CHI ĐOÀN 10A1.2 SINH HOẠT CHỦ ĐỀ: NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN

Một năm lại trôi qua với bao nhiêu vui buồn, mỗi khi xé đi tờ lịch cuối cùng trong lòng mỗi chúng ta lại nao nao, xao xuyến. Vậy là một năm nữa lại qua đi. Dù có ở bất cứ nơi đâu, mỗi người dân Việt Nam đều không thể quên được ngày tết cổ truyền của dân tộc. Để tìm hiểu rõ hơn về truyền thống dân tộc, vào tiết 5 thứ 7 ngày 14/01/2023 tại chi đoàn 10A1.2 đã diễn ra buổi sinh hoạt với chủ đề: Ngày tết cổ truyền.

Ngày tết cổ truyền còn gọi là tết Nguyên đán hay tết âm lịch, được chia làm các giai đoạn. Đầu tiên là thời gian trước Tết, thường từ 23 tháng Chạp (ngày ông Công, ông Táo). Tiếp theo là ngày 30 hay còn gọi là Tất niên. Ngày này mọi người tảo mộ ông bà hay những người thân trong gia đình đã khuất. Đặc biệt vào tối 30, mọi người đều chuẩn bị đón giao thừa - thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới – đón chào một năm mới. Để chuẩn bị cho ngày Tết thì mọi nhà thường sắm sửa rất nhiều đồ mới, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm thờ cúng ông bà tổ tiên. Tết còn là ngày để trở về, sum họp và đoàn tụ của mỗi người. Trở thành một truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt, để rồi ai dù có đi xa đến đâu, thì cứ mỗi dịp tết đến, xuân về sẽ luôn cố gắng thu xếp công việc của mình để trở về đoàn viên cùng với gia đình, để cùng nhau đón tết với ông bà, cha mẹ, người thân của mình. Trở về để cùng ăn với nhau bữa cơm đoàn tụ, để tỏ lòng thành kính tổ tiên, ông bà, để gìn giữ truyền thống tốt đẹp từ xa xưa và còn là lúc mọi người cùng nhau chia sẻ những khó khăn, những vui buồn của năm cũ, cùng nhau gửi lời chúc tốt đẹp cho một năm mới sắp đến.

Trên bàn thờ ngày tết của mỗi nhà, nhất thiết phải có bánh chưng:“Thịt mỡ, dưa hành,câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân, vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mới họp các con mà bảo rằng: “Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ dâng cúng tổ tiên có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”. Các con trai của vua Hùng đua nhau kiếm của ngon vật lạ, hy vọng được làm vua. Người con trai thứ mười tám của vua Hùng là Lang Liêu tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người chỉ bảo cho, lo lắng không biết làm sao, bỗng nằm mơ thấy Thần đèn bảo: Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành. Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) thật tươi. Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Liêu chỉ có bánh dầy, bánh chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, Lang Liêu đem lời thần tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.Cũng từ đấy, bánh chưng được dùng để  thờ cúng vào dịp Tết. Tục lệ tốt đẹp ấy còn tồn tại cho tới ngày nay.

Về nguyên liệu, bánh chưng được làm từ: gạo nếp, lá dong, thịt lợn, đậu xanh giã nhỏ. Mỗi nguyên liệu đều được chọn lọc thật kĩ để có thể tạo nên món ăn ngon đậm đà nhất.

Sau khi đã chuẩn bị tất cả các nguyên vật liệu thì đến khâu gói bánh. Gói bánh chưng cần sự tẩn mẩn, tỉ mỉ và khéo léo để tạo nên chiếc bánh vuông vắn đặt lên ban thờ ông bà, tổ tiên. Nhiều người cần phải có khuôn vuông để gói nhưng nhiều người thì không cần, chỉ cần gấp bốn góc của chiếc lá dong lại là có thể gói được. Chuẩn bị dây để gói bánh, giữ cho phần ruột được chắc, không bị nhão ra trong quá trình nấu bánh. Công đoạn luộc bánh được xem là khâu quan trọng. Thông thường mọi người luộc bánh bằng củi khô, luộc trong một nồi to, đổ đầy nước và luộc trong khoảng từ 8-12 tiếng. Thời gian luộc như thế là để đảm bảo bánh chín dền và dẻo. Khi nước sôi, mùi bánh chưng bốc lên nghi ngút, thơm phức. Lúc đó mọi người bắt đầu cảm nhận được không khí tết đang bao trùm lấy căn nhà.

Hòa chung với không khí rộn ràng đón tết Quý Mão 2023, chi đoàn 10A1.2 tổ chức buổi sinh hoạt lớp với chủ đề “Bánh chưng xanh, ngày tết quê em. Để chuẩn bị cho phần thi gói bánh chưng, trước đó cô giáo chủ nhiệm lớp Nguyễn Thị Sim đã giao nhiệm vụ cho các nhóm trong lớp chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các nguyên liệu. Đến giờ sinh hoạt, các nhóm hối hả, tích cực cho phần thi gói bánh của nhóm mình. Hồi hộp chờ thành quả sau khi gói xong, bánh được gói xong còn chưa thật đẹp, thật vuông vắn nhưng chúng em ai cũng thích thú, tự hào vì đây là lần đầu tiên được tự tay hoàn thành một chiếc bánh chưng. Rồi lại háo hức khi bánh được luộc, đợi bánh chín để được thưởng thức thành quả lao động của chính mình. Được tham gia những hoạt động có ý nghĩa này giúp chúng em hiểu biết thêm về giá trị văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc trong những ngày tết cổ truyền, giúp chúng em có những trải nghiệm thực tế quý báu, ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo thời gian và sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, những phong tục của người Việt nói chung và phong tục ngày Tết nói riêng đã không ngừng biến đổi theo hoàn cảnh xã hội, có nhiều phong tục đã mất đi nhưng vẫn còn những phong tục đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu và không thể mất đi của người Việt Nam. 

Đối với mỗi người dân đất Việt, không ai là không yêu và mong chờ tết. Bởi chỉ khi đến tết, con người ta mới dành trọn vẹn thời gian bên gia đình và người thân. Với những ý nghĩa quan trọng, to lớn ấy, Tết cổ truyền mãi là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam ta. Chỉ còn vài ngày nữa thôi, chúng ta sẽ được bước sang năm mới, tập thể lớp 10A1.2 chúng em xin kính chúc quý thầy cô một năm mới bình an, sức khoẻ dồi dào, công danh thuận lợi, gặp nhiều may mắn và thành công, luôn hạnh phúc khi nhìn thấy những lớp học sinh của mình lớn khôn và trưởng thành.

                                                     Tác giả: Lưu Thị Minh Ngọc - Lớp 10A1.2

Tác giả: Lưu Thị Minh Ngọc - Lớp 10A1.2 (2022-2023)
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 17
Hôm nay : 245
Hôm qua : 327
Tháng 11 : 7.337
Tháng trước : 10.696
Năm 2024 : 204.985
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.346.391