HOẠT ĐỘNG THÁNG 11 CỦA TỔ CHUYÊN GIA
Hòa chung không khí chào mừng ngày Nhà giáo việt nam 20/ 11/ 2019, đồng thời nhằm lan tỏa hơn nữa việc đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, Tổ chuyên gia trường THPT Tiên Lữ đã có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Trong đó phải kể đến phong trào thi đua Dạy tốt và tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường năm nay diễn ra vào các ngày 15/11 và 16/11/2019. Tổ chuyên gia có 4 cô giáo tham gia hội thi gồm: cô An Thị Huyền môn Công nghệ, cô Trần Thị Vân Anh môn Hóa học, cô Trần Thị Thủy môn Ngoại ngữ và cô Ngô Thị Thu Hà môn Vật lí. Đến với hội thi năm nay các cô đã trải qua 2 vòng: vòng 1 thi bài năng lực, vòng 2 thi thiết kế và tổ chức bài học trên lớp với thời lượng 01 tiết. Bài thi năng lực gồm 2 phần: phần năng lực chung là các kiến thức hiểu biết quản lí chung của ngành và phần năng lực chuyên môn. Bài thi năng lực được tổ chức thi trên máy tính. Với sự chuẩn bị chu đáo và quyết tâm cao, 04 cô giáo đã vượt qua bài thi năng lực với kết quả xuất sắc.
Sau bài thi năng lưc, các cô giáo bước vào phần thiết kế, tổ chức 01 tiết học trên lớp.
Cô giáo An Thị Huyền đã thực hiện bài học "Điều kiện phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại cây trồng" môn Công nghệ lớp 10. Qua bài học cô đã mang đến cho các em học sinh và các thầy cô giáo dự giờ những trải nghiệm thú vị. Với phương pháp dạy học chủ đạo đóng vai, kết hợp khéo léo với kĩ thuật học tập hợp tác. Cô đã truyền tải kiến thức, kĩ năng qua các vai diễn của các em. Điều đặc biệt là với sự hướng dẫn của cô giáo, dựa trên mục tiêu và nội dung bài học, các em đã thiết kế kịch bản, lựa chọn các vai diễn, đạo cụ và hóa trang thành các nhân vật. Cách diễn của các em phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với bài học. Cách thiết kế bài học cùng sự lựa chọn phương pháp kĩ thuật dạy học phù hợp đã làm cho tiết học của cô không còn nhàm chán mà nhẹ nhàng, sâu lắng. Đặc biệt những phân cảnh, những vai diễn ấy đã dần hình thành ở các em các kĩ năng, năng lực để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Còn cô giáo Trần Thị Vân Anh lại lựa chọn bài học ''Cacbon'' môn Hóa học lớp 11. Trong giờ học, cô sử dụng phương pháp dạy học chủ đạo quan sát trực quan, thảo luận nhóm kết hợp với kĩ thuật khăn trải bàn. Ở phần khởi động, thông qua việc làm thí nghiệm trực quan và giải đáp hiện tượng xảy ra rất hấp dẫn, cô giáo đã thu hút được đa số học sinh đến với bài học. Ở hoạt động hình thành kiến thức, cô giáo đã kích thích các em kết hợp giữa làm việc cá nhân với làm việc nhóm nên khắc phục được tình trạng trong học sinh ỷ lại, thụ động. Trong quá trình thảo luận nhóm, các thành viên trong nhóm có cơ hội chia sẻ ý kiến kinh nghiệm của mình một cách tích cực. Do đó hiệu qủa học tập được đảm bảo. Ở phần luyện tập, củng cố, giáo viên đã khơi gợi học sinh quay lại với thí nghiệm ban đầu để nhớ lại những gì các em quan sát thấy. Đồng thời giúp các em củng cố, khắc sâu, ghi nhớ và vận dụng hiệu quả những kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống.
Cô giáo Ngô Thị Thu Hà tham gia hội thi với bài học "Lực hướng tâm" môn Vật lí 10. Bằng phương pháp làm việc nhóm kết hợp với nêu và giải quyết vấn đề, giáo viên đã khéo léo khởi động bài học. Từ đó, học sinh nêu được điều chưa biết, cần tìm hiểu, nêu được mối quan hệ giữa cái chưa biết là lực hướng tâm với cái đã biết trong những bài học trước đó. Phải nói, đây là hoạt động đã kích thích được hứng thú, sự tò mò ham hiểu biết, thích khám phá của học sinh. Với phương pháp này, kiến thức, kĩ năng được hình thành ở học sinh một cách sâu sắc, vững chắc. Học sinh đã chủ động chiếm lĩnh kiến thức, đánh giá được kết quả học tập của bản thân và người khác. Thông qua đó, các năng lực cơ bản được hình thành trong đó có năng lực vận dụng tri thức để giải quyết vấn đề thực tiễn một cách linh hoạt và sáng tạo.
Ngoại ngữ vốn là bộ môn rất đặc thù. Các em học sinh chủ động tích cực, phát huy năng lực giao tiếp và thực hành kiến thức ngôn ngữ mới. Giờ dạy của cô giáo Trần Thị Thủy đã diễn ra rất sôi nổi và tích cực. Phần nội dung thực hiện là Unit 5 Being part of ASEAN - Speaking, tiếng Anh lớp 11 chương trình sách giáo khoa mới. Đây là một tiết dạy kĩ năng nói nên kỹ thuật chủ đạo được áp dụng là kỹ thuật làm việc theo cặp, nhóm và kỹ thuật mảnh ghép thông tin Information-gap. Bằng việc áp dụng các kỹ thuật này, nhu cầu giao tiếp thực sự đã được tạo ra. Với kiến thức cần thiết cho hoạt động trao đổi thông tin được gợi mở và cung cấp từng bước, các em học sinh rất tự tin và tích cực tham gia vào các hoạt động. Tiết dạy kết thúc bằng hoạt động thảo luận nhóm và thuyết trình trước lớp áp dụng kỹ thuật 5S: Xin chào … Xin tự giới thiệu …. Xin thay mặt cho …. Xin được góp ý …. Xin cảm ơn! Tiết dạy rất hiệu quả bởi các hoạt động linh hoạt và sự hỗ trợ thích hợp của giáo viên. Các em học sinh làm chủ việc học, rất sôi nổi và tích cực!
Với sức trẻ, lòng nhiệt tình hăng say, các cô giáo đã mang đến cho các em học sinh những trải nghiệm thật thú vị. Hội thi đã góp phần đổi mới sinh hoạt chuyên môn, củng cố, động viên và khích lệ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong nhà trường. Qua các tiết dạy dự thi của các thầy cô giáo trong trường nói chung, Tổ chuyên gia nói riêng, việc đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, sử dụng các thiết bị phương tiện dạy học hiện đại, các phần mềm hỗ trợ soạn giảng được lan tỏa, ứng dụng rộng rãi, trong nhà trường. Hội thi thực sự là một làn gió mới góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.
Ngô Thị Quyết