TRƯỜNG THPT TIÊN LỮ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN CHO HỌC SINH QUA HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP, TRẢI NGHIỆM
Căn cứ vào nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, vào Nghị quyết của ban đại diện cha mẹ học sinh, ngay từ đầu tháng 9 trường THPT Tiên Lữ đã xây dựng kế hoạch hoạt động học tập, trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh khối 10 tại Khu tưởng niệm cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (Yên Mĩ - Hưng Yên), Chùa Phật Tích và đền Đô (Từ Sơn - Bắc Ninh).
Hoạt động học tập, trải nghiệm sáng tạo là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Đây cũng được coi là phương pháp thật sự ưu việt cho sự phát triển năng lực sáng tạo, giúp người học tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành các kĩ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân. Hầu hết học sinh khi được học tập ở hình thức này đều tỏ ra thích thú, hứng khởi. Các em có cơ hội được thể hiện rõ năng lực của mình qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo trong các môn học. Nhằm đáp ứng yêu cầu, xu thế đổi mới toàn diện giáo dục, trường THPT Tiên Lữ từ nhiều năm nay đã đưa hoạt động học tập, trải nghiệm thành nhiệm vụ giáo dục trong mỗi năm học. Tiếp nối thành công của hoạt động có ý nghĩa này, năm học 2019 - 2020 nhà trường đã sớm lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch học tập, trải nghiệm cho các em học sinh toàn trường. Khởi đầu của kế hoạch, ngày 26/09/2019 là hoạt động học tập, trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh khối 10 tại Khu tưởng niệm cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (Yên Mĩ - Hưng Yên), chùa Phật Tích và đền Đô (Từ Sơn - Bắc Ninh).
Điểm đầu tiên đoàn đến thăm quan là Khu tưởng niệm cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Khu nhà tưởng niệm được xây dựng trên nền đất cũ của gia đình cố Tổng Bí thư tại làng Yên Phú, xã Giai Phạm (huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Với tổng diện tích 2.000m2, công trình gồm có các hạng mục chính: nhà tưởng niệm 5 gian, tường xây, kết cấu mái gỗ lim; nhà quản lý bảo vệ và hệ thống các công trình phụ trợ: cầu, đường vào, tường bao, sân vườn. Bên trong nhà tưởng niệm trưng bày nhiều hiện vật và ảnh tư liệu giới thiệu thân thế, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; tình cảm của đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đối với cố Tổng Bí thư.
Trong nhà tưởng niệm, trên bàn thờ là pho tượng đồng chí Nguyễn Văn Linh đúc bằng đồng do Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tặng. Bên trên là bức đại tự đề 4 chữ Hưng Quốc An Dân; hai bên khán thờ là câu đối: Đuổi giặc thù muôn bước gian nan, Tổ quốc ghi công người cộng sản - Giúp dân nước ngàn năm giàu mạnh, quê hương tưởng nhớ đức anh linh. Nơi đây, không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật quý báu về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ sau thực hiện sự nghiệp đổi mới và sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như lúc sinh thời, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng và quyết tâm thực hiện. Đoàn giáo viên và học sinh trường THPT Tiên Lữ khi về dâng hương, tưởng nhớ đã bày tỏ lòng kính trọng, tự hào, tri ân đối với người con ưu tú của dân tộc và quê hương Hưng Yên.
Sau đó, đoàn lên xe tiếp tục hành trình sang thăm Chùa Phật Tích - ngôi chùa có lịch sử gần một nghìn năm, từng là trung tâm văn hóa Đại Việt ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây các em được tham quan quần thể di tích chùa Phật Tích, chiêm ngưỡng những cổ vật điêu khắc thời Lý đó là: 5 cặp tượng linh thú bằng đá lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, đoàn được chiêm ngưỡng pho tượng đức phật A DI ĐÀ cao 1.85m - là một kiệt tác điêu khắc bằng đá ở thời Lý. Đến Phật Tích vãn cảnh chùa, được tận mắt chứng kiến thành tựu nghệ thuật điêu khắc, các em thể hiện lòng kính phục người đời xưa, thấy tự hào trước những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là hành trình tìm về cội nguồn văn hóa, lịch sử dân tộc tại đền Đô - còn gọi là Đền Lý Bát Đế tại làng Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ tám vị vua của nhà Lý. Tại sân Rồng của đền Đô, đoàn đã thành kính làm lễ dâng hương lên 8 vị tiên vương nhà Lý. Thay mặt ban quản lí khu di tích, cô hướng dẫn viên đã giới thiệu cụ thể, chi tiết về quần thể di tích đền Đô, về triều đại nhà Lý - một trong những triều đại phát triển hưng thịnh và giữ vững được chính quyền suốt hơn 200 năm trong lịch sử phong kiến Việt Nam.Tham quan khu di tích, các em có cơ hội tìm hiểu kĩ hơn về các văn bản văn học trong chương trình môn Ngữ văn như: Sông núi nước Nam (Lý Thường Kiệt), Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn). Khi được nghe giới thiêu về khu di tích, các em học sinh chăm chú lắng nghe, bạn thì ghi chép, bạn thì quay phim, chụp ảnh, vừa là trang bị kiến thức cho bản thân, vừa là tư liệu để viết bài thu hoạch, xây dựng đề cương để hoàn thành dự án học tập của bộ môn Lịch sử và Địa lí mà các thầy, cô giáo đã giao nhiệm vụ trước chuyến đi. Qua đây, các em hiểu hơn về một di tích lịch sử, một giai đoạn lịch sử hào hùng, đầy ý nghĩa của dân tộc. Tình yêu quê hương, đất nước, sự trân trọng những giá trị lịch sử, những thắng cảnh của non sông Việt Nam được bồi đắp từ những hành trình như thế. Bên cạnh đó, thông qua trải nghiệm thực tế, học sinh còn được học tập tương tác, phát triển các năng lực nhận thức, năng lực hợp tác và năng lực sáng tạo...
Sau khi tìm hiểu, tham quan kĩ lưỡng quần thể di tích đền Đô, các em tham gia chương trình Trò chơi tập thể do công ty Du lịch tổ chức. Các em tỏ ra hào hứng và thích thú khi được tham gia, các trò chơi không chỉ giúp vận động, giải trí mà còn luyện cho học sinh kỹ năng làm việc tập thể, đoàn kết, phân chia công việc, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Khi tham gia các trò chơi, khác với tính cách nhút nhát, rụt rè hàng ngày các em trở nên nhanh nhẹn, thông minh, sáng tạo, mạnh dạn và tự tin hơn. Chương trình trò chơi chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã mang lại hiệu quả lớn khi mang đến những tiếng cười thực sự thoải mái, tạo nên những khoảnh khắc ý nghĩa, là một sợi dây liên kết khiến các thành viên hiểu nhau hơn. Đây có lẽ cũng là ý tưởng của Ban giám hiệu khi quyết định để học sinh khối 10 tham gia hoạt động học tập, trải nghiệm đầu tiên của năm học, bởi lẽ các em mới gặp nhau, học cùng nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi.Với mong muốn sau chuyến đi, mỗi lớp sẽ trở thành một tập thể đoàn kết, các thành viên sẽ gắn kết, yêu thương nhau hơn. Và đây cũng là một kết thúc đẹp cho chuyến đi học tập, trải nghiệm thành công của thầy và trò trường THPT Tiên Lữ.
Để làm nên thành công của chuyến đi, hành trình tìm về cội nguồn văn hóa, lịch sử dân tộc của học sinh khối 10 trường THPT Tiên Lữ ngày 26/09/2019, là sự chỉ đạo sâu sát của Ban giám hiệu, Ban chuyên môn, các cô giáo chủ nhiệm và đặc biệt là sự ủng hộ hợp tác tích cực về tinh thần, vật chất từ phía các bậc phụ huynh học sinh. Từ hiệu quả của những chuyến đi học tập, trải nghiệm như thế, các em học sinh trên hành trình trở về đã lại chờ đợi những hành trình, chuyến đi hấp dẫn thú vị tiếp theo.
Một số hình ảnh trong buổi hoạt động học tập, trải nghiệm
Phan Thị Thoan