TỔ TƯ VẤN HỌC ĐƯỜNG -“NƠI BÌNH YÊN TRỞ VỀ”
Thực hiện công văn số 1588/SGDDT-CTTT của Sở GD&ĐT Hưng Yên về việc hướng dẫn triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh trong trường phổ thông và kế hoạch năm học 2018 - 2019 của trường Trung học Phổ thông Tiên Lữ, ngày 25 tháng 10 năm 2018, thầy Vũ Thanh Bình - Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Tiên Lữ đã kí quyết định thành lập Tổ Tư vấn Tâm lý cho học sinh nhà trường năm học 2018 - 2019. Theo đó, Tổ trưởng là cô Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Hiệu trưởng, tổ phó là cô Vũ Thị Uyển và 6 thầy cô giáo là ủy viên gồm: Thầy Phan Văn Quý, cô Đoàn Thị Thúy Vân, cô Vũ Thị Liễu, cô Đoàn Thị Hoa, cô Nguyễn Thị Liên, cô Nguyễn Thị Phương Liên cùng đại diên học sinh của 35 lớp trong nhà trường.
Phòng của Tổ Tư vấn Tâm lý học đường được bố trí tại tầng 1 nhà C. Đây là nơi học sinh và thầy cô giáo có thể vào trao đổi trực tiếp với các thành viên của tổ tư vấn.
Những thầy cô giáo của tổ tâm lý học đường là những thầy cô có tâm huyết với sự nghiệp trồng người, yêu trường, yêu trò và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Tổ có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì và ổn định tình trạng tâm lý cho học sinh, giúp các em tư duy, suy nghĩ và nhìn nhận các vấn đề xung quanh một cách đúng đắn. Tổ hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần với lịch trực được phân công cụ thể cho các thầy cô để đảm bảo việc thường xuyên theo dõi, nắm bắt tư tưởng, tâm lý của học sinh.
Tổ tư vấn Tâm lý thu thập thông tin cần tư vấn từ các em học sinh, thầy cô giáo bằng nhiều hình thức như gặp trực tiếp trao đổi, qua zalo, facebook, viết giấy bỏ vào hòm thư… Những câu hỏi đó sẽ được tổ tập hợp, phân loại để tư vấn cho phù hợp.
Tiết 5 thứ 7 tuần cuối cùng hàng tháng tổ tư vấn tâm lý học đường có buổi sinh hoạt để tổng kết, chia sẻ những tình huống đã tư vấn trong tháng, đồng thời lên kế hoạch cho lần sinh hoạt tiếp theo.
Tại buổi sinh hoạt của tổ tư vấn Tâm lý vào tiết 5 thứ bảy ngày 19/01/2019 tại phòng Hội Đồng, nhiều vấn đề đã được các thầy cô giáo và học sinh của tổ chi sẻ. Trong số đó có những tình huống tiêu biểu như tình huống của em học sinh lớp 11 A1 đã tư vấn để hai bạn học sinh của lớp nhìn nhận đúng đắn về tình bạn, tình yêu ở tuổi học trò nên không làm giảm kết quả học tập của hai bạn và không khí học tập của lớp; tình huống của em học sinh lớp 10A8 đã gặp riêng động viên, nhắc nhở một thành viên của lớp thực hiện nội quy học tập tốt hơn (không đi học muộn); tình huống của em học sinh lớp 12A10 đã tư vấn giúp một thành viên của lớp vượt qua lo lắng, băn khoăn trong việc lựa chọn bài thi để xét tốt nghiệp ở kì thi THPTQG sắp tới phù hợp với khả năng…
Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay theo quan sát và tìm hiểu tính hiệu quả đã thể hiện rất cao. Nhiều vụ việc phức tạp như học sinh đánh nhau, chán học bỏ học, vi phạm pháp luật, có thái độ hận thù với bạn bè và mọi người xung quanh, sa ngã vào các tệ nạn xã hội… đều được các thầy cô trong tổ tư vấn chia sẻ tìm ra cách giải quyết thấu đáo, êm đẹp. Học sinh trước khi đến tổ tư vấn thường có tâm trạng buồn bã, tinh thần căng thẳng, sau khi được chia sẻ, tư vấn từ các thầy cô thì các em ra về với tâm thế vui vẻ, lạc quan, từ đó biết trân quý cuộc sống. Các thầy cô khi ở trên bục giảng họ là người gieo con chữ thì giờ đây lại là những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người bạn tri kỉ của các em. Căn phòng được đặt tại tầng 1 nhà C không biết tự bao giờ đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin của học sinh và phụ huynh, nơi mà các em tìm đến trao đổi, tâm sự, mong muốn giải đáp những thắc mắc về vấn đề tâm lý nảy sinh trong cuộc sống. Từ đó hạn chế được tình trạng học sinh hư hỏng, quậy phá, bỏ học, trầm cảm…ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực học đường đã và đang gây ra nỗi lo của phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Các em gọi đó là “Nơi bình yên trở về”.
Bài và Ảnh: Đoàn Thị Minh Tuấn