LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM 22/12

Ngày 22/12 không chỉ là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam.

Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.

Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc..."

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
 

Ngày 22-12-1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã long trọng đọc 10 lời tuyên thệ.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch-Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo.

Chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, Cứu quốc quân,... là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi. Sau lễ thành lập, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, đội tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân.

Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25-12-1944) và sáng hôm sau (7 giờ ngày 26-12-1944) đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Hai trận đánh trên thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 15 tháng 4 năm 1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang quyết định Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân do Chu Văn Tấn chỉ huy, đổi tên thành Giải phóng quân, lực lượng quân sự chính của Việt Minh để giành chính quyền năm 1945. Lễ hợp nhất được tổ chức ngày 15 tháng 5 năm 1945 tại rừng Thàn Mát, xã Định Biên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).

Ngày 16 tháng 8 năm 1945, trong Cách mạng Tháng Tám, khi tiến đánh Thái Nguyên, quân số Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã khoảng 450 người, biên chế thành một chi đội (tiểu đoàn), do Lâm Cẩm Như làm chi đội trưởng. Sau 7 ngày, quân Nhật ở Thái Nguyên mới chịu chấp nhận giao nộp vũ khí cho Giải phóng quân.

Từ năm 1945, Giải phóng quân của Việt Minh là lực lượng nòng cốt quân đội quốc gia của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 11 năm 1945 Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn, còn gọi là Vệ quốc quân. Lúc này quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành khoảng 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Một số chi đội đã "Nam tiến" để giúp quân dân miền Nam chống lại quân Pháp đang tấn công trở lại ở Nam Bộ.

Ngày 22 tháng 5 năm 1946, theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch nước, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Quân đội tổ chức biên chế thống nhất theo trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội…

Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn phát triển và trưởng thành. Ngày 22-12-1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc.

Ngày 24 tháng 9 năm 1954, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Quyết định số 400/TTg quy định "Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ nay gọi thống nhất là: Quân đội nhân dân Việt Nam". Danh xưng này được sử dụng cho đến ngày nay.

Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội Quốc phòng Toàn dân.

"Hòa bình, độc lập, tự do" là ba từ thiêng liêng mà dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng mấy ngàn năm lịch sử gian khổ và hào hùng. Hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã lập được nhiều kì tích trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, ghi vào pho sử vàng dân tộc nhiều chiến công hiển hách. Những chiến công đó mãi là niềm tự hào của con dân đất Việt. Biết bao thế hệ cha anh đã hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ bỏ lại sau lưng những người mẹ già, những người vợ trẻ và những đứa con thơ để lên đường tham gia kháng chiến. Họ mang một nỗi niềm chia li nhưng vẫn sắt đá một tinh thần quyết chiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ý chí đó không ít lần đi vào những trang thơ, trang văn của biết bao nghệ sĩ yêu nước: "Người ra đi đầu không ngoảnh lại - Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy".

Những con người kiên cường ấy đã cống hiến hết tuổi thanh xuân của mình, góp máu xương để giải phóng trọn vẹn đất nước. Các anh, các chị đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ để chúng ta hôm nay được sống trong độc lập tự do. Hòa bình, hạnh phúc và sự phát triển mà chúng ta đang có hôm nay là thành quả của sự hi sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ ngày hôm qua. Để báo đáp công ơn ấy và kế thừa truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, hơn ai hết chúng ta cần phải ghi sâu lời dạy năm xưa của Bác “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ là những người có công với tổ quốc, với nhân dân, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”…

Là học sinh, một người công dân được sống trong thời bình, thừa hưởng và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông xưa, của quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng ta hãy gìn giữ những truyền thống tốt đẹp cùng đạo lý uống nước nhớ nguồn; bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đã sinh thành, nuôi dưỡng và hiến dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú, dũng cảm vượt lên muôn vàn mất mát thương đau, hết lòng đùm bọc, chở che, kề vai sát cánh cùng các lực lượng vũ trang đánh giặc cứu nước. Cảm ơn những người lính cụ Hồ đã luôn quan tâm ưu ái, thắp lên ngọn lửa tin yêu cho thế hệ trẻ hôm nay. Chúng em nguyện tiếp nối những giá trị truyền thống của quê hương, đất nước, truyền thống tốt đẹp của người chiến sỹ quân đội anh hùng, tiếp tục học tập và rèn luyện, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ kính yêu, trở thành người công dân tốt, cống hiến tuổi trẻ và trí tuệ của mình cho sự bình yên, phát triển đi lên của đất nước Việt Nam XHCN.

Vũ Thị Phượng - Lớp 11A1

Tác giả: Vũ Thị Phượng - Lớp 11A1 (2021-2022)
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 120
Hôm qua : 498
Tháng 10 : 9.778
Tháng trước : 10.643
Năm 2024 : 196.730
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.338.136