MÙA CỦA SỰ ĐOÀN VIÊN

Rạo rực trên các con đường làng quê Bắc Bộ chẳng thể thiếu đi sắc hồng của cánh hoa đào trong những ngày cuối năm. Trên những bức tường dài cũ kĩ, rêu phong nên một lớp dày đặc xanh rì tươi tốt khi đã no nê thụ hưởng những giọt mưa phùn bay bay. Cuốn lịch treo trên tường cũng chỉ còn vài tờ giấy mỏng. Một năm nữa lại qua đi, đất trời lại đón thêm một mùa xuân nữa. Dẫu vậy, mùa xuân của đời người lại cứ xa dần xa, ngày một ít ỏi theo năm tháng. Thưa thớt trên mái đầu của mẹ là những sợi tóc bàng bạc điểm xuyết.

Những ngày cuối cùng của năm, dòng người hối hả, tấp nập hướng về cội nguồn. Những người con xa xứ mỗi khi thấy cánh đào thắm, cành mai tươi lại khao khát hơn bao giờ hết là một mùa tết đoàn viên bên những người thân yêu. Một năm trôi qua thật nhanh, thoi đưa thật ngắn thế nhưng nỗi nhớ lại thật dài. Hết một năm, mọi chuyến đi xa là để trở về. Trở về để được vuốt ve mái đầu như thuở còn thơ ấu, về để được tâm tình, kể cho cha nghe những chuyện vui buồn đã qua.

Tết nguyên đán cổ truyền được tính từ ngày 23 tháng Chạp – ngày Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời. Với truyền thuyết được lưu truyền từ ngàn đời xưa trong dân gian đất Việt, có các vị thần trông coi nhà cửa cho gia chủ, hết một năm các vị sẽ chầu thiên đình bẩm báo mội sự tình cho Ngọc Hoàng Thượng đế được biết tình hình dưới hạ giới. Hàng năm, người ta hay mua cá chép vàng để cúng rồi phóng sinh, với tâm nguyện cá sẽ đưa các vị thần về trời, mang đi những ưu phiền của năm cũ, đón một năm mới như ý cát tường. Nhà bạn đã trang hoàng mâm ngũ quả hay chưa? Mâm ngũ quả - một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa cổ truyền của người Việt Nam. Đó chính là sự kết hợp hài hòa với ngũ hành, âm dương hòa hợp của trờt đất. Mâm ngũ quả được bài trí bằng những trái cây chín độ ngọt lành, là những tinh hoa của trời đất, tượng trưng cho lòng thành của gia chủ dâng lên tổ tiên.

Mâm ngũ quả kết hợp năm màu sắc chủ đạo, tượng trưng cho các hành kim, mộc, thủy, thổ hỏa. Màu trắng của quả lê cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, no đủ. Sắc xanh của trái chuối tượng trưng cho sự mạnh mẽ, dồi dào căng tràn sức sống. Mệnh thủy hài hòa, êm dịu với sắc đen của măng cụt hoặc hồng xiêm. Niềm hoan hỉ, may mắn hằng mong ước được gửi gắm vào trái táo đỏ hay quả hồng chín mọng. Sắc vàng tượng trưng cho đất, cầu năm mới vạn sư thái hòa, địa linh ổn định, người ta dâng lên trái đu đủ chín tầm, trái cam vàng tươi hay quả xoài cát tường. Điểm thêm sự nổi bật cho mâm ngũ quả chính là trái phật thủ chín vàng. Phật thủ tượng trưng cho bàn tay hiền từ của đức Phật trên cao phù hộ cho chúng sinh một đời an lạc.

Bánh chưng xanh là một thứ quà kì diệu của Tết. Có lẽ rằng, người ta cứ trông sắc xanh của bánh là thấy hương vị tết tràn về. Bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, cầu mong vạn sự thái hòa an. Bánh có nguyên liệu chính là gạo nếp - một nguyên liệu gần gũi lâu đời trong đời sống thường nhật của người Việt. Nhân bánh được làm từ thịt lợn, đỗ xanh. Một sự kết hợp hài hòa tạo nên mỹ vị ẩm thực Việt. Bánh được gói trong lá dong xanh, lạt mềm buộc chặt tượng trưng cho tình cảm gia đình thuận hòa khăng khít, gắn bó.

Ấm áp nhất chính là được ăn một bữa tất niên vào chiều đông cuối năm cùng với gia đình thân yêu. Chỉ mấy món ăn đơn sơ giản  dị nhưng chan chứa là sự giải khuây cho tất cả những nỗi nhớ nhà bao lâu. Bữa ăn đó là sự sum họp đầy đủ các thành viên trong gia đình, họ quay quần bên mâm cơm tròn - hình tròn của sự đầy đủ, gắn kết.

Đêm giao thừa tiết trời lành lạnh, thật hạnh phúc khi được ở bên những người thân thương, đón chào một năm mới. Khoảnh khắc đó, mọi ưu phiền dường như đều được buông xuống, mọi vấn vương nặng nề tạm thời gác lại. Tất cả là sự hân hoan, hướng mắt nhìn lên nhưng tràng pháo bông rực rỡ lung linh sắc màu trên bầu trời. Con người ta cứ lớn dần lớn dần rồi lại bước đến bên sườn dốc bên kia của cuộc đời. Khi đã trưởng thành dường như không còn cảm giác háo hức đón chờ một năm mới như ngày còn thơ bé nữa. Gánh nặng khi trở thành người lớn đã đè nén, bao chuyện vui buồn ngoài kia cứ liên tiếp đến rồi đi, sự hồn nhiên của ngày nhỏ cứ ít dần rồi cuối cùng chẳng còn là bao nữa. Thế nhưng khi đến những năm tháng xế chiều, người ta lại nuối tiếc những điều mà ngày tháng còn trẻ đang dang dở và bỏ lỡ. Họ lại như được thêm trẻ hóa như những ngày ấu thơ, họ hân hoan chờ ngày Tết đến, được bên cạnh con cháu, sum họp gia đình.

Ngày mồng 1 Tết -  ngày đầu tiên của năm mới, người ta dành những lời chúc tốt lành nhất đến nhau. Người người được xúng xính trong những bộ đồ mới. Trẻ em háo hức được nhận những phong bao lì xì từ người lớn. Lì xì đỏ thay cho lời hoan hỉ từ người bề trên dành cho bề dưới.

Trở lại hôm nay, những ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần, bạn còn điều gì tiếc nuối cho năm cũ hay không? Hãy buông bỏ những nỗi buồn cũ đã qua, thật hạnh phúc hoan hỉ về những thành quả trái chín. Còn chần chừ gì nữa nào, hãy chuẩn bị về gia đình thân thương đang chờ bạn và đón chào một năm mới!

                                                         Tác giả: Trần Thị Khánh Huyền - Lớp 11A2

Tác giả: Trần Thị Khánh Huyền - Lớp 11A2 (2022-2023)
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 12
Hôm qua : 321
Tháng 12 : 4.338
Tháng trước : 9.325
Năm 2024 : 211.311
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.352.717