Trân trọng tấm lòng yêu thương của người chồng trong bài thơ “Thương vợ” của nhà thơ Trần Tế Xương

Trần Tế Xương, còn gọi là Tú Xương, quê làng Vị Xuyên, Mĩ Lộc, Nam Định, là một trong những tên tuổi nổi bật của nền văn học Việt Nam thế kỉ XIX. Cuộc đời ông tuy ngắn ngủi nhưng những bài thơ ông để lại vẫn còn lưu mãi với thời gian. Bên cạnh những bài thơ đả kích, phê phán chế độ phong kiến mục nát, ông còn có những bài thơ cảm động về người phụ nữ. “Thương vợ” là một trong những bài thơ xuất sắc trong đề tài ấy. Bài thơ thể hiện một cách chân thành và cảm động tấm lòng thương vợ của Trần Tế Xương.

Cuộc đời của Trần Tế Xương là cuộc đời của một nghệ sĩ, nhưng trước hết là một trí thức phong kiến. Ông vốn là người thông minh, có tài văn thơ nhưng sống trong thời buổi giao thời, Nho học suy tàn, lại thêm con đường học hành, thi cử lận đận (tám lần đi thi ông chỉ đỗ Tú tài) khiến ông cũng có nhiều điều bất đắc chí. Bất mãn trước thời cuộc, các tác phẩm của Trần Tế Xương đã dựng nên bức tranh sinh động, nhiều mặt về xã hội thực dân phong kiến buổi đầu. Thơ ông đã vạch trần bộ mặt xấu xa của bè lũ thực dân nửa phong kiến thống trị, vạch trần thế lực đồng tiền. Đồng thời, qua các tác phẩm, ông cũng bộc lộ khá sâu sắc tâm sự của bản thân về cái nghèo, về thi cử lận đận, nỗi buồn trước thời cuộc và vận mệnh nước nhà.

Khác với các nhà thơ khác quá đề cao tính giáo lí ,Trần tế Xương trở về với cuộc đời thực trong những nỗi cảm thông sâu sắc nhất. Khi mà vị trí của các Nho sĩ trở nên mất ưu thế, Trần Tế Xương đã kịp phát hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam tảo tần, chung thủy và giàu đức hi sinh. “Thương vợ” chính là một bài thơ cảm động, là sự trân trọng đối với thân phận người phụ nữ trong xã hội thực dân phong kiến lúc bấy giờ.

Mở đầu bài thơ, Trần Tế Xương dựng lên bức tranh chân thực về hoàn cảnh công việc mưu sinh đầy nhọc nhằn, vất vả của bà Tú:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Bà Tú tên thật là bà Phạm Thị Mẫn là một người phụ nữ đảm đang đã thay chồng làm trụ cột trong gia đình. Người phụ nữ ấy làm việc vất vả quanh năm cũng chỉ một công việc đó từ năm này qua năm khác. Thế nhưng địa điểm không phải trên những mặt đất bằng phẳng mà lại ở “mom sông”. Đó là một nơi cheo leo, chênh vênh và hiểm trở. Khi giới thiệu về công việc buôn bán của vợ, tác giả tỏ ra cảm thông và vô cùng lo lắng cho vợ.

Câu thơ tiếp theo làm hiện rõ gánh nặng cuộc đời của bà: “Nuôi đủ năm con với một chồng”. “Nuôi đủ” nghĩa là không thiếu nhưng cũng chẳng thừa. Cái nghèo cái khổ cứ mãi đeo đẳng hết ngày này tháng nọ đã gợi lên sự đảm đang, tháo vát, khéo vun vén của bà Tú để có thể cân bằng cuộc sống gia đình. Người đọc chợt giật mình nhận ra, cái gánh nặng ấy có cả ông Tú nữa qua biện pháp đối 5 với 1, cách diễn đạt tách 5 con với một chồng. Ông Tú cảm nhận mình là kẻ ăn theo, ăn bám vợ, là gánh nặng cho vợ. Thậm chí gánh nặng ông Tú còn hơn cả 5 đứa con.

Đối với người Nho sĩ xưa, ít có ai lại nói thực, nói mạnh như Trần Tế Xương. Ông tự thấy mình vô dụng, thấy mình là gánh nặng trong cuộc đời bà Tú mà đáng lẽ ra những bổn phận đó chính ông mới là người phải thực hiện. Ta thấy ở đâu đó trong câu thơ cái gục đầu ngán ngẩm, thất vọng và buồn bã đến thê lương. Một người đàn ông không thể lo cho vợ, cho con, phải sống vô nghĩa lí giữa cuộc đời. Ở đâu đó ta cũng nghe được tiếng khóc thầm não nề. Không phải của bà Tú mà là của ông Tú. Khóc vì cảm thương vợ đã vất vả, hi sinh, cam chịu vì ông mà không hề than vãn, kêu ca:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Đọc câu thơ của Tú Xương ta thấy xuất hiện hình ảnh “thân cò” giống như trong những câu ca dao mà khi ta còn bé được nghe bà, mẹ hát ru:

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Hay:  

Cái cò lặn lội bờ sông
Cổ dài mỏ cứng cánh cong lưng gù

Hình ảnh “con cò” là tất cả nỗi vất vả, lam lũ, thân phận bé nhỏ, thấp hèn, hẩm hiu của người phụ nữ và cũng là của người nông dân trong xã hội phong kiến nhiều bất công. Họ luôn phải sống cam chịu, chấp nhận thiệt thòi mà không biết than vãn cùng ai. Nếu như trong ca dao chỉ dùng “cái cò “ hay “con cò” thì trong thơ Tú Xương lại khéo léo khoác lên nó hai chữ “thân cò” để chỉ thân phận chìm nổi, long đong của những người phụ nữ và cũng là để ca ngợi phẩm chất chịu thương, chịu khó của vợ mình. Hình ảnh bà Tú được khắc họa đậm nét trong sự bươn chải, tần tảo, đi sớm về khuya, bất chấp ngày nắng ngày mưa, buổi đông, buổi vắng. Hết “lặn lội khi quãng vắng” lại đến lúc “buổi đò đông”.

Viết đến hai câu thơ này hẳn ông sẽ nghĩ về nguyên nhân khiến bà Tú đã phải cam chịu, hi sinh nhiều đến thế: 

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Theo quan niệm của người xưa vợ chồng là duyên số nhưng với bà Tú thì “duyên” chỉ có một mà “nợ” có đến hai.  Bà Tú lấy chồng vì duyên thì ít mà vì nợ thì nhiều. Món “ nợ” chồng, con đè nặng trên đôi vai bé nhỏ của bà. Cuộc sống của bà mặc dầu nhiều vất vả nhưng ta không hề nghe thấy một tiếng thở than hay cằn nhằn của bà. Bà Tú đành chấp nhận số phận “âu đành phận” như lẽ thường tình. Cái phận đã thế, cho nên bà nào “dám quản công”. Nghĩa là bà sẵn sàng chấp nhận, cam chịu, không một lời trách than, hi sinh tất cả vì chồng con. Bà Tú mang những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Đó là sự đảm đang, tháo vát và giàu đức hi sinh.

Trần Tế Xương đã nhìn thấu nỗi lòng bà Tú, càng thêm yêu, thêm quý cái tính, cái đức cao đẹp ấy. Lời thơ giản dị nhưng sự trân quý của ông Tú dành cho bà Tú là vô cùng lớn. Nó vượt ra khỏi những luật lệ hà khắt của quy tắc xã hội phong kiến để thể hiện tấm chân tình của một người chồng yêu thương vợ mà đành bất lực không giúp gì được cho vợ, cho con.

Thương vợ, thương cảnh nhà nghèo khó, ông Tú trở lại trách đời, trách mình đã sống một cuộc đời vô nghĩa: 

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không!

Lời ông Tú cất lên tiếng chửi đời, một lời nói mát, dỗi hờn, chút oán trách với đời. Chính thói đời trớ trêu đã khiến cho bà Tú lầm than, cơ cực. Ông Tú nhận ra, lỗi lầm ấy là do chính mình. Dù đã rất cố gắng nhưng con đường công danh ấy không thể trở thành hiện thực. Thế nên, trước ông trách đời đã tệ bạc với một người đầy khát vọng và tài năng như ông. Sau là ông chửi mình, trách mình là người vô tích sự, ăn bám vợ. Lời thơ là tiếng chửi nhưng cũng bộc lộ tấm lòng thương vợ và nhân cách cao đẹp của nhà thơ.

Bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương khiến ta phải suy ngẫm về lẽ đời, về tình người. Sống là phải biết cảm thông, chia sẻ niềm vui, nỗi khổ với mọi người kể cả ngay chính trong nghịch cảnh cam go nhất. Chính sự đồng cảm, yêu thương sẽ xoa dịu những nỗi đau, sẽ làm lành những vết thương.

Nhìn lại cuộc đời Tú Xương , dẫu ông chỉ thi đỗ tú tài nhưng tấm lòng thương vợ của ông đã vượt lên trên thời đại. Ông đã phát hiện, tôn vinh và ngợi ca điều mà cả xã hội không biết, không dám ngợi ca. Tư tưởng mới mẻ và tiến bộ đó lại được nhà thơ diễn tả bằng hình ảnh và ngôn ngữ quen thuộc của văn học dân gian, chứng tỏ hồn thơ Tú Xương dù mới lạ, độc đáo vẫn rất gần gũi với mọi người, vẫn có gốc rễ sâu xa trong tâm thức dân tộc. Đẹp biết bao tấm lòng yêu thương của một người chồng, vẫn còn đó với thời gian.

                                                                  Vũ Thị Cẩm Duyên lớp - Lớp 11A9

Tác giả: Vũ Thị Cẩm Duyên lớp - Lớp 11A9 (2021-2022)
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 9
Hôm nay : 21
Hôm qua : 480
Tháng 10 : 9.181
Tháng trước : 10.643
Năm 2024 : 196.133
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.337.539