LỚP 10A11 SINH HOẠT VỚI CHỦ ĐỀ: “LỚP HỌC ĐOÀN KẾT, SÁNG TẠO”

Nhà thơ Mattie Stepanek đã từng có câu nói nổi tiếng rằng: “Đoàn kết là sức mạnh… khi có sự chung sức và hợp tác, ta có thể đạt được những điều tuyệt vời”. Câu nói này của ông đã khẳng định và nhấn mạnh ý nghĩa tuyệt vời mà tinh thần đoàn kết mang lại.

Đoàn kết là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay. Thời chiến tranh, nhờ có tinh thần đoàn kết của dân tộc mà cha ông ta đã đánh đuổi được giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập chủ quyền của dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong thời bình, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam lại càng được phát huy hơn nữa, với nhiều việc làm cụ thể: giúp đỡ nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống; ủng hộ đồng bào miền Trung trong đợt lũ lụt năm 2020; ủng hộ người dân vùng dịch trong dịch Covid-19… Và đặc biệt hiện nay chúng ta đang vươn mình ra thế giới, nắm bắt những điều mới, những cơ hội mới để phát triển đất nước về mọi mặt, giúp nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp. Vì vậy, con người thời nay không chỉ cần sự đoàn kết mà còn cần sự sáng tạo, sáng tạo trong công việc, sáng tạo trong cách suy nghĩ để hòa nhập với thời đại và thế giới.

Là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, những mầm non tương lai của đất nước, chúng em không thể khoanh tay đứng nhìn, mà chúng em cần phải có trách nhiệm và hành động trong việc tuyên ý nghĩa của sự đoàn kết, sự sáng tạo. Hiểu được điều đó, vào tiết sinh hoạt Thứ 7, ngày 10 tháng 4 năm 2021 lớp 10A11 chúng em đã thực hiện tiết sinh hoạt với Chủ đề “Lớp học đoàn kết, sáng tạo”, nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết và sự sáng tạo của các thành viên trong lớp, để xây dựng lớp 10A11 thành một tập thể vững mạnh – Điểm sáng trong trường THPT Tiên Lữ!

Mở đầu của tiết sinh hoạt là phần thuyết trình tìm hiểu về ý nghĩa to lớn của tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo trong công việc và trong học tập do bạn Lương Thị Phương Nhung thực hiện để từ đó chúng em hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sáng tạo. Trong môi trường lớp học, tinh thần đoàn kết giúp gắn kết các thành viên trong lớp thành một khối thống nhất, giúp các thành viên hỗ trợ nhau trong học tập, rèn luyện để nâng cao kết quả học tập và rèn luyện vào mỗi kì, mỗi năm học. Sáng tạo không chỉ giúp cho các thành viên trong lớp được khẳng định mình, phát huy khả năng của mình trong học tập, trong công việc để đạt được kết quả cao mà sáng tạo còn giúp ta rèn luyện khả năng xử lý tình huống một cách nhanh chóng và chính xác, rèn luyện sự nhạy bén trong tư duy.

Sau phần tìm hiểu về ý nghĩa của tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo là phần tham gia các trò chơi nhằm năng cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo của các thành viên trong lớp.

Thứ nhất, là trò chơi “Nhìn hình đoán tên các tỉnh thành ở nước ta”. Để tham gia được trò chơi này, Ban tổ chức đã chia lớp thành 2 đội.

Luật chơi như sau:

- Các đội nhìn hình để đoán tên 10 tỉnh thành của nước Việt Nam qua 10 hình ảnh mà Ban tổ chức đưa ra. Sau khi Ban tổ chức đưa ra hình ảnh đội nào giơ tay trước sẽ được quyền trả lời. Kết thúc 10 câu hỏi đội nào tìm được nhiều câu trả lời đúng đội đó sẽ thắng cuộc.

- Đội nào thua, mỗi thành viên trong đội phải ăn một lát chanh do Ban tổ chức đã chuẩn bị.

Sau khi được Ban tổ chức phổ biến luật chơi, các thành viên trong lớp đã nhiệt tình, hăng hái tham gia trả lời các câu hỏi. Những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười tỏa nắng, những cánh tay đưa lên thẳng tắp, tất cả như đã xua đi cái mệt mỏi, cái đói của tiết học thứ 5 của buổi sáng. Mọi người, ai ai cũng hăng hái đưa tay thật nhanh và trả lời thật chính xác để giành điểm về cho đội mình. Kết thúc trò chơi thứ nhất thì đã tìm ra đội thắng thua cuộc. Đội thua đã phải nhận hình phạt cũng không mấy “ngọt ngào”. Mỗi thành viên của đội thua, mỗi người phải ăn một lát chanh. Tuy nhiên, hình phạt không làm cho các bạn sợ mà trái lại còn gây hứng thú. Một số bạn bên đội thắng còn sẵn sàng xin được ăn thử chanh.

Thứ hai là trò chơi mang tên “Đứng trên giấy”. Luật chơi như sau:

- Mỗi đội chơi cử ra 3 thành viên lên tham gia trò chơi, 01 người trả lời các câu hỏi của Ban tổ chức, 02 người còn lại sẽ đứng lên giấy mà Ban tổ chức đã chuẩn bị (yêu cầu chân không được ra ngoài).

- Nếu trả lời đúng thì tờ giấy được giữ nguyên, nếu trả lời sai tờ giấy sẽ được gấp lại một phần.

- Đội nào chân ra khỏi tờ giấy trước sẽ là đội thua cuộc.

Những câu hỏi đã được đưa ra cho các đội chơi, tuy nhiên dường như những câu hỏi này không thể làm khó được các đội, các thành viên trong đội chơi nhanh chóng đưa ra những câu trả lời chính xác. Quả thật, đây là một trò chơi bất phân thắng bại giữa 2 đội. Kết thúc trò chơi hai đội đã hòa và để phân thắng bại Ban tổ chức phải dùng đến 2 hiệp phụ. Ở hiệp phụ thứ nhất, 2 thành viên của mỗi đội phải cõng nhau, giữ thăng bằng và chỉ được đứng trong tờ giấy trong vòng 3 phút. Đội nào chân chạm ra ngoài trước sẽ thua cuộc. Kết thúc hiệp phụ thứ nhất 2 đội vẫn hòa. Ban tổ chức phải dùng đến hiệp phụ thứ hai bằng một câu hỏi quyết định. Đội nào trả lời đúng trước đội đó sẽ thắng cuộc.

Kết thúc tiết sinh hoạt, điều quan trọng không phải là tìm ra đội giành chiến thắng, mà ý nghĩa lớn nhất mà tiết học mang lại là tiết học đã giúp các thành viên trong lớp được gắn bó lại với nhau hơn, hiểu nhau hơn, tăng tính đoàn kết và sự nhạy bén, sáng tạo. Tiết học mang đến nhiều tiếng cười, niềm vui cho tất cả các thành viên trong lớp. Mong các bạn sẽ luôn nở nụ cười trên môi! Hãy cùng đoàn kết, tương trợ, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, để chúng ta có những kỉ niệm đẹp nhất dưới mái trường THPT Tiên Lữ thân yêu!

Bài và ảnh: Lương Thị Phương Nhung – Lớp 10A11

Tác giả: Lương Thị Phương Nhung – Lớp 10A11
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 312
Hôm qua : 1.027
Tháng 05 : 13.533
Tháng trước : 29.236
Năm 2024 : 131.002
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.272.408