VÀI NÉT VỀ KĨ THUẬT DẠY HỌC KWL
Văn Kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lí luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.
Nâng cao chất lượng đào tạo là nhu cầu bức thiết đối với các cơ sở đào tạo, là sự sống còn tác động mạnh mẽ đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của xã hội. Xuất phát từ thực tế đó, ngay từ đầu năm học, trường THPT Tiên Lữ đã xây dựng và thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 (Số: 90/KH-THPTTL ngày 20 tháng 9 năm 2019); thành lập tổ Chuyên gia với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Thực hiện chuyên đề tháng 10 của tổ Chuyên gia - trường THPT Tiên Lữ, tôi đã đăng kí việc thực hiện thiết kế và tổ chức bài học với chủ đề: “Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình” (Bài 4: Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội - thuộc môn Giáo dục công dân - lớp 12).
Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, môn Giáo dục công dân “có vị trí hàng đầu trong việc định hướng phát triển nhân cách của học sinh thông qua việc cung cấp hệ thống tri thức cơ bản về giá trị đạo đức – nhân văn, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật; kế thừa các truyền thống đạo đức, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa; tiếp thu những giá trị tốt đẹp của nhân loại và thời đại”. Đặc biệt, các em học sinh lớp 12 phải được trang bị những kiến thức phổ thông cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống, định hướng nghề nghiệp sau THPT; gắn kết nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, kĩ năng sống; giúp các em có nhận thức đúng khi thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong quan hệ kinh tế và pháp luật.
Ý thức được việc đổi mới phương pháp giáo dục, áp dụng kĩ thuật dạy học tích cực vào môn học, đồng thời nhận được sự giúp đỡ, góp ý nhiệt tình của các đồng chí trong tổ Chuyên gia trước và sau bài học, tôi xin mạnh dạn chia sẻ kĩ thuật dạy học đã được áp dụng trong bài dạy của mình.
“Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình” là một nội dung khá gần gũi và quen thuộc đối với học sinh trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vì, không chỉ các em học sinh mà mỗi chúng ta đều được sinh ra và lớn lên trong một môi trường gia đình cụ thể, nhất định. Do đó, chủ đề về gia đình đã rất gần gũi, thân thuộc với mỗi người. Đặc biệt, các em học sinh lớp 12 đã được trang bị kiến thức, có những hiểu biết khá cơ bản về hôn nhân và gia đình trong xã hội. Mặt khác, một số kiến thức nền tảng về hôn nhân và gia đình các em đã được học ở dưới cấp THCS. Vì thế, khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài “Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình” tôi đã áp dụng phương pháp thảo luận nhóm và kĩ thuật dạy học KWL nhằm phát huy năng lực và phẩm chất của các em.
Năm 1986, Donna Ogle giới thiệu hình thức tổ chức dạy học hoạt động đọc hiểu. Người học sẽ bắt đầu bằng việc động não tất cả những gì các em đã biết về chủ đề bài đọc. Thông tin này sẽ được ghi nhận vào cột K của biểu đồ. Sau đó, người học nêu lên danh sách các câu hỏi về những điều các em muốn biết thêm trong chủ đề này, những câu hỏi đó sẽ được ghi nhận vào cột W của biểu đồ. Trong quá trình đọc hoặc sau khi học xong, các em sẽ tự trả lời cho các câu hỏi ở cột W. Những thông tin này sẽ được ghi nhận vào cột L.
Cách thức tiến hành kĩ thuật dạy học KWL được áp dụng tuần tự theo nội dung bài học. Cụ thể như sau:
Đầu tiên, giáo viên chuẩn bị một biểu đồ gồm ba cột, cột thứ nhất là hướng dẫn học sinh huy động những kiến thức mà các em đã biết về chủ đề bài học và ghi vào cột K. Thứ hai, yêu cầu các em nêu các ý kiến muốn biết những gì về chủ đề bài học hôm nay và ghi vào cột W. Trên cơ sở các em đặt ra những điều muốn biết về chủ đề bài học nên trong quá trình tiếp nhận bài học các em rất quan tâm: Nội dung bài học là gì? Biểu hiện như thế nào? Áp dụng để giải quyết các vấn đề trong đời sống ra sao?... Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, chuyển giao nhiệm vụ linh hoạt trong hoạt động học của học sinh, bài học đã tạo được sự hứng khởi ở các em. Từ đó, các em rất chú ý, thích tìm hiểu và khám phá bài học. Các em học sinh không còn thụ động, một chiều mà đã chủ động, tích cực tiếp thu kiến thức. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức dạy học tiến hành kĩ theo thuật dạy học KWL, giáo viên còn có thể kết hợp thêm các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực khác để giúp các em tìm tòi, khám phá các kiến thức mới. Hình thành cho học sinh các kĩ năng, năng lực cần thiết để xử lí các tình huống, các vấn đề đặt ra trong học tập và trong cuộc sống. Sau khi các em đã lĩnh hội được các kiến thức, kĩ năng, năng lực, giáo viên hướng các em đến việc trả lời câu hỏi các em đã học được những gì qua bài học hôm nay và ghi vào cột L.Việc các em ghi lại những gì mình đã học được và đối chiếu với cột W sẽ giúp các em hệ thống hóa được kiến thức và thấy được việc học của mình còn mở rộng ra ngoài cả những điều các muốn biết.
| ||
Những điều em ĐÃ BIẾT về chủ đề hôm nay (K) | Những điều em MUỐN BIẾT về chủ đề hôm nay (W) | Những điều em HỌC ĐƯỢC về chủ đề hôm nay (L) |
|
|
|
Tuy nhiên, khi áp dụng kĩ thuật KWL giáo viên cần lưu ý thêm một số điểm sau:
Tại cột K: Có thể học sinh chưa biết hoặc biết rất mơ hồ về chủ đề bài học, lúc này giáo viên nên khuyến khích học sinh và có thể hỏi “Vậy em muốn biết gì về chủ đề bài học hôm nay?” để gợi mở cho học sinh.
Tại cột W: Đôi khi giáo viên gặp phải tình huống học sinh trả lời “em không biết hoặc em không muốn biết thêm gì” ... Lúc này, giáo viên sử dụng câu hỏi gợi mở có liên quan đến nội dung bài học để kích thích sự tò mò của học sinh: “Em nghĩ mình sẽ muốn biết thêm được điều gì sau khi em đọc chủ đề này?” , hoặc chọn một ý tưởng từ cột K và hỏi: “Em có muốn tìm hiểu thêm điều gì có liên quan đến ý tưởng này không?”. Ngoài ra, giáo viên nên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi của riêng mình để bổ sung vào cột W, có thể giáo viên mong muốn học sinh tập trung vào những ý tưởng nào đó, trong khi các câu hỏi của học sinh lại không mấy liên quan đến ý tưởng chủ đạo của bài học (chú ý là không được thêm quá nhiều câu hỏi của giáo viên). Thành phần chính trong cột W vẫn là những câu hỏi của học sinh.
Tại cột L: Có thể tất cả các vấn đề các em đặt ra ở cột W không hẳn được tìm ra hết trong nội dung bài học. Trước tình huống đó, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm tòi mở rộng ra ngoài bài học, có thể tìm hiểu thêm ở nhà, qua sách báo, qua mạng internet...
Thông qua việc áp dụng kỹ thuật dạy học tích cực KWL, tôi nhận thấy trong bài dạy của mình học sinh đã hình thành được những năng lực, phẩm chất cơ bản và đạt được hiệu quả học tập nhất định trong quá trình tiếp nhận bài học. Học sinh đã chủ động, tích cực và hào hứng tham gia vào các hoạt động học tập. Các em đã rất tự tin, sôi nổi thảo luận, trình bày kết quả hoạt động học tập của mình, cuối cùng đưa đến kết quả học tập đúng đắn, chính xác và khoa học. Đối với bản thân, khi áp dụng phương pháp thảo luận nhóm kết hợp với kĩ thuật dạy học KWL để thiết kế và tổ chức thực hiện bài học chuyên đề minh họa của tổ Chuyên gia, tôi thấy mình vững vàng hơn, tự tin hơn trong hình thức tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục áp dụng vào các bài học khác để tạo ra hiệu quả cao trong quá trình giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân ở trường phổ thông, nâng cao năng lực chuyên môn của mình, nhằm đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục chung của trường THPT Tiên Lữ trong năm học 2019-2020 và những năm tiếp theo.
Ngô Thị Quyết