HƯNG YÊN GIÀU TRUYỀN THỐNG VÀ VĂN HIẾN

Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, là mảnh đất phù sa màu mỡ, đậm nét truyền thống văn hiến của nước ta.

1. Truyền thống thượng võ, yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm

Mở đầu trang sử chống xâm lăng của nhân dân Hưng Yên là chiến công của 3 chàng trai làng Thổ Hoàng (Ân Thi), của Hoàng An ở làng Phả Lễ (Văn Lâm) đã cùng Phù Đổng Thiên Vương đánh đuổi giặc Ân ở đời Hùng Vương thứ 6.

Năm 938, Ngô Quyền đóng đại bản doanh tại phố Vương (Phố Giác, huyện Tiên Lữ) chuẩn bị cho trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng nhằm đánh tan mưu đồ của nhà Hán, đã nhận được sự phối hợp tác chiến của tướng quân Phạm Bạch Hổ (Đằng Châu, nay thuộc thành phố Hưng Yên) và sự giúp đỡ của nhân dân các thôn Tiên Xá, Dị Chế (Tiên Lữ)…

Đền thờ Ngô Quyền, Tiên Lữ, Hưng Yên
 

Trong 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (1258, 1285, 1288), tướng quân Phạm Ngũ Lão (Phù Ủng, Ân Thi) đã lập nhiều chiến tích to lớn, bảo vệ vẹn toàn hoàng tộc nhà Trần trên sông Hoàng Giang; phòng tuyến Thiên Mạc, Hàm Tử, Đông Kết, Tây Kết đã góp phần chặn địch để vua Trần rút lui an toàn…

 

Trong phong trào cách mạng 1930 - 1945, nhiều người con Hưng Yên đã tự nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ lựa chọn: Tô Hiệu (Nghĩa Trụ - Văn Giang), Nguyễn Văn Linh (Giai Phạm - Yên Mỹ), Bùi Thị Cúc (Vân Du - Ân Thi)… Họ chính là hiện thân tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của mảnh đất và con người Hưng Yên...

Đội nữ du kích Hoàng Ngân
 

2. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài cho đất nước

Văn miếu Xích Đằng (Thành phố Hưng Yên) được xây dựng năm 1839 là một biểu tượng minh chứng cho truyền thống hiếu học của mảnh đất và con người Hưng Yên. Vùng đất địa linh nhân kiệt này là điểm sáng của truyền thống hiếu học, tinh thần ham học hỏi, nhất là về cử nghiệp và thi thư.

 

Hưng Yên thời nào cũng có nhân tài, nơi đâu cũng có người thành danh khoa bảng.Trong 845 năm Hán học, Hưng Yên có 228 người thi đỗ đại khoa được ghi danh ở bia Văn Miếu (thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên), trong đó có 8/53 trạng nguyên của cả nước.

Thực hiện Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ diệt “giặc dốt” Hưng Yên đã được Trung ương Đảng tặng thưởng Cờ “Dẫn đầu về bổ túc văn hóa”, Bác Hồ ký lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì về Bổ túc văn hóa.

Hưng Yên còn là địa danh tiêu biểu của phong trào thi đua “Hai tốt”, phong trào xây dựng tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa, có đóng góp quan trọng vào thành quả chung của nền giáo dục cách mạng nước nhà với những điển hình tiên tiến toàn quốc như: Trường Mầm non Tân Tiến (Văn Giang), Trường Mầm non Nhật Tân (Tiên Lữ), Trường Trung học cơ sở Trần Cao (Phù Cừ), Trường Trung học phổ thông Hưng Yên (Thành phố Hưng Yên)...

Mảnh đất Hưng Yên đã sinh dưỡng nhiều người con ưu tú tiêu biểu: Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người đề xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước.

Cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
 

Bên cạnh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là các văn nghệ sĩ, tướng lĩnh và trí thức lớn: Giáo sư Dương Quảng Hàm - nhà nghiên cứu Văn học đã đặt nền móng cho môn Lịch sử Văn học, nhà văn hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan, họa sĩ Tô Ngọc Vân (Văn Giang) nhà văn trào phúng Vũ Trọng Phụng (Mỹ Hào); nhà thơ tiên phong trong phong trào Thơ mới Phạm Huy Thông (Ân Thi), vị tướng huyền thoại Trung tướng Nguyễn Bình (Yên Mỹ) - Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực. Hàng năm, ngành Giáo dục đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng nhiều phần thưởng cao quý…

3. Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên

Ngoài trồng trọt là nghề chính, tại mảnh đất này, nhiều nghề đã ra đời như một minh chứng cho đức tính cần cù, sáng tạo của người Hưng Yên, như: Nghề đúc đồng ở làng Cầu Nôm, Đại Đồng (Văn Lâm); nghề làm tương ở Bần, Yên Nhân (Mỹ Hào); nghề đan thuyền Nội Lễ (Tiên Lữ); nghề nấu rượu Trương Xá (Kim Động); nghề trạm bạc Huệ Lai (Ân Thi)…

 

Hưng Yên còn điển hình về phong trào làm thủy lợi với tinh thần thi đua “Tiến quân làm thủy lợi” xuất hiện những nữ Anh hùng lao động như: Phạm Thị Vách (Kim Động), Vũ Thị Tỵ (Tiên Lữ)…

Anh hùng Lao động Vũ Thị Tỵ
 

4. Truyền thống đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, sống có nghĩa tình, thủy chung

Từ năm 1806 - 1898, với 92 năm đã có 39 năm đê vỡ, 10 năm hạn hán, 15 năm sâu dịch, riêng ở Hưng Yên đê Văn Giang vỡ 18 năm liền, đê Cửa Yên vỡ trong 6 năm liên tục… Từ năm 1905 - 1945, đê sông Hồng vỡ 10 lần, trong đó trận lụt lớn xảy ra vào năm 1915, một nửa lượng nước sông Hồng đổ vào 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, khiến cho ruộng đồng, làng mạc bị tàn phá nặng nề. Năm 1923, vụ lúa chiêm ở Bắc Kỳ bị hạn hán tiêu khô quá nửa, đến khi sắp được thu hoạch lại gặp mưa lụt. Tháng 9 - 10/1937, nạn lụt Đinh Sửu đã nhấn chìm 38.000 mẫu ruộng, làm cho hàng trăm ngàn người trở nên đói rách…

Chính quá trình đó đã buộc người dân phải sống đoàn kết, gắn bó, sống có nghĩa tình. Trong đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng khi vừa giành được chính quyền (1945), thực hiện Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”, nhân dân Hưng Yên đã tự nguyện nhịn bữa, bớt ăn, san sẻ thóc, gạo, ngô, khoai trợ giúp đồng bào cứu đói. Tình người của mảnh đất nơi đây còn được thể hiện rất sâu đậm trong lửa đạn chiến tranh của hai cuộc kháng chiến: Ngoài việc bảo đảm lương thực, Hưng Yên đã tiếp tế 300 tấn gạo cho Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn và một số thóc cho Trung Bộ năm 1946; đồng thời cũng đã chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

5. Truyền thống đoàn kết, hòa nhập với thiên nhiên chế ngự thiên tai, địch họa, dựng xây quê hương đất nước

Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải là công trình mang dấu ấn lịch sử không chỉ tiêu biểu cho ngành thuỷ lợi của miền Bắc, mà còn là của cả đất nước. Đây là một hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều nhằm phục vụ việc tưới tiêu và thoát úng nước cho một vùng tứ giác có diện tích tự nhiên gần 214.932 ha. Đây là công trình trị thủy đầu tiên của miền Bắc nước ta, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. 

Vị trí của Phố Hiến có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các tuyến giao thông đường thuỷ thuộc hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vào giai đoạn phát triển cực thịnh, phố Hiến Hưng Yên là trung tâm giao thương, buôn bán với nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Pháp, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Anh,… Theo ước tính đã có khoảng 2000 ngôi nhà được xây dựng và hình thành khoảng hơn 20 phường để làm ăn, buôn bán. Ngày nay bóng dáng về một thương cảng nổi tiếng tấp nập người mua kẻ bán đã không còn nhưng những giá trị về văn hóa và kiến trúc vẫn luôn được bảo tồn nguyên vẹn. 

Nhìn lại tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong đó có sức trỗi dậy của mảnh đất và con người Hưng Yên với chặng đường 190 năm qua, chúng ta thêm tự hào về những giá trị tinh thần và đặc điểm nhân cách con người Việt Nam. Các thế hệ dân tộc Việt Nam, trong đó có con người Hưng Yên đã gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Thế hệ trẻ Hưng Yên cần nhận thức sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Hưng Yên văn hiến; từ đó tự trau dồi bản lĩnh, đóng góp tài năng và trí lực để xây dựng quê hương ngày càng trở nên giàu đẹp, văn minh. 

Người viết: Quách Thị Linh Linh - Lớp 10A4

 

Tác giả: Quách Thị Linh Linh – Lớp 10A4 (2021-2022)
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 8
Hôm qua : 296
Tháng 01 : 1.809
Tháng trước : 4.647
Năm 2025 : 1.809
Năm trước : 211.620
Tổng số : 2.354.835