Đừng bỏ lỡ yêu thương!
Chúng ta luôn nuối tiếc về việc bỏ lỡ: Bỏ lỡ bộ đồ mình yêu thích, bỏ lỡ buổi concert muốn xem, bỏ lỡ người mình yêu,… Nhưng hãy thử ngẫm lại xem, thứ chúng ta bỏ lỡ nhiều nhất thật ra lại chính là những khoảng thời gian được nói chuyện, được ở bên với người yêu thương mình - bố mẹ.
Chúng ta thử làm một phép tính: giả sử chúng ta 18 tuổi, bố mẹ chúng ta 45 tuổi, và họ có thể sống được bốn mươi năm nữa. Nếu 1 ngày chúng ta ngủ 8 tiếng, đi học ở trường 4 tiếng buổi sáng, 4 tiếng buổi chiều, 2 tiếng học thêm bên ngoài, 2 tiếng vệ sinh cá nhân ăn sáng tắm rửa, 1 tiếng dùng để chơi game, lướt Facebook, nhắn tin với bạn bè thì chúng ta cũng chỉ còn dư ra một tiếng. Cứ coi như bạn không làm những việc vô nghĩa, ngủ ít đi thì bạn vẫn dành nhiều thời gian theo đuổi ước mơ của mình: học đánh đàn ghita, piano, thiết kế đồ họa… Cứ coi như có ngày nghỉ lễ thì thời gian ấy cũng không đủ để bạn làm xong hết những kế hoạch, dự định mình mong muốn. Trong lúc ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, bạn có gặp bố mẹ nhưng đấy chỉ là gặp mà thôi. Bởi vì trên tay bạn vẫn còn chiếc điện thoại. Bạn say sưa trong những cuộc trò chuyện Online mà không quan tâm đến những người xung quanh – những người thân trong gia đình của bạn. Tính như thế thì mỗi ngày bạn dành bao nhiêu thời gian để ở bên cạnh bố mẹ mình. Được 1 tiếng không, hay chỉ được mười lăm, hai mươi phút. Cứ gọi là một tiếng thì một năm bạn sẽ ở bên họ được 356 giờ đồng hồ tức là 15 ngày 5 tiếng. Bạn cảm thấy con số này nhiều hay ít. Nhưng đấy mới chỉ là thời gian bạn đang còn học cấp 2, 3 mà thôi.
Khi học đại học, bắt đầu theo đuổi ước mơ của bản thân, bạn rời xa gia đình, đi đến những nơi bạn muốn đến, làm những công việc bạn muốn làm. Theo số liệu khảo sát, sau giờ làm việc, chỉ có 34% người có thể về nhà với cha mẹ hơn 30 ngày một năm, 20% trong số họ dành ít hơn 30 ngày với cha mẹ, 24% số người chỉ dành từ 7 đến 9 ngày với cha mẹ của họ, và 22% người dành ít hơn 7 ngày với cha mẹ của họ. Nói cách khác, sau khi vào làm, 66% người đi vắng quanh năm và không thể ở bên cạnh cha mẹ. Nhiều người đi làm ở nhiều nơi chỉ có thể về quê trong những ngày Tết thường kéo dài khoảng 7 ngày, không tính thời gian đi lại, thăm bạn bè, ngủ nghỉ... thì thực tế, thời gian bạn có thể dành cho bố mẹ khi đã trưởng thành là khoảng 24 giờ trong một năm.
Trong cuốn sách “Hiếu tâm vô giới” có viết: "Tôi tin rằng mỗi người con đều mong có thể hiếu thảo với cha mẹ từ tận đáy lòng. Thật không may, con người do bận rộn mà thường quên đi sự tàn khốc của thời gian, sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự mong manh của chính sự sống”. Thời gian sẽ phụ thuộc vào cảm xúc mà có thể trở nên dài hơn hoặc ngắn hơn. Thuyết tương đối quả đúng là một thứ gì đó vừa lãng mạn vừa thương cảm. Nó nhắc nhở chúng ta rằng hãy trân trọng những khoảng thời gian bên gia đình. “Chúng ta còn nhiều thời gian nhưng cha mẹ thì không”. Có bao nhiêu người kịp nhận ra điều này trước khi quá muộn? Có bao nhiêu người đã phải nói “giá như”, giá như cha mẹ ở bên ta lâu hơn hoặc giá như ngày cha mẹ còn sống, ta đã về bên họ nhiều hơn, yêu thương và báo đáp nhiều hơn?
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (trích thơ “Con cò” của Chế Lan Viên). Cha mẹ luôn ở bên ta, dõi theo ta, dành cho ta những điều tốt đẹp nhất. Nhưng chúng ta thì khác. Ở mỗi độ tuổi, chúng ta lại có những mối bận tâm khác nhau: chuyện học hành, công việc, tình yêu, những mối quan hệ xã hội… Chúng ta dành tình yêu, sự quan tâm nhiều hơn cho người yêu, vợ/chồng, con cái… và tình yêu với cha mẹ dường như bị lắng xuống, lùi bước về sau. Chúng ta bận rộn với mạng xã hội và coi đó là nơi có thể trút bầu tâm sự, nhận được những lời khích lệ, động viên. Chúng ta mải mê với những cuộc vui ngoài xã hội mà quên mất cha mẹ vẫn ở nơi ấy, hằng ngày mong ta trở về. Nhưng có một sự thật rằng, sau khi lớn lên, sự gần gũi giữa chúng ta và cha mẹ càng ngày càng ít đi. Cha mẹ không hiểu thế giới mới của chúng ta, chúng ta lại không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu những buồn vui giận hờn của cha mẹ. Trong bài hát có tên “Bà” (Grandma) của Châu Kiệt Luân, có một câu thoại luôn lay động lòng người: “Kỳ vọng của bà nội dần dần biến thành bất lực. Người lớn vẫn không hiểu bà muốn có bạn đồng hành chứ không phải sáu trăm tệ.”
Trong một tập của bộ phim Lời hồi đáp 1988, cô chị thứ hai Deok Sun luôn bất mãn vì bị bố mẹ xem nhẹ, tức giận đạp cửa đi ra ngoài. Thấy vậy, người bố liền chạy đến nói với vẻ tự trách và hối lỗi: “Bố không phải sinh ra đã biết làm bố. Đây cũng là lần đầu tiên bố làm bố.”
“Chúng ta cũng giống như vậy, bởi vì chúng ta vốn dĩ đâu biết phải làm con thế nào ngay từ khi sinh ra. Giữa những người bố và chúng ta dường như luôn có một bức tường ngăn cách, nhưng thực tế chỉ cần một trong hai người tiến về phía trước một bước là có thể phá vỡ bức tường ngăn cách ấy ngay thôi.”
( Trích trong Cuộc đời rất đắng tôi muốn sống một cách ngọt ngào)
Chúng ta luôn nghĩ rằng, cha mẹ còn ít nhất 20, 30 năm nữa ở bên ta mà quên rằng “đời người ngắn ngủi, thế sự khó lường”. Giả sử một ngày nào đó bạn trở về quê, ngay khi bước chân vào nhà mà căn nhà dường như không còn ngăn nắp, người mẹ vốn yêu thích sạch sẽ trong ký ức không để sót một mảnh vụn nào trong nhà, ngay cả bụi bặm bám trên bệ cửa sổ, mẹ cũng sẽ để ý và nhanh chóng thu dọn bây giờ đã không còn như trước, và khi bạn nhìn thấy mái tóc điểm sợi bạc, khóe mắt nhăn nheo của cha mẹ, thì có nghĩa là cha mẹ bạn đang dần già đi. Vì thế, trước khi quá muộn hãy dành cho họ một chút thời gian để quan tâm và yêu thương.
Nhớ lại khi bạn còn nhỏ, bạn là thế giới của cha mẹ. Nhưng khi bạn trưởng thành, cha mẹ không thể là thế giới của bạn. Nhớ lại bản thân mình khi còn nhỏ lần đầu gọi hai tiếng “bố mẹ”, lần đầu tiên đi bằng đôi chân trần, lần đầu tiên xách cặp đến trường, lần đầu tiên bố mẹ đứng đợi bạn đi thi giữa trời nắng 38 độ, lần đầu tiên bạn phải rời xa bố mẹ để đi học xa... Tất cả những lần đầu tiên đó, hình ảnh của bạn vẫn mãi ở trong lòng cha mẹ.
Trong tương lai, tôi không biết mỗi năm bạn về quê bao nhiêu lần? Tôi không biết bạn có thể ở với bố mẹ được bao lâu? Theo tôi: “Thay vì chờ đợi bố mẹ bước tới bên bạn, thì bạn hãy dừng lại và chạy về phía họ, hãy trân trọng từng phút giây ở bên cha mẹ, ngay từ bây giờ!”
Nguyễn Ngọc Ánh - Lớp 12A2