MỘT NGÀY HỌC TẬP, TRẢI NGHIỆM ĐÁNG NHỚ!

Phải chăng rằng, thời học sinh còn khoác trên mình chiếc áo đồng phục luôn có nhiều những khoảnh khắc đáng nhớ nhất. Kỉ niệm vui có, buồn có, nụ cười và xen lẫn cả những giọt nước mắt của những cô cậu học sinh cấp 3 đang đứng nơi ngưỡng cửa của sự trưởng thành. Ba năm ngắn ngủi ấy tựa một giấc ngủ trưa. Thời gian thấm thoát trôi nhanh đã đưa tập thể A2 – K56 đồng hành cùng nhau gần được hai phần ba chặng đường. Có lẽ rằng, chuyến đi thật đáng nhớ vào một ngày thứ Tư đẹp đẽ gần đây sẽ trở thành một kí ức đẹp trong lòng tôi.

Đó là một chuyến đi trải nghiệm đầu tiên của chúng tôi từ ngày nên cấp ba. Lần đầu tiên, A2 được đi cùng nhau với sự đồng hành của thầy giáo chủ nhiệm đến một nơi xa thật xa. Với tôi, sau chuyến đi, nơi xa lạ ấy đã trở thành một miền đất đong đầy cảm xúc, nơi đặt dấu chân của kỉ niệm.

Vì đi học xa nhà, hôm đó tôi đến lớp sớm hơn mọi khi. Tôi ra khỏi nhà từ lúc trời còn lờ mờ sáng, những ánh đèn đường trên cao còn chưa tắt. Tôi vội vã, hào hứng và mong chờ thật nhiều điều về chuyến đi đặc biệt này. Chúng tôi tập trung tại trường học lúc 6 giờ kém 15 để thầy giáo kịp điểm danh.

Đồng hồ điểm 6 giờ, chúng tôi di chuyển lên chuyến xe buýt sẽ đưa chúng tôi đến một miền đất hứa hẹn nhiều điều. Bánh xe lăn những vòng đi trên những cung đường xa lạ nhưng cũng thật thân thuộc gần gũi. Địa điểm đầu tiên thẳng tiến là Đền thầy giáo Chu Văn An – một ngôi đền linh thiêng trên đất Hải Dương, nơi trở về của những tinh thần hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo. Trên đường tới đó, chúng tôi phải ngồi trên xe mất 2 tiếng đồng hồ. Trong thời gian chờ đợi chuyến xe đến địa điểm mong chờ, chúng tôi trò chuyện vui vẻ, ca hát cùng nhau, giao lưu cùng anh hướng dẫn viên du lịch. Đó là một bầu không khí tràn đầy dư vị tình bạn. Phía bên ngoài cửa kính xe có đọng mấy giọt nước, ngoài trời hình như có mưa nhỏ, bầu trời được bao phủ bởi mây trắng hơi ngả đục nhưng vẫn thật đẹp đến kì lạ. Chiếc xe đưa chúng tôi từ những khu dân cư thị trấn nhộn nhịp đến những cánh đồng bao la bát ngát, rồi cả những cung đường hai bên là những hàng bạch đàn sừng sững, còn thấy được những khu trang trại, bãi đất trồng rất nhiều cây, rồi qua cả những cây cầy bắc qua dòng sông vừa rộng vừa dài bắt nguồn từ đâu chúng tôi còn chưa rõ.

Gần 8 giờ, chúng tôi đã đến đền thờ Thầy giáo Chu Văn An, ngôi đền thuộc địa phận Thành phố Chí Linh – Hải Dương. Kiến trúc quần thể lăng mộ được toạ lạc trên núi Phượng Hoàng. Năm xưa, một vị quan triều đình thanh liêm đã rời kinh thành, cởi trả mũ áo vua ban để về ẩn cư tại miền thâm sâu núi cốc mở lớp dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Tương truyền rằng, có 72 cánh chim phượng hoàng trong một lần xuống hạ giới đã thấy nơi đây cảnh sắc hữu tình nên đã sà xuống biến thành 72 ngọn núi. Cao nhất là đỉnh Phượng Hoàng, nơi an nghỉ của người thầy giáo của muôn đời Chu Văn An. Nằm bên hữu lăng mộ là giếng Son hay giếng mắt phượng. Nhiều thế kỉ về trước, thầy Chu Văn An có dùng nước dưới giếng để dưỡng thân, dưỡng thể, dưỡng khí, dưỡng thần. Giếng là nơi tụ mạch nguồn linh khí sơn linh Phượng Hoàng. Khi dùng nước giếng, trí được mở mang, tâm thanh thản đến lạ thường. Kì thay, nước dưới giếng chưa khi nào cạn, luôn đầy ăm ắp và trong lành. Đến đây, người ta hay xin nước dưới giếng đem về như một nguyện ý cầu mong tốt lành trên con đường công danh, học tập.

Đến với đền, trước tiên phải đi bộ trên một con đường dốc thoải để lên phía trên. Nơi đây có rất nhiều những hàng thông cao lớn. Đang độ ra quả, thi thoảng sẽ bắt gặp những quả thông gai góc nằm trên mặt đất. Phía trên cao mười mấy bậc thang là nơi dâng hương trước đền. Chúng tôi được xếp thành hàng, chắp tay hướng về ngôi đến cùng các thầy cô giáo trong nhà trường đồng hành cùng. Về với ngôi đền, trong lòng thật tự hào về tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam và ngưỡng mộ một cuộc đời thanh liêm, đáng ghi nhớ cho muôn đời về sau của nhà giáo Chu Văn An. Đi lên phía lăng mộ trên đỉnh Phượng Hoàng, phải đi lên những bậc thang bằng đá cao, dài tận những 600m. Hôm đó, có rất nhiều học sinh từ các trường học cũng đang trong chuyến trải nghiệm từ mọi miền đất nước đến dâng hương. Để cho kịp thời, tôi vội vã lên 112 bậc đá để lên phía lăng mộ được tận tay dâng hương cho thầy. Nhưng quỹ thời gian không cho phép, tôi vẫn chưa được tận mắt thấy giếng Phượng Hoàng. Thật tiếc nuối, khi lên xe để tiếp tục cuộc hành trình, tôi vẫn mãi lưu luyến. Tôi còn chưa kịp xin chữ của những thầy đồ tại ngôi đền. Một ngày nào đó tôi muốn được quay trở lại đây, về với ngôi đền linh thiêng, một lần nữa được trở về với niềm tự hào tinh thần hiếu học dân tộc. Rời khỏi ngôi đền, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Trời đổ mưa nhẹ, chúng tôi vội vã lên xe. Chiếc xe dần dần lăn bánh, bỏ lại phía xa là những hàng thông cao lớn đang đung đưa cành lá thay cho lời chào tạm biệt.

Chuyến xe đưa tôi đi qua những cung đường dài. Thoáng chốc, trước mắt hiện ra là cổng chào tỉnh Quảng Ninh cao lớn. Một trong những điểm dừng chân ấn tượng của thành phố biển, cổng chào được lấy cảm hứng từ những hang động đá vôi của tự nhiên mà tạo hoá ban cho nơi đây. Còn với chúng tôi, nó thật giống những đường cong parabol mà giáo viên môn Toán vẫn thường vẽ trên bảng xanh bằng phấn trắng. Qua cổng chào, chuyến xe của chúng tôi tiếp tục hành trình tại những cung đường dài nơi thị xã Đông Triều. Nơi đây chính là cội nguồn của triều đại nhà Trần lẫy lừng với các chiến công quân sự trong lịch sử dân tộc ta. Bơi vậy, một vị vua đời trần đã ban cho địa danh hai chữ Đông Triều, nghĩa là triều đình ở phía đông.

Địa điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi chính là một nhà hàng ấm cúng với những món ăn đơn giản vào ngày có mưa nhẹ. Dùng xong bữa trưa, anh hướng dẫn viên du lịch dẫn chúng tôi đến với Công viên Rồng Hạ Long – Công viên lớn nhất Bắc Bộ. Trong suốt cuộc hành trình ngày hôm ấy, có lẽ nơi đây đã cho tôi những khoảnh khắc thật đáng nhớ bên bè bạn.

Buổi chiều hôm đó đến khá sớm, chúng tôi là một trong những đoàn khách đầu tiên của buổi chiều ấy. Để vào cổng công viên, chúng tôi được phát cho những tấm vé và qua cửa kiểm tra. Cổng công viên được thiết kế kiểu lầu gỗ tường son, mang phong cách cung đình Huế. Chúng ta sẽ thấy thật quen thuộc, như một góc ảnh nào đó trong những bộ phim cung đấu đình đám. Qua cửa soát vé, chúng ta được nhìn thấy là biểu tượng của công viên. Giữa bồn nước tròn có những cột nước phun cao là bốn chú rồng vàng châu á tràn đầy linh khí chụm đầu lại cùng nâng một quả địa cầu - một biểu trưng của Sun World. Khắp các đường đi lối vào, tràn ngập những bông hoa thắm sắc đầy đủ sắc màu, mang khí sắc của mùa xuân của Bắc Bộ cho du khách được dịp lưu lại những tấm ảnh kỉ niệm.

Đến với Công viên Rồng, nếu bạn là một người thích những cảm giác mới lạ thì không thể bỏ qua những trò chơi cảm giác mạnh với những tên gọi thú vị trong số 20 trò chơi đặc sắc ở đây. Linh hồn của công viên có lẽ là Phi long thần tốc – một trò chơi tàu lượn siêu tốc có hành trình dài nhất tại khu vực Châu Á với vận tốc 105km/h. Chắc hẳn hôm đó là ngày nhiều trường học đã lựa chọn cho học sinh thực hiện những chuyến đi trải nghiệm thực tế nên có thể dễ dàng bắt gặp đâu đâu cũng là những chiếc áo đồng phục. Công viên Rồng là một địa điểm vui chơi có sức hút lớn, để có thể lên với chú Phi long, ai ai cũng phải xếp hàng chờ đợi thành một đoàn dài để được trải nghiệm một cảm giác đáng lên thử này. Bước lên ghế ngồi của đoàn Phi long, bạn sẽ được các chú nhân viên thắt chặt thiết bị bảo hộ kĩ càng để chuẩn bị đón nhận cảm giác mà bạn mong chờ. Ban đầu, chuyến Phi Long lên trên cao khá từ từ và chậm rãi, bạn có thể ngửa cổ tận hưởng bầu trời xanh một cách thư thái. Lên đến đỉnh, bất chợt đoàn tàu thay đổi tốc độ bất ngờ mà lao vút xuống khiến bạn phải có chút quay cuồng sợ hãi. Tiếp đó, đoàn phi long liên tiếp đi qua những vòng cua uốn lượn rồi những vòng xoay lộn, cứ chậm lại nhanh rồi nhanh lại chậm khiến bạn không ngừng cười đùa la hét cùng bè bạn. Khi trải nghiệm cảm giác mới lạ này quay cuồng này, bạn sẽ sợ hãi lo lắng rằng đoàn tàu sẽ bị văng ra khỏi đường ray mà muốn xuống ngay tức thì. Nhưng khi kết thúc một vòng lộn nhào, chắc hẳn rằng bạn sẽ lại muốn trải nghiệm thêm cảm giác này.

Một trong những trò chơi đặc sắc cũng khiến bạn phải thót tim, rùng mình khi chơi xin được gọi tên Tê giác cuồng nộ. Trò chơi có tuổi đời sau Phi long thần tốc nhưng so về độ hấp dẫn cũng không thua kém gì người anh em của mình. Nhưng thật đáng tiếc, ngày thứ tư hôm đó những vòng quay Tê giác đang trong quá trình được bảo trì. Cũng là điều dễ hiểu, những trò chơi cảm giác mạnh nơi đây có tính mạo hiểm phải đảm bảo an toàn cho du khách một cách tuyệt đối. Bởi vậy chúng thường xuyên được tu sửa, kiểm tra và được chuyên gia thẩm định.

Nếu bạn là một người thích sự nhẹ nhàng thư thái, ngồi lên những chiếc cốc xoay xinh xắn là một sự lựa chọn lí tưởng. Hay thú vị hơn là cưỡi trên mình chú ngựa cứ lên lên xuống xuống như cảm giác trở về tuổi thơ, cái thuở cứ mỗi dịp cuối tuần được mẹ dẫn đi đến khu vui chơi.

Chúng ta có thể nhìn bao quát cả công viên rộng lớn trên đoàn tàu điện lộ trình bao quanh công viên với đường đi dài 2km. Trên tàu điện đi chầm chậm, có một giọng đọc phát thanh viên giới thiệu từng trò chơi đặc sắc một tại mỗi địa điểm đoàn tàu đi qua. Hình như tôi nghe được rằng, đã từ rất xa xưa, nơi đây có một loài rồng từng đáp xuống bảo vệ cho dân chúng khỏi giặc xâm lăng, thiên tai bão lũ. Từ ấy nhân dân thêm ấm no, yên bình. Dân chúng nhớ ơn thần Rồng mà gọi nơi đây là Hạ Long. Phải chăng đó cũng là vị thần rồng nơi kinh thành Thăng Long bay lên – một biểu tượng của khí phách anh hùng, sự thịnh trị của thiên hạ, uy nghiêm của bậc đế vương.

Nhưng vì thời gian không cho phép, đường về rất xa, bởi vậy chúng tôi phải kết thúc cuộc vui chơi từ khá sớm. Ba rưỡi chiều, chuyến xe của chúng tôi đến giờ phải khởi hành để trở về trường học. Ba giờ 15 phút, chúng tôi phải tập trung trước cổng công viên. Ai nấy cũng đều lưu luyến, phải chăng cuộc vui chơi này còn chưa đã đầy hay chúng tôi đang nuối tiếc những khoảnh khắc bên bạn bè.

Chiếc xe buýt ra khỏi công viên hình như cố tình đi chầm chậm, tôi kịp nhìn lại lối ra vào của du khách. Từng đoàn người bước qua, có người đi ra rồi có người lại đi vào. Đúng ba rưỡi, chúng tôi khởi hành, Hưng Yên quê nhà thẳng tiến. Tạm biệt Công viên Rồng Hạ Long ! Nhất định tôi sẽ đến thêm những lần nữa vào một ngày không xa. Một ngày nào đó khi trở lại, tôi muốn chinh phục hết những trò chơi cảm giác mạnh nơi đây. Hãy đợi tôi! Tôi nhìn mãi về phía công viên cho đến khi chiếc xe đưa chúng tôi ra phía bên ngoài, công viên khuất hẳn trong tầm mắt.

Trên đường về, vẫn là những cung đường lạ lẫm của chuyến đi xa nhưng chẳng còn cảm giác hào hứng như lúc đi nữa. Phải chăng là vì chúng tôi phải trở về khi kết thúc một cuộc vui chơi. Ngoài trời cũng đã không còn mưa nữa, những hàng cây xanh xanh bên đường cũng thật bình thường như những cái cây quen thuộc suốt dọc đường mà tôi đi học. Ngồi trên chiếc xe hướng mắt ra phía ngoài ô cửa kính, tôi vẫn còn suy nghĩ nhiều điều. Có lẽ chưa bao giờ tôi lại có một chuyến đi xa đáng nhớ đến thế. Liệu có phải đây là một chuyến đi đầy những điều đáng tự hào nơi đền Thầy Chu Văn An hay những đặc sắc bởi những trò chơi nơi công viên Rồng? Được đi cùng tập thể lớp và thầy giáo chủ nhiệm? Hoặc biết đâu còn vì điều gì đó nữa mà  tôi còn chưa nghĩ ra….

Thoáng chốc, chuyến xe đã đưa chúng tôi trở về với địa phận quê nhà Hưng Yên. Nơi đầu tiên là xã Quang Hưng, Phù Cừ. Chúng tôi lại quay về cung đường quen thuộc mà 6 giờ sáng hôm đó khởi hành chuyến đi. Những khoảnh khắc cuối cùng của một ngày đáng nhớ, trên xe buýt, chúng tôi dành cho nhau những bài hát mang nhiệt huyết, tinh thần sôi động của tuổi trẻ. Những bài hát về đề tài học sinh, tình yêu, gia đình liên tiếp được thể hiện từ giọng hát bạn này sang bạn khác.

Thế rồi điểm dừng cuối cùng của chiếc xe là trước cổng trường học của chúng tôi. Vậy là một chuyến đi đáng nhớ đã kết thúc. Chúng tôi gửi lời chào tạm biệt và cảm ơn đến bác tài xế lái xe cùng anh hướng dẫn viên đã mang đến cho chúng tôi một chuyến đi thành công. Thầy giáo chủ nhiệm cũng đã báo cáo cho phụ huynh rằng chúng tôi đã về tới nơi. Khi xe buýt dừng hẳn, ai nấy đều nuối tiếc và chùn chân còn chưa muốn xuống. Ước gì tại khoảng khắc này, chiếc xe lại tiếp tục cho chúng tôi dạo quanh thêm vài cung đường nữa. Nhưng cũng đã muộn, chúng tôi phải trở về nhà để gia đình khỏi phải lo. Tuy tiếc nuối nhưng tôi vẫn không quên đem những câu chuyện kể thật đáng nhớ của một ngày đi trải nghiệm về với những người thân yêu ở nhà.

Trên đường từ trường về nhà, tôi cố tình đi chầm chậm nhìn xung quanh. Trời cũng đã nhã nhem tối, bầu trời như lúc ban sáng còn lờ mờ mà tôi đã ra khỏi nhà cho kịp chuyến xe. Hai bên đường, đèn điện cũng đã được thắp sáng. Ánh đèn đường vàng nhạt, mờ mờ của ngày hôm ấy thật đẹp! Trên suốt dọc đường, trong tôi vẫn còn nhiều suy nghĩ. Chả biết là bao giờ, tôi lại có dịp đến với đền thầy Chu Văn An hay Công viên Rồng Hạ Long thêm một lần nữa? Có thể sau này, tôi còn nhiều dịp đến với Chí Linh hay Hạ Long, nhưng chắc hẳn rằng, cảm xúc như ngày hôm nay cũng sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Khi ấy, người đồng hành cùng tôi sẽ là một ai đó, đâu còn cùng tập thể A2 – K56 và thầy giáo chủ nhiệm nữa.

                                                         Tác giả: Trần Thị Khánh Huyền - Lớp 11A2

Tác giả: Trần Thị Khánh Huyền - Lớp 11A2 (2022-2023)
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 12
Hôm nay : 85
Hôm qua : 245
Tháng 12 : 4.090
Tháng trước : 9.325
Năm 2024 : 211.063
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.352.469