực với việc chạy đua, cứ hoàn thành tốt trách nhiệm của bản thân, không cần phải quá nổi bật. Múi giờ của mỗi người là khác nhau, việc người khác thành công hơn không phải là vấn đề và chúng ta không cần phải ép buộc thay đổi bản thân để giống họ. Quan trọng là bạn có đi lên, chậm cũng không sao, đừng quan tâm tới những suy nghĩ tiêu cực, gò bó mình phải cố gắng chạy theo người ta. Thay vào đó, bạn hãy thư giãn, tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần thật vững chắc để vượt qua những khó khăn, thử thách ở phía trước.
Thứ hai, sự cầu tiến cần một kế hoạch rõ ràng và đừng quên áp dụng nó. Lập kế hoạch thì dễ nhưng để thực hiện và duy trì thì không dễ chút nào. Làm sao để duy trì điều đó? Bạn phải áp dụng nó và tuyệt đối không được phá vỡ kế hoạch. Buông thả bản thân một lần, rồi hai lần và lâu dần việc trì hoãn đưa chúng ta vào một vòng luẩn quẩn. Công việc hôm nay chớ để ngày mai, nếu bạn đang nỗ lực với một động lực dồi dào thì hãy duy trì nó. Hãy lập ra một thời gian biểu hợp lí cho chính bạn, phải có sự cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc!
Hãy nhớ rằng, đừng để nỗ lực ảo khiến bạn ảo tưởng về sự nỗ lực mình cũng như đừng trì hoãn những kế hoạch mà mình đã dày công lập ra. Thà rằng bạn làm mọi việc chậm rãi nhưng biết lắng nghe bản thân, có kế hoạch, có mục tiêu và thấy được sự tiến bộ còn hơn bốc đồng nhất thời và chẳng đi đến đâu. Dẫu biết nỗ lực vươn lên là cần thiết, nhưng nỗ lực đúng cách và tiến lên đúng hướng sẽ lưu lại cho chúng ta một tuổi thanh xuân đầy ý nghĩa…
Bài viết: Lưu Thị An Duyên - Lớp 12A2
Ảnh: Nguồn Internet