Hưng Yên quê tôi

Quê hương là gì, sao mỗi lần nhắc đến nó trong tôi lại có những cung bậc cảm xúc lạ thường, khó tả. Tôi không định nghĩa chính xác được ý nghĩa cụ thể của nó. Có phải, quê hương là cái gì đó xa xôi, mơ hồ mà cũng rất gần gũi đơn sơn, bình dị đến lạ thường? Tôi đã từng hỏi mẹ quê hương là gì, và mẹ tôi trả lời: “Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, nơi mà con được sinh ra và lớn lên. Nó chứa đựng tuổi thơ của con, chứa đựng những niềm vui, tiếng cười, những nỗi buồn và cả những giọt nước mắt. Là nơi mà con có gia đình, người thân, bạn bè đồng hành bên cạnh. Là nơi bình an nhất, nơi mà ta luôn nhớ về, luôn mong ước sống trọn vẹn cuộc đời mình ở đó.”

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hưng Yên nghèo đơn sơ - mảnh đất ngàn năm văn hiến. nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía nam giáp tỉnh Thái Bình, phía tây và tây bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam. Đặc biệt, Hưng Yên nằm liền kề với thủ đô Hà Nội là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Là tỉnh không có tài nguyên rừng, núi và biển, Hưng Yên vẫn có những thế mạnh để phát triển du lịch nhất là các sản phẩm du lịch về lịch sử, văn hóa. Quá trình hình thành và phát triển đã để lại cho Hưng Yên tài sản vô cùng quý giá là những di tích lịch sử văn hóa, lễ hội đặc sắc, làng nghề thủ công truyền thống, đặc sản văn hóa ẩm thực, có dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa gắn với câu chuyện tình Chử Đồng Tử  - Tiên Dung - là một trong Tứ Bất Tử của dân tộc ta, thể hiện ước nguyện ngàn đời của nhân dân Việt Nam về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là những tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn rất phong phú đang được tỉnh Hưng Yên khai thác để phát triển ngành công nghiệp không khói.

Ngay từ buổi đầu lịch sử thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất Hưng Yên đã có sự cư trú của con người. Bằng chứng là các di chỉ, di tích còn lại đã được khai quật như mộ cũi ở An Viên (huyện Tiên Lữ), mộ thuyền tại Đống Lương (huyện Kim Động). Trải qua quá trình lịch sử đấu tranh, xây dựng, bằng tinh thần lao động cần cù và sáng tạo của người dân, đến thế kỷ thứ XVII, nơi đây đã trở thành một thương cảng - Đô thị Phố Hiến sầm uất, được ví “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Hưng Yên mang trong mình bề dày văn hóa và truyền thống hiếu học, văn hiến nghìn năm của đất nước. Thời nào cũng có người đỗ đạt cao, có nhiều trạng nguyên, tiến sĩ được ghi danh ở Văn miếu Quốc Tử Giám và Văn miếu Xích Đằng, là một biểu tượng của truyền thống hiếu học của nhân dân ta.

Hưng Yên là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có nhiều danh tướng tên tuổi gắn với lịch sử vẻ vang của dân tộc (như Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình...).

Năm Minh Mạng thứ 12 (tháng 10 năm 1831), vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính, quyết định bỏ Bắc thành và Gia Định thành, chia cả nước thành 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Năm 1831 Tỉnh Hưng Yên chính thức được thành lập. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn. Một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành, một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Hưng Yên, chứng tỏ vùng đất này đã phát triển đến mức trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương. Khi thành lập, Hưng Yên gồm các huyện Đông Yên, Kim Động, Thiên Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ của phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam; và các huyện Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà của phủ Tiên Hưng, trấn Nam Định (về sau chính quyền thực dân cắt hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà của Hưng Yên về tỉnh Thái Bình).

Trong những năm tháng bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố dã man, nhưng phong trào cộng sản của tỉnh Hưng Yên đã không ngừng lớn mạnh. Cùng với cả nước, nhân dân Hưng Yên đã đứng lên đấu tranh khởi nghĩa, đánh đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, giành chính quyền, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sau thắng lợi đó, Hưng Yên là đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Uỷ ban hành chính Bắc Bộ.

 Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, thực hiện Chỉ thị của Trung ương và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hưng Yên đã kiên cường kháng chiến, tiêu biểu là phong trào “Nữ du kích Hoàng Ngân”, “Làng kháng chiến kiểu mẫu”, “Đường 5 anh dũng” với những chiến công vang dội khác. Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, Hưng Yên đã đóng góp nhiều sức người, sức của, chi viện cho tiền tuyến, sản xuất, chiến đấu, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Về hành chính, ngày 26/01/1968, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH phê chuẩn hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hải Dương.

Ngày 06/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. 

Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Sau khi tỉnh được tái lập, ngày 24/2/1997, Chính phủ ra Nghị định số 17-NĐ/CP tách huyện Phù Tiên thành hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ, thành lập và điều chỉnh các phường thuộc thị xã Hưng Yên.

 Ngày 24/7/1999, Chính phủ ra Nghị định số 60- NĐ/CP tách hai huyện Mỹ Văn và Châu Giang thành 5 huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ và Khoái Châu. Riêng huyện Văn Giang gồm 9 xã của Châu Giang và 2 xã của Mỹ Văn, huyện Yên Mỹ gồm 12 xã của Mỹ Văn và 5 xã của Châu Giang.

Ngày 23/9/2003, Chính phủ ra Nghị định số 108/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Hưng Yên, thành lập phường, điều chỉnh địa giới hành chính giữa các phường của thị xã Hưng Yên. Thị xã Hưng Yên tiếp nhận 4 xã thuộc huyện Tiên Lữ là: Trung Nghĩa, Liên Phương, Hồng Nam, Quảng Châu và 1 xã thuộc huyện Kim Động là Bảo Khê; lập thêm phường mới là phường An Tảo trên cơ sở tách phường Hiến Nam làm 2 phường. Như vậy, sau khi điều chỉnh địa giới, thị xã Hưng Yên có 7 phường và 5 xã.

 Ngày 19/01/2009, Chính phủ ra Nghị định số 04/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hưng Yên trực thuộc tỉnh Hưng Yên. Đến nay thành phố Hưng Yên có diện tích tự nhiên 46,98 km2 và 83.315 nhân khẩu, mật độ dân số là 1.773 người/km2; có 12 đơn vị hành chính gồm 7 phường, 5 xã; địa giới hành chính: phía đông và phía nam giáp huyện Tiên Lữ, phía tây giáp tỉnh Hà Nam, phía bắc giáp huyện Kim Động… Sau nhiều lần điều chỉnh về địa giới hành chính, hiện nay Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu,  n Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên; 161 xã, phường, thị trấn, với diện tích 926,03 km2,  dân số 1.132.285 người, mật độ dân số 1.223 người/km2.

 Về lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, qua quá trình đấu tranh gian khổ, đầu tháng 7 năm 1941 Đảng bộ tỉnh Hưng Yên được thành lập ở Ninh Thôn (huyện  n Thi). Sau hơn 80 năm thành lập, Đảng bộ tỉnh đã trải qua 19 kỳ Đại hội và đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, nhân dân trong tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, người dân Hưng Yên luôn một lòng đi theo Đảng, bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm, hăng say lao động trong công cuộc đổi mới, góp phần làm rạng rỡ truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, đất nước.

Bằng các Nghị quyết của các kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (Đảng bộ tỉnh Hải Hưng) đã lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà xây dựng phát triển kinh tế xã hội và tham gia các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nhiều người con của quê hương Hưng Yên đã phát huy được truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học của quê hương và trưởng thành, đảm nhiệm những trách nhiệm quan trọng của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ, của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, đã góp phần đáng kể vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

 Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tiếp tục lãnh đạo nhân dân xây dựng tỉnh nhà phát triển kinh tế xã hội. Sau gần 25 năm, tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Toàn tỉnh quyết tâm tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, tạo điều kiện về cơ chế, đồng thời thực hiện quyết liệt việc cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, tập trung khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống; dồn điền đổi thửa, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa; phát triển du lịch tâm linh từ thế mạnh của vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội. Quan tâm thu hút nhân tài, không ngừng đầu tư cho công tác giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng nhiều Huân chương Lao động, danh hiệu cao quý khác cho các tập thể, cá nhân.

Việc thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên mang ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Nó thể hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng từ sau khi chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh ra đời; khẳng định bước phát triển cao của phong trào phản đế địa phương. Các đảng viên cộng sản tích cực tuyên truyền, vận động phong trào phản đế thành phong trào cứu quốc. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên được thành lập đã lãnh đạo đảng viên và nhân dân thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, của Xứ uỷ và Liên Tỉnh một cách nghiêm túc, sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, tạo được phong trào cách mạng không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, vững vàng dẫn dắt phong trào cách mạng của Hưng Yên trong thời kỳ mới.

Nhìn lại 190 năm lịch sử hình thành và phát triển, 80 năm Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà, tôi vô cùng  tự hào về truyền thống vẻ vang mà các lớp tiền nhân đã dày công vun đắp, để từ đó, có thêm sức mạnh tiếp tục con đường của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lựa cho dân tộc, phấn đấu để Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững. Hưng Yên, một vùng quê bình yên đang thực sự chuyển mình trên con đường hưng thịnh. Thế hệ trẻ Hưng Yên hôm nay luôn khắc ghi vào tâm trí của mình lòng biết ơn vô hạn với những công lao to lớn, sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đi trước, biết ơn Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã tạo dựng và vun đắp để hôm nay, thế hệ trẻ được thừa hưởng cuộc sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn. Tuổi trẻ hôm nay quyết tâm phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, kiên cường, bất khuất của ông cha ta, sức trẻ của mình nguyện không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tác phong, thi đua lao động sản xuất, đoàn kết, quyết tâm vì sự phát triển của quê hương Hưng Yên văn hiến.

Trần Thị Hà - Lớp 10A7

Tác giả: Trần Thị Hà - Lớp 10A7 (2021-2022)
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 12
Hôm nay : 188
Hôm qua : 404
Tháng 05 : 16.190
Tháng trước : 29.236
Năm 2024 : 133.659
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.275.065