SINH HOẠT NGOÀI GIỜ LÊN LỚP - CHỦ ĐỀ THÁNG 11

Tháng 11 lại về trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam. Thực hiện kế hoạch năm học 2021 – 2022 và hướng tới kỉ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2021), chiều ngày 04/11/2021, chi đoàn 12A2 trường THPT Tiên Lữ tổ chức HĐNGLL với chủ đề “Thanh niên với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo”. Buổi hoạt động đã giúp bọn em hiểu được giá trị của truyền thống hiếu học, khắc sâu tình cảm với thầy cô giáo. Từ đó, giúp các bạn học sinh có ý thức phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, có những hành động thiết thực để thể hiện lòng biết ơn với các thầy các cô.

Tham gia buổi HĐNGLL tháng 11 với sự có mặt các thầy cô giáo phụ trách HĐNGLL và toàn thể các bạn học sinh của lớp 12A2. Buổi HĐNGLL dưới sự dẫn dắt của MC vô cùng dễ thương và năng động là bạn Nguyễn Thị Huế. Và khác với những buổi học NGLL trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các bạn học sinh ở nhà tham gia học bằng hình thức trực tuyến. Tuy vậy buổi học vẫn diễn ra một cách thuận lợi.

Mở đầu buổi học, cả lớp cùng ôn lại truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh và có truyền thống hiếu học. Người Việt Nam luôn coi trọng việc học, lấy việc học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người. Trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua mọi thăng trầm của lịch sử, hiếu học là một truyền thống, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, luôn được đề cao và coi trọng. Đặc biệt được thế hệ trẻ phát huy:

- “Hiếu học” là biểu hiện của sự ham học hỏi, ham hiểu biết, muốn vươn tới, muốn chinh phục những tri thức của nhân loại. Hiếu học thể hiện một tinh thần tự nguyện, một sự nỗ lực cố gắng không ngừng của bản thân, không bao giờ tự bằng lòng với những cái đã biết, những cái đã học được. Người hiếu học có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, học trong sách vở, học trong cuộc sống.

- “Tôn sư” là đề cao, tôn vinh, coi trọng người thầy. Vì sao vậy? Người thầy dạy chữ, dạy kiến thức cho ta, đem đến cho ta những hiểu biết để ta sống tốt hơn, có ích hơn. Người thầy lại dạy ta đạo lí, nhân cách để ta biết làm người trong xã hội. Sự tôn vinh này xuất phát từ chức năng cao quý và trách nhiệm lớn lao của người thầy.

- “Trọng đạo” là gì? Nếu tôn sư là tôn vinh người thầy thì trọng đạo là coi trọng nghề dạy học. Đạo ở đây là đạo làm thầy, là nghề dạy học. Nhân dân ta “trọng đạo” chính là trọng cái nghề “trồng người” cao quý ấy, cũng như họ đã tôn vinh người thầy là những “kĩ sư tâm hồn”.

Vì vậy, “Tôn sư trọng đạo” mang và hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc. Đó là sự suy nghĩ nhìn nhận đúng đắn và tiến bộ cùa nhân dân ta về một nghề đáng được coi trọng và một con người đáng được tôn vinh. Nó chứng tỏ dân tộc ta là một dân tộc văn hiến và hiếu học, bởi coi trọng nghề dạy học là một biểu hiện sâu sắc của một dân tộc văn hiến và tôn vinh người thầy là bằng chứng hùng hồn của một dân tộc hiếu học.

Truyền thống tốt đẹp đó đã được nhân dân ta kế thừa và phát huy trong cuộc sống hiện nay. Trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng các nhà giáo, luôn dành cho họ những tình cảm ưu ái nhất, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc. Người giáo viên được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. Vậy nên, ngày 20-11 đã ra đời và được tổ chức hằng năm như một ngày hội lớn của toàn dân để tôn vinh những người thầy, người cô và nghề dạy học cao quý. Vào ngày này tất cả các trường trong cả nước lại nô nức với các hoạt động do những học sinh trong trường thực hiện như: Thi văn nghệ, lễ mít-tinh chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, dựng trại, thi cắm hoa... và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác. Đây cũng là dịp để thế hệ học sinh tỏ lòng biết ơn, tri ân của mình tới những "người đưa đò thầm lặng" trên bến sông cuộc đời. Trong ngày Nhà giáo Việt Nam, phụ huynh và học sinh cũng thường chuẩn bị những bó hoa tươi, những tấm thiệp đẹp ghi những lời chúc ý nghĩa và những món quà bất ngờ để tri ân các thầy cô, những người đã luôn tận tình truyền đạt kiến thức, dìu dắt mình lớn lên.

Sau khi ôn lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cả lớp cùng tham gia một trò chơi thú vị. Với luật chơi: MC sẽ quay số, nếu trúng vào số thứ tự của bạn nào thì bạn đấy phải nêu một câu ca dao tục ngữ về chủ đề “Tôn sư trọng đại”. Nếu không nêu được hoặc bị trùng với các bạn trước đó thì sẽ bị phạt hát một bài hát hoặc thả thính bằng một câu nói ngọt ngào.

Trò chơi được các bạn tham gia tích cực, sôi nổi. Những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ nói về truyền thống tôn sư trọng đạo lần lượt được đưa ra, nhắc nhở chúng ta về một truyền thống quý báu và tốt đẹp biết bao mà chúng ta cần phải biết trân trọng, giữ gìn.

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.”

“Ơn cha nghĩa trọng công thầy cũng sâu.”

“Công cha, áo mẹ, chữ thầy

Gắng công mà học có ngày thành danh”

“Tiên học lễ, hậu học văn”

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”

“Không thầy đố mày làm nên”

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Nối tiếp trò chơi ca dao tục ngữ trên là tiết mục hát đơn ca với tiếng hát tràn đầy tình cảm của bạn Hoàng Quang Hà. Hai bài hát  “Người thầy” và “Cô tuyệt vời nhất” đã làm bầu không khí của buổi học sôi nổi như được chìm đắm lại, hồi tưởng lại những hồi ức, những kỉ niệm đẹp tuổi học sinh, những hình ảnh của người cha, người mẹ dưới mái trường đã dìu dắt chúng ta lên người. Buổi hoạt động GDNGLL đã giúp chúng em nhận thức sâu sắc ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam, hiểu về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, hiểu được sự vất vả của thầy cô, hiểu được ý nghĩa của của công việc mà thầy cô đang làm. Từ đó biết kính trọng và biết ơn thầy cô giáo đồng thời tích cực học tập, rèn luyện để góp phần phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Những lời ca sâu lắng cùng với lời phát biểu cảm nghĩ về ngày 20/11 của bạn Vũ Kiều Oanh và bạn Trần Tuấn Vũ đã khép lại  buổi HĐNGLL tháng 11 đầy ý nghĩa,  đồng thời cũng thay mặt tập thể lớp 12A2 gửi lời cảm  ơn sâu sắc đến các thầy cô đã quan tâm, chăm sóc và chỉ bảo nhiều điều hay cho chúng em.

Cuối bài viết em xin gửi tới các thầy cô lời chúc qua bài thơ “ Hồng và chuyên”

“Nhân ngày tết của cô, thầy
Chúc cho “sự phụ” đong đầy thành công
Xin dâng những đóa hoa hồng
Tặng thầy cô giáo “vừa hồng, vừa chuyên”

Yêu trò tựa những mẹ hiền
Chăm lo kiến thức tựa thiên giúp người
Xây nền giáo dục sáng tươi
Năm sau trọn vẹn hơn mười năm qua.

Chúc ngành giáo dục thuận hòa
Chúc thầy cô giáo thăng hoa vẹn toàn
Chúc trò xứng đáng người ngoan
Chúc phụ huynh mãi bình an chung lòng

Cải cách Giáo dục thành công
Học, hành chất lượng tương đồng năm châu
Người làm quản lí sáng đầu
Để cho đất nước đẹp mầu kỉ cương.

Hội nhập, phát triển thuận đường
Bám sát thực tiễn luân thường Việt Nam.”

(Tác giả: Hồ Như)

Người viết: Ngô Đinh Đức Bảo, Nguyễn Ngọc Ánh - Lớp 12A2

Tác giả: Ngô Đinh Đức Bảo, Nguyễn Ngọc Ánh - Lớp 12A2 (2021-2022)
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 31
Hôm qua : 296
Tháng 01 : 1.832
Tháng trước : 4.647
Năm 2025 : 1.832
Năm trước : 211.620
Tổng số : 2.354.858