SINH HOẠT THÁNG 10 CỦA TỔ CHUYÊN GIA: ỨNG DỤNG PHẦN MỀM OLM TRONG DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ HỌC SINH

Thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 của Sở GD&ĐT Hưng Yên, Trường THPT Tiên Lữ tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh; chủ động, sáng tạo, linh hoạt khi triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục toàn diện học sinh và phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả.

Vào tiết 3, Thứ 3, ngày 27/10/2021, đồng chí Đoàn Thị Hoa - giáo viên môn Vật lí thực hiện bài dạy ứng dụng CNTT - Phần mềm OLM vào bài dạy và kiểm tra đánh giá với chủ đề: Tổng hợp và phân tích lực. Điều kiện cân bằng của chất điểm (tại lớp 10A3- Trường THPT Tiên Lữ).

Đến dự giờ tiết dạy của đồng chí Đoàn Thị Hoa, có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Hiệu trưởng nhà trường; cùng các đồng chí trong trong Tổ Chuyên gia và các đồng chí giáo viên trong hội đồng giáo dục nhà trường. Tiết học thực sự đã tạo được hứng thú, thuyết phục cho toàn thể các em học sinh lớp 10A3 và các thầy cô dự giờ.

Đồng chí Đoàn Thị Hoa đã tổ chức bài học: Tổng hợp và phân tích lực. Điều kiện cân bằng của chất điểm, diễn ra qua 4 hoạt động:

Hoạt động 1: Hoạt động khởi động đồng chí Hoa tổ chức cho học sinh chơi trò chơi Mini game – Ai là triệu phú? Học sinh tham gia trò chơi rất sôi nổi, tích cực. Các câu hỏi trong phần khởi động, đồng chí Hoa đã khéo léo lồng ghép, tích hợp vừa kiểm tra bài cũ, vừa khơi gợi được kiến thức nền và tạo được tâm thế học tập hào hứng ở học sinh khi vào nội dung chính của bài học.

Trò chơi Mini game – Ai là triệu phú?
 
Học sinh tham gia trò chơi phần khởi động
 

Hoạt động 2: Hoạt động khám phá kiến thức mới, đồng chí Hoa đã chia sẻ video bài giảng nội dung thứ nhất: Lưc - Cân bằng lực, học sinh nghe video bài giảng, hoàn thành câu hỏi dựa trên phiếu học tập ở nhà (bài tập giáo viên giao). Giáo viên chuẩn hóa kiến thức.

Tiếp đến, ở nội dung khám phá kiến thức thứ 2, giáo viên tiếp tục tổ chức hoạt động học tập cho học sinh thông qua video bài giảng, cung cấp kiến thức: Tổng hợp lực. Đồng thời, đồng chí Hoa còn cho học sinh hoạt động cặp nhóm – chia cặp nhóm ngẫu nhiên trên phần mềm Microsoft Teams; sau đó gọi bất kì cặp nhóm học sinh trình bày kết quả hoạt động học tập của nhóm mình. Giáo viên gọi cặp học sinh khác nhận xét, đánh giá chéo kết quả của các nhóm và chuẩn hóa kiến thức.

Còn ở nội dung khám phá kiến thức thứ 3: Điều kiện cân bằng của chất điểm và nội dung kiến thức 4: Phân tích lực, đồng chí Hoa đã chủ động đưa ra những câu hỏi nêu lên những vấn đề kiến thức mà học sinh còn băn khoăn, để học sinh tư duy trong 1 phút, đưa ra câu trả lời theo quan điểm của mình, trên cơ sở đó giáo viên giải đáp thắc mắc và chuẩn hóa kiến thức. Vì thế, hoạt động khám phá kiến thức đã thực sự cuốn hút học sinh, các em tham gia rất hào hứng, sôi nổi để tìm ra những câu trả lời thật nhanh và chính xác nhất.

Học sinh hoàn thành nội dung bài học ở nhà trên phần mềm OLM
 

 

 

Hoạt động 3: Hoạt động luyện tập, đồng chí Hoa đã sử dụng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến nội dung kiến thức bài học để học sinh trả lời câu hỏi. Nhờ đó, giáo viên đã giúp học sinh củng cố được kiến thức bài học, rèn kĩ năng tư duy, phát triển năng lực tự học của các em.

Học sinh làm bài tập trắc nghiệm phần luyện tập
 

 

Hoạt động 4: Vận dụng, mở rộng kiến thức, đồng chí đã sử dụng phần mềm OLM với bài kiểm tra, đánh giá kết quả bài học của học sinh qua các câu hỏi trắc nghiệm, học sinh làm trong khoảng thời gian 5 phút. Giáo viên theo dõi, kiểm soát học sinh làm bài trên hệ thống.

Học sinh làm bài kiểm tra trực tiếp trên phần mềm OLM
 

Sau bài dạy, đồng chí Hoa đã trao đổi, chia sẻ với các đồng nghiệp trong tổ Chuyên gia về kinh nghiệm khi ứng dụng CNTT- phần mềm OLM vào bài học: Đây là một phần mềm đơn giản, tiện ích giúp chúng ta đã có thể triển khai bài học nhanh và hiệu quả. Đồng thời, giúp chúng ta tổ chức hoạt động kiểm tra đánh giá học sinh ở cuối bài học rất thuận lợi, linh hoạt; kiểm soát học sinh rất tốt, giúp giáo viên nắm được quá trình học sinh tiếp thu bài học có hiệu quả không? Từ đó, đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp, bổ sung những nội dung kiến thức mà học sinh còn hạn chế. Ưu thế của phần mềm OLM còn giúp người học không cảm thấy áp lực mà vui vẻ tham gia vào hoạt động học tập; giúp phản hồi kết quả ngay tại thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Lợi ích của phần mềm OLM:

Đây là phần mềm rất thuận tiện, dễ sử dụng, giáo viên có thể cung cấp cho học sinh nguồn học liệu phong phú, phát huy tính chủ động, tự học của học sinh, giúp học sinh chuẩn bị bài kĩ bài học ở nhà; có thể truy cập được ở mọi nơi, mọi lúc; tiết kiệm được thời gian và chi phí học tập.

Phần kiểm tra, đánh giá có bảng thống kê theo từng học sinh xem câu nào trả lời đúng, câu nào sai và tính số % điểm đạt được của mỗi học sinh. Ngoài bảng tổng hợp theo thứ tự danh sách lớp còn có bảng kết quả xếp hạng từ cao xuống thấp.

Bên cạnh đó còn có bảng thống kê theo câu hỏi, ở mỗi câu hỏi có thống kê tỉ lệ bao nhiêu % học sinh trả lời đúng. Dựa vào thống kê này, giáo viên biết kết quả học sinh thu nhận được trong quá trình học tập, ở nội dung nào chưa tốt để có biện pháp bổ sung kiến thức cho các em. Hơn nữa, dữ liệu của bài kiểm tra được lưu tự động, theo từng học sinh tại trang web của OLM để giáo   viên theo dõi sự tiến bộ của học sinh.

Như vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dạy học hiện nay để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID là một việc làm thiết thực đối với ngành giáo dục. Hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá áp dụng các phần mềm như OLM, AZOTA, TEST ONLINE… đã trở nên rất phổ biến và linh hoạt được các thầy cô áp dụng hiệu quả trong nhiều môn học. Các bài kiểm tra trắc nghiệm bằng phần mềm OLM, AZOTA, TEST ONLINE… đặc biệt hiệu quả khi được sử dụng cho các bài thi trên diện rộng và kiến thức chuẩn hóa. Tuy nhiên, để giúp học sinh quen với phương pháp làm bài kiểm tra trong thời gian nhất định và đạt được kết quả cao, việc rèn các kĩ năng tư duy, phản ứng nhanh cho học sinh là rất cần thiết; đòi hỏi mỗi giáo viên phải nỗ lực cố gắng khi áp dụng các phần mềm CNTT vào bài học, nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh hướng đến sự phát triển toàn diện ở các em và phù hợp với điều kiện dạy và học thực tiễn.

Người viết: Bùi Thị Thu Hà - Thành viên tổ Chuyên gia

Tác giả: Bùi Thị Thu Hà
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 18
Hôm nay : 115
Hôm qua : 434
Tháng 04 : 28.319
Tháng trước : 38.504
Năm 2024 : 116.552
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.257.958