PHỤ NỮ - MỘT NỬA CỦA THẾ GIỚI HOÀN HẢO
Phụ nữ là một nửa của thế giới hoàn hảo, một nửa của sự yêu thương. Quả thực là như vậy! Họ là những đoá hoa tuyệt vời nhất của tạo hoá đã ban tặng cho cuộc đời. Những đoá hoa chan chứa yêu thương ấy tươi thắm ở khắp nơi nơi. Nhưng có lẽ, với chúng ta, yêu thương hơn cả chính là những người phụ nữ Việt Nam.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà vị lãnh tụ Hồ vĩ đại Chí Minh của chúng ta đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Từ ngàn xưa, tầm vóc người phụ nữ đất Việt đã hiện lên mang sức vóc lớn lao, phi thường. Đó là những biểu tượng hiên ngang, bất khuất làm rạng danh đất nước bốn nghìn năm.
Trên đất Mê Linh, có hai chị em họ Trưng cưỡi voi lớn, đạp luồng sóng mạnh đánh đuổi giặc Hán đang giày xéo trên quê hương. Tưởng chừng thân nữ nhi mềm mỏng yếu đuối, thế nhưng Hai Bà Trưng phi thường, quật khởi đã mở đầu cho những trang sử vàng hào hùng của dân tộc được các thế hệ con cháu Rồng Tiên tiếp nối mãi về sau. Thiên sử năm ấy đã trải qua ngàn năm thế nhưng dư âm lẫm liệt lại chưa từng một chút phai nhoà. Bà Trưng kiên cường là thế nhưng bà cũng là một người phụ nữ. Giặc cuồng năm ấy đã giết Thi Sách – Người chồng tâm đồng ý hợp của bà. Nỗi hận thù thấu xương gan đã chuyển biến thành sức mạnh lớn lao trong tâm khảm người phụ nữ ấy. Chắc hẳn trong lời ru của mẹ, của bà từ thuở ấu thơ, ai cũng đôi ba lần được nghe câu hát “Có coi lên núi mà coi / Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”. Đó là một lời ru êm dịu mà không ai biết đã có tự bao giờ. Người ta chỉ biết, trong dòng chảy của những thiên sử vàng dân tộc, từng có bà tướng Triệu Thị Trinh lừng lẫy cưỡi voi, dẫn binh đao ra chiến trường chống lại quân Ngô tàn ác đã làm điêu linh dân chúng trên mảnh đất mà bà sinh ra.
Trong khoảng nghìn năm phong kiến, đâu chỉ có những đấng trượng phu, những trang nam tử gây dựng cơ đồ nghiệp lớn. Sử vàng đã từng tạc ghi biết bao người phụ nữ đã dày công không ít vào công cuộc kiến thiến, dựng xây giang sơn đất Việt. Hãy ngược dòng thời gian trở về với nước Đại Việt ở thế kỉ 11, đã có một bà nguyên phi đã dùi mài kinh sử, hiểu việc nước, thạo việc đời cùng vua gánh vác giang sơn. Bà là Hoàng thái hậu Ỷ Lan của nhà Lý, nguyên phi của vua Lý Thánh Tông – một bậc minh quân nổi danh “anh minh sáng suốt” của Đại Việt. Bà không giống như những phi tử khác chỉ an phận chốn hậu cung, ngày ngày sống cảnh trướng rủ màn che, bà cùng bậc quân vương “mài đao luyện kiếm” thịnh trị giang sơn thái bình. Khi đất nước xảy ra loạn lạc, nhà vua trấn thủ nơi biên ải xa xôi, hậu phương vững chắc nơi kinh thành đã có bà nguyên phi hậu trợ.
Trên những chiến tuyến khốc liệt của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc trong thế kỉ 20, nơi mặt trận chiến trường bom bay lửa đạn đã bất đắc dĩ trở thành mảnh đất “trù phú” nảy sinh ra những đoá hoa thép kiên cường chiến đấu vì nền độc lập dân tộc. Đó là những nữ anh hùng tình nguyện hiến dâng sắc xuân, tuổi trẻ để bảo vệ đất nước thân yêu. Các cô, các chị là những cô gái trẻ mới đương độ mười tám đôi mươi, tuổi xuân hẵn còn dài, thật dài. Mỗi một tuổi xuân của các cô, các chị hiến xuống dải đất chữ S bao nhiêu thì dải đất thân yêu ấy lại thêm một xanh, một tươi mới. Chắc hẳn, trong kí ức của mặt trận cầu Hàm Rồng năm ấy, đã hẳn sâu bóng dáng của người thiếu nữ trẻ tuổi với thân hình nhỏ bé vác trên đôi vai gầy guộc một hòm đạn to lớn, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển. Cũng đã nhiều năm trôi qua, người thiếu nữ của hơn nửa thế kỉ về trước cũng đã bước tới tuổi xế chiều. Mái tóc xuân xanh ngày ấy đang được thay thế dần bằng những sợi điểm hoa dâm. Nhưng thật hào rằng, tuổi xuân người thiếu nữ ấy đã hết mình vì mặt trận chiến trường, vì đại nghiệp lớn của dân tộc máu đỏ da vàng.
Trong thời kì giặc Mỹ càn quét, hoành hành khiến đời sống nhân dân cùng cực, đất nước chìm trong những mất mát, đau thương, bấy giờ ở Nam kì xuất hiện hai người phụ nữ kiệt xuất. Tên của hai bà ghép lại thành “Bình Định” – Một khát vọng, quyết chí lớn lao của Đảng bộ và toàn thể nhân dân trong cả nước lúc đó. Đó là hai bà Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Định. Trên bàn đàm phán tại Paris năm 1973, Madam Bình đã bản lĩnh kiên cường, bà đại diện cho phí phách của dân tộc Việt Nam và đặc biệt là những người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Trên bàn đàm phán cam go, quyết khẩu, bà như bông hồng thép của dân tộc Việt trước một đám sói hung hăng. Ban đầu chính quyền Hoa Kỳ đã cho rằng Madam Bình chỉ là một người phụ nữ nội trợ. Bằng những lời lẽ đanh thép, sắc bén, bà đã cho chính quyền Hoa Kỳ và chính quyền tay sai thấy rằng, nếu bàn đàm phán Paris là một căn bếp, Madam Bình là một người nội trợ thì tất cả những ông lớn người Mỹ là những nguyên liệu trong căn bếp đó. Nếu như trên mặt trận ngoại giao, có Nguyễn Thị Bình bản lĩnh thì xông pha trên mặt trận chiến trường có nữ tướng tóc dài Nguyễn Thị Định. Bà là nữ Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bà từng giữ chức Nguyên Phó Tư lệnh Quân giải phóng Miền nam Việt Nam và Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Thị Định sinh ra nơi quê hương Bến Tre – vùng đất giàu truyền thống anh hùng. Lớn lên trong thời buổi nước mất nhà tan, bà cũng giác ngộ được điều đó và tham gia cách mạng từ rất sớm. Tham gia cách mạng, bao phen vào sinh ra tử cũng không thể khiến Nguyễn Thị Định nao núng mà còn tôi luyện trong bà một ý chí, tinh thần thép. Nổi bật hơn cả, bà đã lãnh đạo “Đội quân tóc dài” – phong trào chống Mỹ yêu nước của phụ nữ Nam bộ. Đội quân là những người phụ nữ ở mọi lứa tuổi, già trẻ đủ hết. Họ là thân phụ nữ với chiếc áo sờn vai, đầu đội khăn tang, tay bồng con với sự gan dạ, quật cường, một mực đòi chấm dứt chiến tranh khủng bố, trừng trị bọn ác ôn trên đất Mỏ Cày năm ấy khiến quân địch phải kinh hồn, bạt vía. Nguyễn Thị Định là người đã gắn kết sức mạnh đoàn kết, người truyền lửa, tiếp động lực cho lực lượng vốn được coi là chân yếu tay mềm. Bởi vậy, bà chính là vị tướng tóc dài huyền thoại trong lòng nhân dân.
Hình ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp)
Ngày nay, đất nước đã sạch bóng quân thù, vai trò của người phụ nữ càng được nâng cao, trân trọng hơn bao giờ hết. Họ tham gia mặt trận chính trị, kiến thiến dựng xây đất nước, điển hình là nữ Chủ tịch Quốc Hội của Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, bà là đại biểu quốc hội khoá 14 nhiệm kì 2016 – 2021. Đặc biệt hơn, bà cũng là người con của vùng sông nước Bến Tre. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bóng hồng với những nụ cười tươi tắn, hăng say với nghề nghiệp. Họ là những nữ quân nhân của Quân đội Nhân nhân Việt Nam, nữ cảnh sát của lực lượng Công an nhân dân. Trên bục giảng, họ là những cô giáo hăng say giảng bài, truyền đạt tri thức tới lớp lớp thế hệ trẻ của đất nước. Giữa ranh giới của sự sống và sự sinh li tử biệt, các cô y bác sĩ là những thiên thần áo trắng với sứ mệnh cứu người giúp đời. Trên thương trường khốc liệt như chiến trường, các nữ doanh nhân với đầu óc kinh doanh, tư duy nhạy bén đã làm khuynh đảo nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động, kiến thiết dựng xây sự giàu mạnh của đất nước.
Những người phụ nữ đáng trân trọng ấy không chỉ là những người trí thức. Họ có thể là những nữ công nhân đang ngày đêm cật lực làm việc trong các nhà máy xí nghiệp để hoàn thành tiến độ công việc, đảm bảo chất lượng hàng hoá. Họ là tầng lớp lao động cốt lõi, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Những người phụ nữ đáng trân trọng cũng có thể là những nữ lao công. Tuy công việc của họ vất vả, cực nhọc nhưng họ đã đóng góp công sức để làm đẹp thêm những con đường, ngõ phố.
Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đang đến gần, xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến một nửa của thế giới thương yêu – Những người phụ nữ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Tác giả: Trần Thị Khánh Huyền - Lớp 11A2