Sinh hoạt chuyên môn mở rộng của Tổ chuyên gia trường THPT Tiên Lữ

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đã và đang được triển khai sâu rộng trong khắp các cơ sở giáo dục. Trong những năm gần đây, trường THPT Tiên Lữ đã chú trọng quan tâm đến việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn, nâng cao hiệu quả phương pháp giảng dạy. Các tổ, nhóm chuyên môn của nhà trường duy trì sinh hoạt đều đặn, tích cực theo các nội dung bài học cụ thể. Nằm trong kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, được sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, Ban chuyên môn, ngày 23 tháng 12 năm 2019, tổ Chuyên gia trường THPT Tiên Lữ tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Lớp học đảo ngược, phương pháp đóng vai, kĩ thuật phòng tranh” cùng toàn thể cán bộ, giáo viên trong nhà trường.

Tổ chuyên gia của trường THPT Tiên Lữ được thành lập gồm các thành viên từ các tổ chuyên môn khác nhau với mục đích trao đổi chuyên môn, tìm hiểu và vận dụng những xu hướng, phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực để lan tỏa tới các giáo viên trong nhà trường. Hoạt động trọng tâm tháng 12 năm 2019 của tổ Chuyên gia là tổ chức sinh hoạt mở rộng tới toàn thể giáo viên trong nhà trường với mong muốn cùng trao đổi, cùng chia sẻ, cùng học tập và thay đổi. Công tác chuẩn bị cho buổi sinh hoạt đã được thảo luận, lên kế hoạch chi tiết từ tháng 11 năm 2019. Theo kế hoạch, các thành viên trong tổ chuẩn bị tài liệu, tìm hiểu về một kĩ thuật dạy học tích cực, một phương pháp dạy học tích cực và một xu hướng giáo dục mới. Cuối cùng, các thành viên trong tổ thống nhất tìm hiểu, thảo luận và chia sẻ kĩ thuật phòng tranh, phương pháp đóng vai và xu hướng lớp học đảo ngược. Để nội dung sinh hoạt được tập trung và đúng định hướng, tổ Chuyên gia đã xây dựng một tiết dạy minh họa do cô giáo Trần Thị Vân Anh, giáo viên bộ môn Hóa học đảm nhiệm.

 

Cô giáo Trần Thị Vân Anh trong tiết dạy thực nghiệm
 

Dưới sự tổ chức khoa học, sự hướng dẫn và giao nhiệm vụ rõ ràng, sự hỗ trợ kịp thời của cô giáo, hoạt động học của các em học sinh diễn ra sôi nổi. Cô đã khơi dậy tình yêu khoa học, phát huy tính chủ động và tích cực của học sinh khi tham gia giờ học. Trong tiết dạy, cô giáo đã sử dụng kĩ thuật phòng tranh là kĩ thuật chủ đạo. Ngoài ra, cô còn sử dụng kết hợp các kĩ thuật khác như sử dụng sơ đồ tư duy, trò chơi, thuyết trình… Các kĩ thuật dạy học được lựa chọn hướng tới phát huy trí thông minh của học sinh như thông minh toán học và logic, thông minh ngôn ngữ, thông minh tương tác và giao tiếp, thông minh không gian và thị giác, thông minh thể chất… nên các hoạt động diễn ra linh hoạt, nhẹ nhàng mà hiệu quả.

 

Học sinh trải nghiệm các bức tranh trong tiết dạy thực nghiệm của cô giáo Trần Thị Vân Anh

 

Học sinh hứng thú tìm hiểu tranh trong tiết dạy thực nghiệm của cô giáo Trần Thị Vân Anh

 

Học sinh vận dụng kiến thức đã học làm thí nghiệm vui
 

Ngay sau tiết dạy minh họa, tổ Chuyên gia đã chủ trì sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học tại phòng hội đồng nhà trường. Tham dự buổi sinh hoạt có Ban Giám hiệu, Ban chuyên môn và toàn thể giáo viên trường THPT Tiên Lữ. Bầu không khí của buổi sinh hoạt hết sức cởi mở, những ý kiến phát biểu mang tính xây dựng cao. Các thành viên tham dự đã có nhiều góp ý thẳng thắn, chân thành, bổ ích cho tiết dạy của cô giáo Trần Thị Vân Anh. Những thắc mắc, những khó khăn trong quá trình triển khai các kĩ thuật và phương pháp phần nào được tháo gỡ một cách thỏa đáng.

 

Các thầy cô giáo trong hội đồng giáo dục nhà trường tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn
 

Sau phần thảo luận, góp ý về tiết dạy minh họa là phần chia sẻ của tổ Chuyên gia về phương pháp đóng vai và lớp học đảo ngược. Dạy học bằng phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học dựa trên việc giao cho người học giải quyết một tình huống cụ thể thông qua đóng vai, góp phần phát triển kỹ năng giao tiếp cho người học. Đồng thời, phương pháp này cũng nhằm giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự việc cụ thể mà các em vừa thực hiện hoặc quan sát được. Việc “diễn” không phải là phần chính của phương pháp này mà điều quan trọng là sự thảo luận sau phần diễn ấy.

 

Cô giáo An Thị Huyền chia sẻ về phương pháp đóng vai
 

“Lớp học đảo ngược” là một khái niệm khá mới mẻ nhưng thực tế đã được sử dụng trong hoạt động giảng dạy. Mô hình “lớp học đảo ngược” có thể xem là mô hình dạy học kết hợp (Strayer, 2012), sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ giảng dạy nhằm thúc đẩy quá trình học tập “ở bên ngoài lớp học”. Khi so sánh với dạy học theo kiểu truyền thống, các nghiên cứu đã cho thấy sự khác biệt rõ rệt về kết quả học tập của người học. Kết quả này là do mô hình “Lớp học đảo ngược” đã tạo ra được môi trường học thực học (deep learning), học có ý nghĩa (meaningful learning) cũng như phát triển tư duy phê phán và hình thức học cấp cao. Mô hình này giúp tạo ra môi trường khuyến khích tính tự chủ trong học tập bởi người học có cơ hội học tập theo nhịp độ của riêng mình và trở nên có trách nhiệm với việc xây dựng kiến thức thay vì chờ sự truyền đạt tri thức của thầy cô (tiếp nhận tri thức bị động).

Nếu nhìn từ góc độ nhận thức theo thang cấp độ nhận thức của Bloom thì phương thức dạy học này giúp người học phát triển nhận thức qua từng cấp bậc: ghi nhớ, hiểu (giai đoạn tiếp cận với tài liệu), và sau đó là ứng dụng, phân tích, tổng hợp (giai đoạn xử lý thông tin, xây dựng kiến thức thông qua các hoạt động học tập do giảng viên tổ chức trên lớp). Trong lớp học truyền thống, người học sẽ được nghe giảng bài, sau đó làm bài tập thực hành tại lớp hoặc tại nhà để xử lý thông tin và tiếp nhận kiến thức. Ngược lại, theo Brame (2013), đối với mô hình “Lớp học đảo ngược”, người học sẽ phải tự làm việc với bài giảng trước thông qua đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng thông qua các phương tiện hỗ trợ như băng hình, trình chiếu PowerPoint, và khai thác tài liệu trên mạng. Bài giảng trở thành bài tập ở nhà mà người học phải chuẩn bị trước khi lên lớp. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động giải bài tập, ứng dụng lí thuyết bài giảng vào giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm để xây dựng hiểu biết dưới sự hướng dẫn của giảng viên; thay vì thuyết giảng, trong lớp học giảng viên đóng vai trò là người điều tiết hỗ trợ, có thể giúp học sinh giải quyết những điểm khó hiểu trong bài học mới.

 

Cô giáo Hoàng Thị Hương chia sẻ về lớp học đảo ngược
 

Tham dự và phát biểu chỉ đạo buổi sinh hoạt, thầy giáo Vũ Thanh Bình, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường ghi nhận tinh thần cố gắng, nỗ lực vươn lên, tự học tập và sáng tạo của các thành viên trong tổ Chuyên gia. Đồng chí Hiệu trưởng cũng biểu dương thái độ cầu thị, ham học hỏi và những đóng góp mang tính xây dựng của cán bộ, giáo viên trong hội đồng giáo dục nhà trường. Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn các thành viên của tổ Chuyên gia tiếp tục phát huy tối đa khả năng sáng tạo, lan tỏa những điều tích cực nhiều hơn nữa tới các đồng nghiệp trong hội đồng giáo dục nhà trường. Đồng thời, đồng chí tin tưởng rằng: “mỗi người tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn hôm nay ít nhiều đều thu được cho mình những bài học bổ ích”.

 

Thầy Vũ Thanh Bình, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu trong buổi sinh hoạt
 

Trước sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 tới hệ thống giáo dục, Bộ giáo dục và đào tạo đã khuyến khích các nhà trường triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới một nền giáo dục hiện đại, hội nhập quốc tế. Phương pháp giảng dạy và học tập trong nhà trường cần phải được thay đổi để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không có phương pháp nào hoàn toàn là tối ưu, cũng như không có phương pháp nào hoàn toàn là hạn chế. Vậy nên, việc trao đổi kinh nghiệm nhằm khắc phục những mặt tiêu cực và phát huy tối đa  những mặt tích cực của các hoạt động giáo dục là một việc làm thiết thực. Tuy buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ Chuyên gia trường THPT Tiên Lữ diễn ra trong thời gian không dài nhưng những trao đổi, những chia sẻ chân thành, tích cực của các thầy cô giáo tham dự thực sự có ý nghĩa sâu sắc. Đây là động lực, là sự cổ vũ to lớn để các thành viên của tổ Chuyên gia cố gắng hơn nữa trong các hoạt động của mình.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên gia trường THPT Tiên Lữ:

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Thị Thủy

Tác giả: Trần Thị Thủy
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 208
Hôm qua : 243
Tháng 12 : 3.700
Tháng trước : 9.325
Năm 2024 : 210.673
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.352.079