TỔ CHUYÊN GIA TRƯỜNG THPT TIÊN LỮ TÍCH CỰC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

Để hưởng ứng phong trào đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực trong nhà trường, tháng 11 năm 2019, tổ Chuyên gia - trường THPT Tiên Lữ đã tiếp tục thực hiện chủ đề “Phương pháp đóng vai, kĩ thuật 5 xin và kĩ thuật 321”.

Chủ đề tháng 11/2019 của tổ chuyên gia trường THPT Tiên Lữ
 

Để thực hiện chủ để này, các thầy, cô trong tổ Chuyên gia đã cùng nhau tìm hiểu, thảo luận về phương pháp đóng vai, kĩ thuật 5 xin và kĩ thuật 321. Đồng thời, tổ cũng thống nhất chọn đồng chí Nguyễn Mai Thanh dạy minh họa cho kĩ thuật 5 xin và kĩ thuật 321, đồng chí An Thị Huyền dạy minh họa cho Phương pháp đóng vai.

Tiết 3 thứ tư, ngày 06/11/2019, đồng chí Nguyễn Mai Thanh đã thực hiện dạy thử tại lớp 11A3. Đến dự giờ, góp ý cho đồng chí có ban giám hiệu nhà trường và các thành viên trong tổ Chuyên gia.

Tiết 2, thứ bẩy, ngày 9/11/2019, đồng chí Nguyễn Mai Thanh đã thực hiện dạy minh họa tại lớp 11A2. Trong tiết dạy, bên cạnh kĩ thuật 5 xin và kĩ thuật 321, đồng chí còn sử dụng nhiều kĩ thuật dạy học tích cực như kĩ thuật sử dụng sơ đồ tư duy, kĩ thuật đặt câu hỏi, kĩ thuật khăn trải bàn, …

Học sinh tích cực làm việc nhóm (hình ảnh trong giờ dạy học của cô Thanh)
 

Với kĩ thuật 5 xin (xin chào; xin trình bày; xin lỗi vì còn sơ suất; xin được góp ý và xin cảm ơn), học sinh đã trở nên tự tin hơn khi thuyết trình một vấn đề, một nội dung. Mặt khác cũng góp phần hình thành ở học sinh “văn hóa trình bày”.

Sau khi đại diện một nhóm thuyết trình báo cáo sản phẩm nhóm, đồng chí hướng dẫn học sinh góp ý cho bạn theo kĩ thuật 321 (3 điều tâm đắc, 2 điều muốn trao đổi, 1 câu hỏi liên quan đến nội dung thuyết trình). Kĩ thuật này không chỉ giúp cho lời nhận xét, góp ý của học sinh có trọng tâm mà còn có tác dụng khích lệ, để cùng nhau tiến bộ.

Học sinh nhận xét theo kĩ thuật 321 (hình ảnh trong giờ dạy học của cô Thanh)
 

Khi trao đổi về việc sử dụng 2 kĩ thuật này trong dạy học, đồng chí Thanh tâm sự: "mong muốn tất cả học sinh khi trình bày hay nhận xét đều nhuần nhuyễn kĩ thuật "5 Xin","3/2/1", cũng như có thể áp dụng kĩ thuật "5 Xin","3/2/1" trong cuộc sống".

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó hiệu trưởng cùng rất nhiều các thầy cô giáo đến dự giờ thăm lớp
(hình ảnh trong giờ dạy học của cô Thanh)
 

Trong chủ đề tháng 11, tổ Chuyên gia - trường THPT Tiên Lữ còn tìm hiểu về phương pháp đóng vai. Phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học dựa trên việc giao cho người học giải quyết một tình huống cụ thể thông qua đóng vai. Đây là một trong các phương pháp dạy học chủ động, ngày càng được ứng dụng rộng rãi góp phần hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp ở người học.

Học sinh chủ động, sáng tạo trong các hoạt động học
(hình ảnh trong giờ dạy học của đ/c Huyền)
 

Môn Công nghệ là môn học gắn liền với thực tiễn. Nếu tổ chức dạy học theo phương pháp truyền thống thì nội dung bài học sẽ thiếu sự hấp dẫn và sinh động. Tiết 1, chiều thứ sáu, ngày 15/11/2019, tại phòng học của tổ Chuyên gia, đồng chí An Thị Huyền đã rất khéo sử dụng phương pháp đóng vai trong bài giảng của mình. Với việc sử dụng phương pháp này, đồng chí đã biến một bài giảng khô khan trở nên  mềm mại và để lại nhiều điểm nhấn cho học sinh.

Học sinh hóa thân vào các vai diễn để thể hiện nội dung bài học các em tự tìm hiểu
(hình ảnh trong giờ dạy học của đ/c Huyền)
 

Với bài “Điều kiện phát sinh, phát triển của sâu, bệnh hại cây trồng”, tiết trước đồng chí Huyền đã chia lớp thành 6 nhóm, yêu cầu học sinh tìm hiểu trước nội dung ở nhà. Nhóm 1 tìm hiểu về nội tại cây; nhóm 2 tìm hiểu về sâu hại cây trồng; nhóm 3 tìm hiểu về chăm sóc cây mất cân đối; nhóm 4 tìm hiểu về khí hậu; nhóm 5 tìm hiểu về giống cây trồng và chế độ chăm sóc; nhóm 6 tìm hiểu về lượng mưa. Các nhóm tự thảo luận, thống nhất để đưa ra hình thức và nội dung trình bày trên cơ sở phương pháp đóng vai. Đồng chí Huyền cũng đã yêu cầu học sinh nộp trước kịch bản vào hòm thư cá nhân để kiểm duyệt nội dung và tư vấn hỗ trợ thêm cho các em.

Học sinh hóa thân vào các vai diễn để thể hiện nội dung bài học các em tự tìm hiểu
(hình ảnh trong giờ dạy học của đ/c Huyền)
 

Qua giờ dạy của đồng chí Huyền, tôi nhận ra rằng, học sinh phải rất hiểu nội dung thì mới thể hiện được đầy đủ kiến thức của bài qua phương pháp đóng vai, nhờ thế mà học sinh cũng khắc sâu kiến thức hơn rất nhiều. Hơn nữa, qua bài giảng của cô, học sinh sẽ phát triển được các năng lực như: Năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp và hợp tác, …

Học sinh hóa thân vào các vai diễn để thể hiện nội dung bài học các em tự tìm hiểu
(hình ảnh trong giờ dạy học của đ/c Huyền)

 

Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc – Phó hiệu trưởng và các thầy cô khác đến dự giờ thăm lớp.
(hình ảnh trong giờ dạy học của đ/c Huyền)
 

Giờ dạy của các đồng chí trong Tổ Chuyên Gia không chỉ hứng thú với học sinh, mà còn lan tỏa và để lại những kinh nghiệm quý báu cho chúng tôi. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới các đồng chí trong tổ Chuyên gia sẽ chia sẻ và lan tỏa nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực hơn nữa.

Hoàng Thị Hồng

Tác giả: Hoàng Thị Hồng
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 13
Hôm nay : 32
Hôm qua : 197
Tháng 01 : 4.844
Tháng trước : 4.647
Năm 2025 : 4.844
Năm trước : 211.620
Tổng số : 2.357.870