PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP MÔN NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Các bạn thân mến!

Nhà văn M. Gorki cho rằng: “Văn học là nhân học”. Học Văn giúp chúng ta tích lũy được kinh nghiệm vốn sống, làm phong phú thêm ngôn ngữ của tiếng Việt. Mục tiêu cuối cùng là giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách, biết đồng cảm yêu thương. Có lẽ vì lí do đó mà môn Ngữ văn chiếm số lượng tiết học khá nhiều trong chương trình của toàn cấp học và là môn thi bắt buộc trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa tìm ra phương pháp học hiệu quả và gặp nhiều khó khăn khi học bộ môn khoa học xã hội này.

Đối với bản thân tôi đã có lúc từng nghĩ mình không học được môn Ngữ văn vì cho rằng rất khó. Thế rồi, qua một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, tôi đã tìm được cho mình phương pháp học môn tập môn Ngữ văn rất hiệu quả.

Để giúp các bạn học tốt hơn môn Ngữ văn ở trường THPT, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm của mình.

1. Dành nhiều thời gian hơn cho môn học

Dành nhiều thời gian hơn cho môn học để đọc các tác phẩm văn học, đọc những bài văn tham khảo… Việc đọc sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc cảm thụ tác phẩm cũng như giúp các bạn trau dồi về từ vựng, về ngữ pháp, về khả năng biểu đạt ý nghĩ, cảm xúc.

2. Soạn bài trước khi đến lớp

Tôi thường đọc và soạn bài trước khi đến lớp, đối với những văn bản có nhiều yếu tố Hán Việt hay nước ngoài, tôi sẽ dựa vào phần chú thích để hiểu rõ văn bản. Đọc văn bản xong, tôi sẽ trả lời những câu hỏi ở phần hướng dẫn học bài, ghi đầy đủ vào vở soạn văn.

Sau đó, viết ra những gì mình nghĩ, mình cảm nhận. Hình thức thông thường để tự luyện viết đó là soạn bài ở nhà trước khi đến lớp. Hãy từ bỏ thói quen chép lại từ sách Học tốt. Thông qua việc đọc sách Học tốt để tham khảo, các bạn hãy biết lấy đó làm cơ sở để liên hệ với những cảm nhận của riêng mình rồi trình bày bài soạn – câu trả lời theo cách của mình.

3. Lắng nghe giáo viên giảng bài

Ở trên lớp, tôi thường chú ý nghe giảng, hợp tác cùng giáo viên, cùng bạn bè trong các giờ học Ngữ văn. Hình thành thói quen lắng nghe, suy nghĩ, cảm nhận và trình bày. Không chỉ có vậy, tôi sẽ ghi lại những câu văn hay hoặc phần kiến thức mở rộng mà giáo viên đề cập liên quan đến bài học để vận dụng vào bài viết của mình.

4. Ôn lại kiến thức khi ở nhà

Tôi sẽ ôn lại hết những kiến thức đã được học trên lớp; chủ động hệ thống hóa kiến thức bằng cách kẻ bảng thống kê cho từng nội dung bài học hoặc vẽ sơ đồ tư duy để ghi nhớ kiến thức. Như vậy chỉ cần 30 phút buổi tối, tôi có thể ghi nhớ toàn bộ kiến thức cho mỗi bài học.

Ngoài việc đọc, học, viết những gì thuộc về chương trình SGK, hãy đọc, học và viết về những gì có trong cuộc sống. Việc làm này sẽ giúp các bạn giàu thêm về tâm hồn, về tri thức cũng như về kĩ năng.

Mỗi chúng ta nên nhớ rằng “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” (Lỗ Tấn). Mình tin rằng với sự chuyên cần, chăm chỉ, chú ý nghe giảng, có kế hoạch tự học phù hợp thì việc học môn Ngữ văn sẽ trở nên đơn giản hơn.

Chúc các bạn thành công!

Vũ Thị Hồng Nhung - Thành viên CLB Học tập

Tác giả: Vũ Thị Hồng Nhung – Lớp 10A12
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 6
Hôm qua : 418
Tháng 11 : 6.771
Tháng trước : 10.696
Năm 2024 : 204.419
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.345.825