Chiếc bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Đó là những thứ không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền, xa xưa của người Việt Nam. Xã hội phát triển, nhiều phong tục tập quán có sự thay đổi cho phù hợp với thời đại. Tuy nhiên chiếc bánh chưng vẫn là một món ăn không thể thiếu trên mâm lễ cúng tổ tiên, trời đất trong ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam.
(Nguồn : Internet)
Nguồn gốc của chiếc bánh chưng là từ đâu?
Theo truyền thuyết, chiếc bánh chưng có từ thời Hùng Vương thứ sáu. Người con út của vua Hùng là Lang Liêu đã được thần gợi ý cách làm bánh. Từ lời mách của thần, Lang Liêu đã sáng tạo ra chiếc bánh chưng, bánh giày để dâng lên vua cha trong ngày lễ Tiên Vương và chàng đã được Vua Hùng truyền ngôi cho. Từ đó chiếc bánh chưng đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam. Bánh chưng là sản vật của nền văn minh lúa nước được tạo ra từ bàn tay tài hoa, khéo léo của người dân lao động.
Để làm ra chiếc bánh chưng cần nguyên liệu gì?
Nguyên liệu để làm bánh là những sản vật quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Nguyên liệu chính là gạo nếp, để bánh chưng được dẻo thơm ngon phải chọn được một loại gạo nếp ngon như nếp cái hoa vàng. Nhân bánh được làm từ đỗ xanh và thịt lợn, đỗ xanh phải chọn loại đỗ đều và bở, thịt lợn phải là thịt lợn ba chỉ ngon. Muối và hạt tiêu là hai thứ gia vị không thể thiếu để làm cho bánh chưng thêm đậm đà. Lá dong dùng để gói bánh phải chọn lá bánh tẻ không quá già cũng không quá non. Lạt phải mỏng và mềm thì khi luộc bánh mới không bị rách lá.
(Nguồn: Internet)
Cách làm ra chiếc bánh chưng:
Gói bánh chưng cần sự tẩn mẩn, tỉ mỉ và khéo léo để tạo nên chiếc bánh vuông vắn thờ cúng ông bà tổ tiên. Nhiều người cần phải có khuôn vuông để gói nhưng nhiều người thì không cần, chỉ cần gấp bốn góc của chiếc lá dong lại là có thể gói được. Bao bọc xung quanh nhân đậu và thịt là một lớp nếp dày. Chuẩn bị dây để gói, giữ cho phần ruột được chắc, không bị nhão ra trong quá trình nấu bánh. Công đoạn nấu bánh được xem là khâu quan trọng. Thông thường mọi người nấu bánh bằng củi khô, nấu trong một nồi to, đổ đầy nước và nấu trong khoảng từ 9-12 tiếng. Thời gian nấu lâu như thế là vì để đảm bảo bánh chín đều và dẻo. Khi nước bánh sôi, mùi bánh chưng bốc lên nghi ngút. Lúc đó mọi người bắt đầu cảm nhận được không khí Tết đang bao trùm lấy căn nhà.
Ý nghĩa của chiếc bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền
Theo truyền thuyết, chiếc bánh chưng hình vuông là tượng trưng cho mặt đất. Gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn là tượng trưng cho cây cỏ, cầm thú muôn loài. Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý cho tinh thần đoàn kết, yêu thương của con người Việt Nam. Với ý nghĩa sâu sắc như thế, chiếc bánh chưng từ ngàn đời nay đã không thể thiếu được trong mâm cỗ ngày Tết. Chiếc bánh chưng được đặt trang trọng trên ban thờ để thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên và thể hiện lòng biết ơn của con người đối với trời đất. Ước mong trời đất giao hòa muôn vật tốt tươi, cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Bánh chưng là biểu tượng ngày Tết mà không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được. Đây là truyền thống, là nét đẹp của con người Việt Nam, cần gìn giữ từ quá khứ, hôm nay và cả ngày mai nữa. Chuẩn bị đón xuân Giáp Thân 2024 sắp đến, chúng em kính chúc các thầy, cô giáo, chúc các bạn học sinh trường THPT Tiên Lữ đón một cái Tết thật nhiều niềm vui, gặp nhiều may mắn, sum họp, đầm ấm và hạnh phúc bên gia đình của mình!
Bài viết: Trương Thị Thu Hường-lớp 11A1.1