KỶ NIỆM 131 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn!

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn của thế giới. Cả cuộc đời của Người là tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, về phẩm chất, phong cách sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản, luôn lo trước nỗi lo của nhân dân, vui sau niềm vui của nhân dân. Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người có sức cổ vũ, động viên và cảm hóa hết sức lớn lao không chỉ đối với mỗi người dân Việt Nam mà cả đối với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Sự cảm nhận của mỗi người về cuộc đời, về sự nghiệp, về hành động và tư tưởng của Bác là khác nhau để từ đó tự rút ra cho mình những bài học, những kinh nghiệm quý báu trong quá trình học tập, công tác cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Cứ mỗi năm vào dịp tháng năm về, toàn dân tộc Viêt Nam, cả kiều bào ta ở nước ngoài, cùng với nhiều học giả và bạn bè quốc tế lại có dịp nhắc tới vị lãnh tụ kiệt xuất Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta với tấm lòng kính yêu và khâm phục.

Hồ Chí Minh được sinh ra trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống hiếu học và yêu nước. Từ tuổi ấu thơ đã phải chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân chịu hai tròng áp bức của thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn nên ở Người đã sớm hình thành tư tưởng căm ghét chế độ thực dân, phong kiến. Đến khi trưởng thành, xuất dương bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, hành trang mà Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước rất đơn giản, chỉ vài bộ quần áo, ít sách vở học sinh và chiếc vali nhỏ, nhưng về tinh thần Người đã chuẩn bị đầy ắp trong đầu, đó là những hiểu biết về ngôn ngữ tiếng Pháp, những nhận thức về tình hình chính trị, xã hội, kinh tế Việt Nam dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp.

Sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để dân tộc giành được độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn nhiều lần. Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc - Nguyễn Ái Quốc. Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười mở ra, Người đã khám phá ra chân lý “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Năm 1917, Nguyễn Ái Quốc trở về Pháp, sống ở Paris, tham gia những hoạt động của Đảng xã hội Pháp, tham gia trong hoạt động của những người yêu nước Việt Nam tại Pháp và đặc biệt, khi tiếp cận được với Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa thì đích Người cần tìm đã đạt được. Luận cương của Lê-nin đã chỉ ra những điều mà Người đang tìm, tức là chỉ có chủ nghĩa xã hội, chỉ có cách mạng vô sản mới là con đường giải phóng chúng ta. Sau 30 năm bôn ba, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin, thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử của xã hội Việt Nam, trở thành quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đó chính là "Đường kách mệnh" cho dân tộc ta mà Người đã chọn. Thực tế lịch sử đã chứng minh sự lựa chọn đó là sự lựa chọn lịch sử, sự lựa chọn duy nhất đúng, không thể có sự lựa chọn thứ hai.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh nhật Bác, chúng ta nhớ lại hình ảnh Người Chủ tịch kính yêu của dân tộc Việt Nam, một con người suốt đời chỉ lo cho dân, cho nước. Người tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người là hiện thân của khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, hạnh phúc cho con người, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”. Nhớ về Bác ta nhớ những lời dạy của Bác về trung thực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về tinh thần tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; về phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...

Nhớ Bác thiết tha với lòng biết ơn vô hạn, ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của Người trong dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác, đây là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn, tấm gương mẫu mực để học và làm theo Người - Bác Hồ Chí Minh kính yêu; nhớ Bác, yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn.

                                                                                                                  

Người viết: Vũ Thị Phượng - Học sinh lớp 10A1

Tác giả: Vũ Thị Phượng - Lớp 10A1
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 12
Hôm nay : 116
Hôm qua : 327
Tháng 11 : 7.208
Tháng trước : 10.696
Năm 2024 : 204.856
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.346.262