Lớp 10A11 với tiết học STEM trực tuyến
Do tình hình dịch bệnh Covid–19 đầu năm 2021 có nhiều diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên ban hành Công văn số 213/SGDĐT-CNTT-GDCN ngày 16/02/2021 về việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học và tổ chức dạy học trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Thực hiện Công văn chỉ đạo trên, Ban Giám hiệu, Ban Chuyên môn trường THPT Tiên Lữ đã triển khai việc dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn dạy học trực tiếp. Quá trình dạy và học trực tuyến gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần quyết tâm vượt mọi khó khăn để duy trì nền nếp dạy và học của thày và trò trường THPT Tiên Lữ đã mang lại những kết quả tích cực.
Trong tiết học trực tuyến tiết 3, chiều Thứ 6, ngày 26/02/2012, cô giáo An Thị Huyền – giáo viên giảng dạy môn Công nghệ đã hướng dẫn học sinh lớp 10A11 báo cáo sản phẩm với chủ đề STEM: “Trồng và thiết kế chậu cây cảnh, chậu cây thủy canh từ rác tái chế”. Tiết học này đã mang đến nhiều hứng thú cho các bạn học sinh, ai cũng cố gắng áp dụng linh hoạt những kiến thức đã được học của các môn học vào thực hành, tự tay làm ra những sản phẩm cho riêng mình với mong muốn được chia sẻ với cô giáo và các bạn trong lớp.
Các bạn đã tạo ra rất nhiều sản phẩm. Những chậu cây được làm từ rác tái chế, từ những vật liệu đơn giản như: lon nước, chai nước, hộp xốp, ống nhựa… là những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi mà rất hữu ích. Đã có rất nhiều ý tưởng hay như: Sử dụng hộp xốp cũ đã qua sử dụng, đục lỗ vừa với kích thước của của cây mình định trồng trên một nửa của hộp xốp, nửa còn lại chứa nước và dinh dưỡng cho cây. Vật liệu trồng được lựa chọn thực hành là củ hành. Đối với củ hành, cắt bỏ rễ khô và cắt một phần nhỏ ở đầu mỗi củ, sau đó đặt vào những lỗ đã đục. Việc còn lại là đợi khoảng một đến hai tuần với hành khô và chỉ vài ngày với hành tươi mầm mới sẽ phát triển.
Hay việc sử dụng chai nhựa đã qua sử dụng để làm chậu cây cũng rất đơn giản. Chỉ cần cắt bỏ phần nắp chai, đục lỗ để cây thoát nước dưới đáy chai, và trang trí phần thân như ý muốn. Sau cùng là lấy đất và trồng cây vào đó.
Dưới đây là hình ảnh về một số sản phẩm được báo cáo trong tiết học với chủ đề STEM: “Trồng và thiết kế chậu cây cảnh, chậu cây thủy canh từ rác tái chế” của học sinh lớp 10A11
Các bạn thấy đó, chúng ta chỉ cần bỏ ra một chút thời gian với những bước rất đơn giản là đã có thể tạo ra một sản phẩm thân thiện với môi trường rồi. Những sản phẩm trên đây mặc dù còn đơn giản và có thể chưa được đẹp mắt, tuy nhiên nó là thành quả của việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn của các bạn học sinh. Hơn nữa, các sản phẩm trên còn góp phần bảo vệ môi trường. Xét về tính thẩm mỹ, sản phẩm của các bạn có thể kém hơn so với các sản phẩm chậu nhựa ở ngoài thị trường, nhưng chúng mang tính giáo dục cao hơn.
Tiết học chủ đề STEM môn Công nghệ không chỉ tạo ra những sản phẩm phục vụ cho mục đích học tập mà còn giúp bảo vệ môi trường. Tái chế những vật liệu cũ thành những sản phẩm trang trí thân thiện, không tốn kém, góp một phần nhỏ trong việc hạn chế xả rác ra môi trường. Vì vậy, khi bạn có một vật dụng nào đó không sử dụng nữa, đừng vội vứt nó đi mà hãy tái chế nó làm ra một sản phẩm mới phục vụ cho chính bản thân mình, cảm giác sẽ rất thú vị. Chúc bạn thành công!
Bài và ảnh: Lương Thị Phương Nhung - Lớp 10A11