BÀI TẬP TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ LĨNH VỰC ĐỊA LÍ THÁNG 09 NĂM 2019

Tác giả nhóm học sinh lớp 10A5 Trường THPT Tiên Lữ:  

1. Đoàn  Duy  Long - Nhóm trưởng

2. Bùi Quang Đăng  - Thành viên

Hình ảnh đường đi từ Trường THPT Tiên Lữ đế khu nhà tưởng niệm cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh

 

Vị Trí Nhà tưởng niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tọa lạc ở xóm Cả, làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên)
 

Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc (từ 01 tháng 7 năm 1914 đến 27 tháng 4 năm 1998) sinh sống tại Thôn Yên Phú (Bần), xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên. Ông xuất thân trong một gia đình công chức, cha là Nguyễn Đức Lan, mẹ là Nguyễn Thị Nghiêm. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là vị Tổng Bí thư mà tên tuổi gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới hôm nay. Thời gian trôi đi, vật đổi sao dời, nhưng hình ảnh cố Tống bí thư  Nguyễn Văn Linh vẫn in đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Với những cống hiến lớn lao suốt cuộc đời cho đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã dành tình cảm, sự tri ân đặc biệt đối với ông. Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chủ trương xây dựng nhà tưởng niệm ông ngay trên khu đất xưa của gia đình tại Xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Khu tưởng niệm khánh thành 17/9/2004, 2015 được nâng cấp, tu bổ. Hiện tổng diện tích rộng 4.685m2, bao gồm các hạng mục: nhà dâng hương, nhà trưng bày lưu niệm, nhà sắp lễ,… Công trình được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà thờ truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Hạng mục chính là Nhà tưởng niệm 5 gian, diện tích 254m2, tường xây, kết cấu mái gỗ lim, cửa thượng song hạ bản. Gian giữa đặt ban thờ Tống Bí thư Nguyễn Văn Linh, gian phải là ban thờ gia tiên, gian trái là ban thờ thổ công, phía trên là bức hoành phi cùng câu đối ca ngợi công đức của ông đối với đất nước.

Khuôn viên khu nhà tưởng niệm cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh

 

Ban thờ cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh tại khu nhà tưởng niệm
 

Ông là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1986 đến 1991. Thời kỳ là Tổng Bí thư, ông nổi tiếng với bút danh N.V.L. (sau này ông cho biết đó là "Nói Và Làm") với một loạt những bài báo trong chuyên mụcNhững việc cần làm ngay trên báo Nhân dân bàn về những việc cần phải chấn chỉnh trong xã hội. Ông được xem là người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo thực hiện cho đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn, làm thay đổi cả diện mạo đất nước và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Những thành tựu đó có công đóng góp đặc biệt quan trọng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - "nhạc trưởng" trong công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam từ giữa thập kỷ 80 của thế kỉ XX.

Vào giữa những năm 80 của thế kỷ XX, trên cương vị là Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Nguyễn Văn Linh là người đã "bật đèn xanh" cho thành phố Hồ Chí Minh "xé rào" đổi mới với quyết định được xem là táo bạo lúc bấy giời. Đó là xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thí điểm đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước. Đây là những bước đột phá đầu tiên mặc dù chưa hoàn thiện nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý cũ. Dù bị nhiều người phê phán, cho rằng thành phố chạy theo cơ chế thị trường nhưng ông vẫn kiên định với cách làm này.

Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng cho biết: "Sau ngày đất nước thống nhất, với cương vị là Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông luôn trăn trở cùng các vị lãnh đạo thành phố tìm tòi các biện pháp đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, khuyến khích, cổ vũ những người dũng cảm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”. Ông nói: "Khi thấy mình đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm. Đổi mới là cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để, đổi mới tư duy, đổi mới chính sách, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ. Người lãnh đạo mà bảo thủ, sai lầm, không chấp nhận đổi mới thật sự thì không thể lãnh đạo được."

Từ kinh nghiệm qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổng kết thực tiễn tại thành phố Hồ Chí Minh, trong nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư từ năm 1986 - 1991, Nguyễn Văn Linh đã góp phần có ý nghĩa quyết định làm xoay chuyển tình thế, mở đường cho sự nghiệp đổi mới tiến lên. Nhằm khắc phục những bất cập, lạc hậu của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp của Việt Nam, ông đã đưa ra những ý tưởng mới, quan niệm mới, cách làm mới, mở ra công cuộc đổi mới - bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử cho cách mạng Việt Nam.

Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng khẳng định: "Với trọng trách là Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu đổi mới, ông đã lãnh đạo triển khai thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới mà Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra. Đặc biệt, trong bối cảnh các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên xô tan rã, Việt Nam bị bao vây cấm vận, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra nghiêm trọng, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo vượt qua mọi khó khăn, kiên trì đổi mới theo định hướng Xã hội chủ nghĩa với những bước đi và cách làm phù hợp hoàn cảnh của Việt Nam. Công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được thành tựu quan trọng, kinh tế xã hội phát triển, quốc phòng an ninh được tăng cường, củng cố, đời sống của nhân dân được cải thiện, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao."

Được xem là người khởi xướng công cuộc đổi mới của đất nước, nhưng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn khẳng đinh chính nhân dân là những “kiến trúc sư” giúp Đảng có sự đột phá về tư duy đổi mới từ Đại hội VI của Đảng. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói: “Nghị quyết Đại hội VI của Đảng sở dĩ được hoàn thiện như dưới hình thức hiện nay, chính vì là tác phẩm của toàn Đảng và toàn dân”. Luôn coi nhân dân là hạt nhân, là chủ thể của công cuộc đổi mới, bởi vậy suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông luôn hòa mình với nhân dân, lắng nghe, thấu hiểu và làm mọi việc vì dân, tất cả nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân.

Hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và phu nhân Ngô Thị Huệ phải sống cảnh người Bắc, kẻ Nam trong một thời gian dài 50 năm. (Ảnh: Thư viện quốc gia)
 

Trong quá trình công tác, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dành nhiều thời gian về các địa phương, cơ sở, đến thăm công nhân hầm lò, công trường, nông trường, quân khu …. Từ những chuyến đi khảo sát thực tiễn, những ý tưởng mới, giải pháp mới, sát thực tiễn được ông đề xuất với Đảng, Nhà nước trong hoạch định các chủ trương, chính sách, nhằm ổn định nhanh chóng tình hình kinh tế - xã hội và phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

Ông Nguyễn Văn Tường, nguyên cán bộ Ban Tổ chức cán bộ và Ủy ban Kiểm tra, thành ủy Hà Nội, cho rằng: "Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để lại nhiều dấu ấn mở đầu cho chương trình đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng như công cuộc đổi mới mà ông là một trong những người khởi xướng ra, đến ngày nay, vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đang hội nhập sâu và toàn diện trên các lĩnh vực với thế giới thì đó là điều để nhắc nhở chúng ta rằng khi chúng ta tiến hành hội nhập với thế giới, xây dựng kinh tế đất nước, thì cần thiết phải có sự cải tiến, cần thiết phải có sự đổi mới thì mới đem lại kết quả."

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng công cuộc đổi mới đất nước là một tiến trình cách mạng, cũng là áp lực, đòi hỏi của đời sống. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh xuất hiện trong thời điểm lịch sử ấy. Ở cương vị của mình, ông đã đảm nhận nhiệm vụ và thiết kế công cuộc đổi mới cho đất nước, để lại di sản cho các thế hệ mai sau. Tôn vinh những đóng góp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không chỉ là tôn vinh một con người mà còn cần phải phát huy giá trị của con người ấy vào đời sống ngày hôm nay.

Đền thờ cố tổng bí Thư Nguyễn Văn Linh là một trong nhứng ngôi chùa đẹp nhất ở Hưng Yên chúng ta. Ngôi đền thờ  một vị anh hùng của chính trị  Việt Nam - Là địa điểm du lịch lý tưởng của du khách đến với tỉnh Hưng Yên

Một số hình ảnh tư liệu từ chuyến học tập trải nghiệm tại khu nhà tưởng niệm cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh:

 

 

 

 

 

Sau chuyến trải nghiệm, chúng em đều mang trong mình một niềm tự hào về mảnh đất Hưng Yên, một tỉnh nhỏ nhưng lại không thiếu những người tài đức. Chúng em tự nhủ rằng mình phải học tập nhiều hơn nữa, tu dưỡng đạo đức tốt hơn nữa để trở thành những công dân tốt để tiếp nối các thế hệ trước, làm rạng danh mảnh đất Hưng Yên.

Em xin thay mặt các bạn học sinh được cảm ơn bố mẹ, Ban Giám Hiệu nhà trường và thầy cô đã tổ chức cho chúng em chuyến đi học tập trải nghiệm thực tế sinh động và nhiều bổ ích này!

 

Tác giả: Nhóm học sinh lớp 10A5
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 27
Hôm nay : 166
Hôm qua : 241
Tháng 12 : 3.413
Tháng trước : 9.325
Năm 2024 : 210.386
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.351.792