VÀI NÉT VỀ VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI TẠI BẢN LÁC – MAI CHÂU
Bản Lác Mai Châu trong những năm gần đây là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách đến thăm quan và trải nghiệm. Đây cũng là đích đến của chúng em trong chuyến đi học tập, trải nghiệm thực tế hai ngày một đêm vừa qua. Bản Lác là bản làng cổ nổi tiếng nhất tại thung lũng Hòa Bình với tuổi đời hơn 700 năm, mang cho mình một vẻ đẹp bình dị dân dã. Ngoài vẻ đẹp đó, điều khiến em ấn tượng nhất chính là những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
Dân tộc Thái là một trong những dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nhóm dân tộc này có trên 1 triệu người, sống rải rác ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa và một số vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên,…Và bản Lác Mai Châu Hòa Bình có tới 70% dân số là người Thái. Người Thái ở đây rất giản dị, chân chất và vô cùng hiếu khách.
Đặc biệt những cô gái Thái mang vẻ đẹp tự nhiên, thu hút sự tò mò của du khách về với các bản làng của người Thái, góp phần làm phong phú hơn cho bức tranh văn hóa Việt Nam.
Đặc sắc trang phục người Thái:
Trang phục truyền thống của người Thái vô cùng đặc sắc và tinh tế, n am giới mặc quần áo thổ cẩm màu chàm xanh hoặc chàm đen, nhưng vài chục năm gần đây nam giới đã chuyển sang mặc âu phục là chủ yếu. Phụ nữ Thái hiện nay vẫn gắn bó với trang phục truyền thống: áo cỏn màu trắng, xanh hoặc đen bó sát thân với hàng khuy bạc trắng, váy dài đen quấn suông hoặc được thêu viền hoa văn ở gấu. Cùng với váy, áo phụ nữ Thái Đen còn có chiếc khăn Piêu thêu hoa văn bằng nhiều loại chỉ màu rất sặc sỡ và đẹp. Đồ trang sức của phụ nữ chủ yếu là vòng bạc, xuyến bạc đeo ở cổ và tay, hoa tai bằng bạc hoặc vàng.
Thói quen sinh hoạt đặc trưng:
Trải qua nhiều biến động, nhiều cuộc thiên di trong lịch sử, người Thái có nhiều kinh nghiệm trong việc đắp phai, đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng
Canh tác chủ yếu của người Thái là trồng lúa nước. Loại gạo đặc trưng của người Thái nổi tiếng khắp cả nước là lúa nếp. Bên cạnh đó, họ còn làm nương rẫy để trồng các loại cây như ngô, lạc, vừng,… Người Thái trồng bông, nuôi tằm, dệt vải,.. Những sản phẩm đan lát, thổ cẩm của người Thái có màu sắc, hoa văn rất đẹp, bền và chắc, thu hút rất đông khách du lịch đến tìm hiểu và mua về làm quà. Một chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm do người Thái làm ra rất công phu, mất nhiều thời gian. Hiện nay, các dụng cụ dệt vải, đàn lát đều phần lớn làm bằng phương pháp thủ công. Nhưng với sự khéo lèo và tỉ mẩn của người phụ nữ nơi đây, các sản phẩm làm ra đều rất có hồn, sức hút đối với đông đảo khách du lịch.
Ẩm thực người Thái:
Nhắc đến người Thái hẳn không ai quên được nét đặc trưng trong phong cách ẩm thực. Người Thái thích những món ăn đậm đà, giàu chất dinh dưỡng của các món nướng. Đó cũng chính là lí do tại sao các món ăn như thịt trâu, thịt gà, cá nướng rất được ưa chuộng. Nếu bạn đến thăm gia đình một người dân tộc Thái, bạn sẽ được họ tiếp đãi bằng những món ăn đặc trưng của mảnh đất nơi họ sinh sống.
Một buổi tối mùa đông ở cùng người Thái, thưởng thức món thịt trâu gác bếp cùng với vài ba chén rượu, sẽ có nhiều điều thú vị, nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Thịt trâu gác bếp cũng là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, miếng thịt trâu được cắt thành từng miếng dài, ướp gia vị bỏ lên gác bếp. Sau đó, khói củi ngấm ào thịt giúp thịt đỏ sậm màu hơn, mùi khó vẫn giữ nguyên nhưng ăn lại rất ngon.
Ở đây chúng em cũng được thưởng thức món cơm lam của người Thái. Gạo nếp sau khi vo sạch, ngâm nước khoảng 2 tiếng, vớt ra cho ít muối, đổ thêm ít nước được lấy từ suối và nút lại bằng lá chuối. Các ống cơm được dựng xung quanh đống lửa. Để cơm được chín đều thì tay người làm phải khéo léo xoay và trở ống lam. Dùng ngón tay nhấn, thấy cơm mềm là chín. Dằn mạnh ống lam xuống đất để cơm dồn hết xuống phần dưới, dùng dao róc phần vỏ cháy bên ngoài. Đợi cho nguội hẳn bóc lớp vỏ còn lại sẽ để lộ ra lớp cơm vẫn được bao bọc bởi phần vỏ lụa trắng ngà của ruột tre, nứa khiến cơm lam có một màu sắc thuần hậu và ta muốn nâng niu mãi.
Tại bản Lác chúng em đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị cùng với bạn bè của mình và em sẽ không bao giờ quên chuyến đi này.
Bài và ảnh: Trường Giang và Huy Lợi – Lớp 10A3.2