HỘI THẢO CHUYÊN MÔN TỔ NGỮ VĂN, TRƯỜNG THPT TIÊN LỮ

Năm học 2023-2024 là năm thứ hai triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 và lớp 11. Để thực hiện hiệu quả chương trình mới, căn cứ vào kế hoạch năm học 2023 -2024, linh hoạt trong việc thực hiện, xây dựng Kế hoạch giáo dục, xuất phát từ tình hình thực tế, được sự nhất trí của BGH trường THPT Tiên Lữ, ngày 15 tháng 04 năm 2024, tổ Ngữ văn trường THPT Tiên Lữ đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao hiệu quả dạy học đọc hiểu và viết bài văn nghị luận về một truyện ngắn hiện đại Việt Nam trong chương trình GDPT 2018”. Hội thảo được tổ chức nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, nâng cao hiệu quả dạy học đọc hiểu và viết bài văn nghị luận về một truyện ngắn hiện đại Việt Nam trong môn Ngữ văn; tăng cường giao lưu học hỏi giữa các giáo viên trong tổ; tạo sân chơi chuyên môn bổ ích, ý nghĩa cho giáo viên; góp phần tạo hứng thú, tình yêu cho học sinh trong việc học tập bộ môn.

Đồng chí Bùi Thị Thu Hà dẫn chương trình Hội thảo

Tham dự Hội thảo, có đồng chí Vũ Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường, các đồng chí trong Ban Giám hiệu, Ban chuyên môn và đầy đủ giáo viên tổ Ngữ văn cùng các em học sinh đại diện các lớp.

Mở đầu buổi Hội thảo là các bài hát được phổ nhạc từ các tác phẩm truyện ngắn hiện đại do các em học sinh nhà trường biểu diễn.

Em Vũ Công Hùng – Lớp 12A8 với bài hát “Đẩy xe bò”

Em Quỳnh Anh – Lớp 10A1.3 với bài hát “Để Mị nói cho mà nghe”

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Vũ Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: Mục tiêu lớn nhất của Chương trình GDPT 2018 là phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Môn Ngữ văn có một vị trí đặc biệt mà không môn nào có thể thay thế, môn Ngữ văn đã khai thác và phát huy được ý tưởng của con người. Câu chuyện về văn mẫu đã rời xa chúng ta. Khó khăn của giáo viên dạy Ngữ văn là làm thế nào để mỗi học sinh đều phát triển được năng lực và phẩm chất”. Cơ hội rất rõ, thách thức cũng rất lớn nhưng đồng chí tin rằng, tất cả giáo viên trong tổ Ngữ văn : “sẽ mang được tinh thần của Hội thảo vào trong các hoạt động chuyên môn, tạo hiệu quả cao trong giảng dạy và làm tròn sứ mệnh của mình”.

Đ/c Vũ Thanh Bình, Hiệu trưởng trường THPT Tiên Lữ phát biểu tại Hội thảo

Sau lời phát biểu chỉ đạo từ đồng chí Vũ Thanh Bình – Hiệu trưởng nhà trường, Hội thảo tiếp tục được nghe tham luận của đồng chí Đoàn Thị Thuý Vân với đề tài: “Nâng cao hiệu quả dạy học đọc hiểu truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong Chương trình GDPT 2018”. Trong bài tham luận của mình, đồng chí đã đưa ra nhiều giải pháp và những ví dụ rất cụ thể để nâng cao hiệu quả dạy học đọc hiểu truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong CTGDPT 2018.

Đ/c Đoàn Thị Thuý Vân, giáo viên tổ Ngữ văn tham luận tại Hội thảo

Tiếp đến là tiết mục sân khấu hóa truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê do các em học sinh đến từ lớp11A4.2 biểu diễn. Tiết mục của các em đã mang đến cách tiếp cận mới cùng những trải nghiệm sáng tạo về truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Từ đó, khơi gợi trong các em tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam; lòng biết ơn các thế hệ cha anh đã chiến đấu hi sinh giành lại độc lập cho dân tộc.

Tiết mục sân khấu hoá truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”, lớp 11A4.2

Tham luận Nâng cao hiệu quả dạy học viết bài văn nghị luận về một truyện ngắn hiện đại Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thu Lý trình bày cũng đã mang đến cho các em học sinh kỹ năng viết bài văn phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện ngắn hiện đại Việt Nam sao cho đảm bảo cấu trúc và đạt hiệu quả cao, thể hiện được đúng tinh thần trong yêu cầu về kĩ năng viết theo Chương trình GDPT mới.

Đ/c Nguyễn Thu Lý, giáo viên tổ Ngữ văn tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, với tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc, các đồng chí giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn của nhà trường đã thảo luận, đóng góp cho hai bản tham luận. Những chia sẻ hết sức bổ ích, ý nghĩa của các đồng chí giáo viên trong tổ Ngữ văn, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao dạy học đọc hiểu và viết bài văn nghị luận về truyện ngắn VNHĐ trong Chương trình GDPT 2018.

Tiếp tục chương trình của buổi Hội thảo là tiết mục sân khấu hoá tác phẩm truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao. Một tác phẩm đã để lại những day dứt, ám ảnh trước tấn bi kịch của những con người bị cự tuyệt quyền làm người dưới xã hội thực dân nửa phong kiến đã được các em học sinh lớp 11A1.4 diễn xuất thành công.

Tiết mục sân khấu hoá truyện ngắn “Chí Phèo” – lớp 11A1.4

Hội thảo cũng được nghe tham luận đến từ học sinh lớp 11A2.3 với đề tài Đọc hiểu truyện ngắn hiện đại Việt Nam; phần thảo luận của em Trương Thu Hường, lớp 11A1.1 tham luận của học sinh lớp 11A2.1 Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện ngắn hiện đại Việt Nam. Bên cạnh đó là các tiết mục văn nghệ do em Nguyễn Mai Anh lớp 12A3 biểu diễn bài hát “Hai đứa trẻ” và bài “Chí Phèo” do em Phạm Tuấn Phước lớp 11A1.2 thể hiện.

Phần cuối buổi Hội thảo là phần kể chuyện “Chiếc lược ngà” và vẽ tranh đến từ em học sinh lớp 11A4.2; 10A2.2, cùng phần trò chơi “Đố vui văn học” do đồng chí Trần Thị Bích Lê –  giáo viên tổ Ngữ văn điều hành, đã mang đến không khí sôi nổi cho buổi Hội thảo.

 

Kể chuyện “Chiếc lược ngà” và vẽ tranh đến từ em học sinh lớp 11A4.2; 10A2.2

Có thể thấy, Hội thảo đã đáp ứng được những mục tiêu đề ra. Hoạt động này cũng góp phần mở rộng đánh giá mức độ tiếp cận kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh trong nhà trường nhằm giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp quản lý và dạy học để từ đó phát huy tinh thần “thi đua dạy tốt, học tốt”.

Kết thúc Hội thảo, đồng chí Vũ Thị Uyển – Tổ trưởng tổ Ngữ văn đã nhấn mạnh Hội thảo đã được nghe, xem, thưởng thức và cảm thụ một số truyện ngắn hiện đại Việt Nam bằng nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau: sân khấu hóa, âm nhạc, hội họa. Với những nội dung ấy, Hội thảo đã đảm bảo mục tiêu và yêu cầu đề ra trong Kế hoạch. Chắc chắn, trong quá trình tổ chức Hội thảo sẽ còn nhiều trăn trở và tỏ bày. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của các đồng chí và các em học sinh để việc dạy học đọc hiểu và viết bài nghị luận về một truyện ngắn hiện đại Việt Nam trong Chương trình GDPT 2018 mang lại hiệu quả cao”. Đồng chí cũng  khẳng định Chặng đường hiện tại và phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhưng với sự chia sẻ chân thành và tích cực của các đồng chí, tôi tin rằng khó khăn nào rồi chúng ta cũng sẽ vượt qua

Đ/c Vũ Thị Uyển – Tổ trưởng tổ Ngữ văn bế mạc Hội thảo

Buổi Hội thảo chuyên môn đã mang lại ý nghĩa quan trọng. Các thành viên của tổ Ngữ văn đã có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác thực hiện Chương trình GDPT 2018. Buổi Hội thảo còn là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện công tác chuyên môn của mỗi giáo viên  trong tổ, tác động tích cực tới công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng giáo viên, tới chất lượng của việc sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.

Mặc dù hiện tại và trước mắt còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng thông qua Hội thảo chuyên môn, những giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018 có thêm sự đồng hành, hỗ trợ để vững tin trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

 

Bài viết: Trần Thị Bích Lê – GV tổ Ngữ văn

Tác giả: Trần Thị Bích Lê – GV tổ Ngữ văn
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 25
Hôm qua : 161
Tháng 01 : 4.640
Tháng trước : 4.647
Năm 2025 : 4.640
Năm trước : 211.620
Tổng số : 2.357.666