LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG 10/3

“Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”

Câu ca dao trên được truyền tụng từ bao đời nay của ông bà ta đã nhắc nhở chúng ta nhớ đến ngày Quốc giỗ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam - Giỗ Tổ Hùng Vương hay Lễ hội đền Hùng. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của các vua Hùng - những vị vua đầu tiên của dân tộc ta. Chính vì thế, với mỗi người Việt Nam, dù ở phương trời nào, dù ở cương vị nào đều cần phải biết ơn, ghi nhớ công lao của những vị anh hùng tổ tiên. Do đó, hàng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, hàng triệu người con đất Việt lại cùng nhau hành hương, hướng về đất Tổ  để nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với lòng thành kính nhất, thiêng liêng nhất.

Theo truyền thuyết kể lại rằng: Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha, niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau đó lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con chính là tổ tiên của người Việt ngày nay. Một hôm vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Vì vậy, năm mươi người con đã nghe theo mẹ lên núi, năm mươi người con nghe theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương.

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng và chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 đã chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại quần thể di tích Đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh, thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây cũng chính là dịp để con cháu Lạc Hồng về với nơi đã sinh ra dân tộc Việt Nam anh hùng - một dân tộc chưa biết cúi đầu khuất phục bất kì một thế lực ngoại xâm nào. Đồng thời, thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam, chủ yếu được thực hiện ở các di tích thờ các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương tiêu biểu như Thần Nông, Vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Cao Sơn, Quý Minh. Loại tín ngưỡng này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Có thể nói ngày 10 tháng 3 hàng năm là ngày linh thiêng khiến toàn thể người Việt xóa nhòa mọi sự ngăn cách. Tất cả mọi người sẽ cùng nhau hướng về phía Đất Tổ - cội nguồn của dân tộc Việt Nam với tất cả tấm lòng thành kính, niềm tự hào dân tộc.  

Ngày giỗ tổ Hùng Vương được công nhận là một trong những ngày Quốc lễ của Việt Nam thể hiện rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” hay “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” như một tinh thần văn hóa Việt Nam. Hướng về cội nguồn, tri ân sâu sắc công đức tổ tiên, mỗi người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng luôn tự nhủ và mong ước làm sao để xứng đáng với tổ  tiên, với công lao của các Vua Hùng như lời Bác Hồ dạy:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nhiều dòng lưu bút đã thừa nhận:"Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam... Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm".

Thật hạnh phúc, thật tự hào khi bản thân mỗi người chúng ta đều mang trong mình dòng máu anh hùng đất Việt. Tất cả chúng ta là đồng bào, là anh em ruột thịt, cùng chung một nguồn cội, thân thương, gần gũi và gắn bó biết bao cho dù có đang ở bất cứ nơi đâu. Trải qua hàng nghìn năm thăng trầm trong lịch sử, với biết bao cuộc đấu tranh giành độc lập và gìn giữ non sông nhưng dân tộc ta vẫn kiên cường, bất khuất, vẫn giữ lại những nét đẹp văn hóa của ông bà tổ tiên ta, truyền lại cho con cháu đời sau, vĩnh viễn trường tồn. Bản thân mỗi chúng ta đều cần biết ơn thế hệ đi trước, về những gì họ đã tích lũy, giữ gìn và truyền lại cho chúng ta – những giá trị lịch sử của đất nước ngàn năm!

Tìm hiểu, sưu tầm và biên soạn: Ngô Đinh Đức Bảo – Lớp 11A2

Tác giả: Ngô Đinh Đức Bảo – Lớp 11A2
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 120
Hôm qua : 212
Tháng 01 : 4.574
Tháng trước : 4.647
Năm 2025 : 4.574
Năm trước : 211.620
Tổng số : 2.357.600