TRẢI NGHIỆM HỌC TẬP TẠI NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH
Trong chuyến đi học tập trải nghiệm 2 ngày một đêm tại Hòa Bình mà các thầy cô tổ chức cho học sinh khối 10, chúng em đã được đến thủy điện Hòa Bình – Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam. Tại đây chúng em đã được tìm hiểu một cách khái quát về lịch sử xây dựng và các thông số quan trọng của nhà máy. Dưới đây là một vài thông tin mà em đã tìm hiểu được về thủy điện Hòa Bình.
Nhà máy được xây dựng trên sông Đà, tại thành phố Hoà Bình, cách Thủ đô Hà Nội 76km về phía tây (cách thành phố Hoà Bình 2km về phía Tây Bắc) ở hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, trên dòng sông Đà thuộc miền Bắc Việt Nam. Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành thì đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Thủy điện Hòa Bình - công trình thế kỷ do Liên Xô giúp đỡ xây dựng năm 1979 tại TP Hoà Bình. Quá trình xây dựng Công trình thủy điện Hòa Bình là một quá trình hết sức vất vả, gian nan. Đã có hơn 30.000 cán bộ, công nhân; 5.000 chiến sĩ bộ đội công binh và 1.000 cán bộ quản lý, 750 chuyên gia Liên Xô tham gia vào quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Đập xả tràn có 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả mặt với năng lực xả tối đa 35.400m3/s. Hồ chứa nước có dung tích 9,8 tỷ m3 nước. Tại cửa xả lũ được xây những trụ bê tông hình kim tự tháp để giảm vận tốc của nước khi xả.
Cổng vào nhà máy thủy điện Hòa Bình rất sạch sẽ, rộng rãi và được trang trí ấn tượng với các bức tranh gốm trải dọc theo tòa nhà và đài phun nước cùng với điểm nhấn là những cột điện cao chọc trời tạo nên vẻ hùng tráng cho nơi này.
Để vào đến phần thân của nhà máy chúng em phải đi qua đường hầm, có phần thân hầm dẫn vào bên trong nhà máy được lát đá, nếu đi từ cổng chính vào có chiều dài khoảng hơn 300 mét. Nơi đây có nhiều phòng chức năng nằm sâu trong lòng đất. Nhà máy đặt ngầm trong lòng một quả đồi là nơi lắp đặt toàn bộ thiết bị chính, gồm 8 tổ máy phát điện, máy biến áp cường lực… cùng các công trình phụ trợ. Tám tổ máy tổng công suất 1.920 MW, mỗi tổ có công suất 240 MW.
Trên công trường quy mô lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó, cao điểm có đến 4 vạn công nhân làm việc trong đó có đến 168 người đã hi sinh và 11 người kĩ sư liên xô. Dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu điện, thiếu nước, công việc vất vả, hiểm nguy, nhưng nhiệt huyết của tuổi trẻ lao động đã thúc giục những bàn tay, khối óc của các kỹ sư, công nhân biến dòng sông thành nguồn điện sáng.
Và sau những nỗ lực, cố gắng vượt mọi thời gian, mọi địa hình hiểm trở của con người đã được đền đáp xứng đáng. Ngày 31/12/1988, tổ máy đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện lên hệ thống, báo hiệu một thời khắc lịch sử của đất nước và ngành Điện lực Việt Nam. Đến ngày 4/4/1994, tổ máy thứ 8 cũng là tổ máy cuối cùng của nhà máy chính thức hoàn thành, tổng công suất lắp đặt là 1.920 MW. Ngày 24/12/1994, đất nước ta phấn khởi chào mừng sự kiện trọng đại là ngày khánh thành Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, đánh dấu kết quả của 15 năm lao động quên mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc
Bức thư tuyệt mật của các nhà lãnh đạo công trường trong đó có chữ ký của Tổng Chuyên viên Liên Xô gửi thế hệ Việt Nam 100 năm sau, được chôn chặt trong khối bê tông đặt ở nhà quan sát bờ trái. Lá thư viết bằng tiếng Việt và tiếng Nga, sẽ được mở vào ngày đầu tiên của năm 2100.
Thủy điện Hòa Bình là một điểm đến mang nhiều ý nghĩa lịch sử và có ý nghĩa giáo dục cao. Khi đến đây chúng em thấy được khả năng vô hạn của con người trong việc đắp đập, be bờ, xây dựng công trình hoàng tráng và đi vào hoạt động; Chúng em cũng được chứng kiến sự hùng vĩ, sức mạnh của tự nhiên. Nước là nguồn tài nguyên vô hạn, nhưng để lợi dụng sức mạnh của nước con người đã phải đắp đập ngăn dòng, điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và hệ động thực vật xung quanh nên việc tiết kiệm điện là rất cần thiết trong việc bảo vệ môi trường. Hãy chung tay vì một cuộc sống tốt đẹp hơn!
Bài và ảnh: Nguyễn Thành Long – Lớp 10A3.2