VIẾT VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM NHÂN NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3
Phụ nữ - món quà tuyệt vời mà thượng đế đã ban cho thế giới này - là 1 nửa của trái đất xinh đẹp. Họ như những đóa hoa nở rộ mọi lúc mọi nơi, những đóa hoa xinh đẹp đáng quý. Ngày 8/3 là ngày Quốc tế phụ nữ - ngày họ nở rộ nhất khiến ta nhớ mãi công lao của họ trong cuộc sống này.
Võ Thị Sáu (1933 – 1952), quê ở Bà Rịa, chị được gọi là “ Người con gái đất đỏ”. Khi giặc Pháp tràn vào quê hương, Võ Thị Sáu mới 12 tuổi, đã ném lựu đạn giết chết ba tên chỉ huy Pháp. Chị nổi tiếng về tình báo, biệt động và giao liên đặc biệt. Ám sát hụt tên việt gian Đốc phủ Tòng, Võ Thị Sáu bị Pháp bắt năm 15 tuổi. Ở trong tù, chị vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 12 năm 1952, Pháp đem chị ra Côn Đảo giam ở nhà lao “Đá trắng”. Vốn thích múa hát từ nhỏ, khám tử hình không làm chị thôi hát. Khi giặc xử bắn chị, đưa một cố đạo đến rửa tội, chị mắng: “Tao là người yêu nước, tao không có tội, chỉ chúng mày là quân cướp nước tao, giết dân tao mới là kẻ có tội.”
Chị Võ Thị Sáu hy sinh vào sáng ngày 23/01/1952. Khi giặc Pháp đưa chị ra xử bắn, với nét mặt ung dung, bước đi vững chắc, ngẩng cao đầu, cất lên bài hát Quốc tế ca, với tinh thần lạc quan cách mạng, chị đã thể hiện tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cộng sản.Chị hi sinh khi chưa đầy 20 tuổi. Năm 1993, Nhà nước đã truy tặng chị danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương chiến công hạng Nhất. Đó chỉ là một trong vô số những người phụ nữ có tấm lòng hướng về tổ quốc cao cả, vĩ đại không thua kém người đàn ông nào.
Bà Nguyễn Thị Định sinh năm 1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. 16 tuổi đã tham gia cách mạng, 18 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khởi nghĩa, bà là một trong những người đầu tiên đưa vũ khí qua đường biển vào miền Nam trong cuộc kháng chiến. Năm 1945, bà được Trung ương Đảng chỉ định tham gia thường vụ tỉnh ủy Bến Tre và được Đảng giao nhiệm vụ ở lại miền Nam tham gia lãnh đạo nhân dân và phụ nữ trong tỉnh đấu tranh đòi thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ. Bà được bầu làm Bí thư tỉnh ủy Bến Tre.
Sau khi tham gia lãnh đạo phong trào Đồng Khởi năm 1960, bà là Ủy viên Đoàn Chủ tịch ngay khi Mặt trận giải phóng miền Nam ra đời. Năm 1961, bà là khu ủy viên khu 8 Nam Bộ. Năm 1965, bà là Phó tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, đồng thời là chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam. Bà là người hiền lành, giàu lòng vị tha, sống gần gũi, chan hòa với mọi người. Bà con và bộ đội vẫn gọi bà bằng cái tên thân thiết: “Chị Ba Định” cùng 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Năm 1974, bà được Ủy ban giải thưởng quốc tế Lê-nin trao tặng thưởng “Vì củng cố hòa bình của các dân tộc”. Năm 1976, bà là Phó Chủ tịch thứ nhất và từ năm 1980 là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bà được bầu làm Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, có uy tín trong phong trào phụ nữ thế giới.
Nguyễn Thị Định – Nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thế kỷ XX
Ngày nay, khi chiến tranh đã qua đi, vai trò của người phụ nữ càng quan trọng hơn.Giáo viên, y tá hay là cảnh sát công nhân ,… đều có phụ nữ tham gia. Những người phụ nữ đáng được trân trọng. Và dù có chút muộn nhưng bằng cả tấm lòng, chúc những người phụ nữ luôn vui vẻ, may mắn trong cuộc sống, sống mạnh khỏe và luôn trẻ trung.
Bài và ảnh: Lớp 10A1.1