Bài viết hưởng ứng tuần chủ đề về cha mẹ

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Mỗi lần đọc bài ca dao trên ta lại xúc động và thấm thía khi nghĩ về công lao trời biển của cha mẹ. Ta biết ơn cha mẹ vì cha mẹ đã cho ta hình hài, sự sống.  Từ thuở ta còn đang là giọt máu đỏ tươi trong bào thai, cha mẹ đã dành cho ta sự thương yêu, nâng niu. Khi ta cất tiếng khóc chào đời, cha mẹ cũng chính là người hạnh phúc nhất. Cha mẹ và con cái chính là mối quan hệ huyết thống chặt chẽ. Có thể nói rằng, trong quá trình trưởng thành của nhiều người, cha mẹ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Cha mẹ không đơn thuần chỉ là người lo lắng và dạy dỗ cho chúng ta nữa, mà cha mẹ còn là người bạn, chia sẻ, cảm thông và lắng nghe chúng ta. Tôi tin chắc, khoảnh khắc bạn hé đôi môi chào nhân gian cũng chính là phút giây cha mẹ bạn mãi mãi chẳng bao giờ quên. Khi bạn chập chững tập đi, cha là người nâng bước bạn. Khi bạn bi bô tập nói, mẹ là người lắng nghe đầu tiên. Rồi khi bạn trưởng thành, cha là người dẫn bước để bạn không lạc lối, mẹ là người luôn an ủi, động viên.

Như mọi người biết, thông thường tình cảm bắt nguồn từ các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Riêng tình cảm cha mẹ đối với con cái là do được khơi dậy từ tình yêu thương tự nhiên. Nó được xuất phát và diễn biến một cách hết sức tự nhiên. Tình thương của cha mẹ đối với con cái là sự tự nguyện hi sinh không điều kiện. Bằng chứng là nó không hề bắt đầu từ một hình thức "hợp đồng" hay "giao kèo" để ấn định sự lời lỗ giữa hai bên cha mẹ và con cái. Con cái bất luận là trai hay gái, bình thường hay mang dị tật, cha mẹ đều yêu thương, nuôi dưỡng, không ngại ngùng công lao cực khổ và tính toán với con cái. Chính vì thế, tình cảm cha – mẹ - con cái và ngược lại, đạo làm con đối với cha mẹ là quan hệ "máu mủ ruột rà", có ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó nhất của con người. Nó là nền tảng để xây dựng những mối quan hệ tình cảm khác trong xã hội chúng ta.


Những người con bao giờ cũng cố gắng làm tròn đạo hiếu với tất cả niềm kính trọng và thương yêu các đấng sinh thành của mình. Thuở bé, ai cũng mong muốn mình chăm ngoan, học tốt để cha mẹ vui lòng, để bản thân hãnh diện. Mỗi lúc vui, buồn, người mà bạn muốn san sẻ nhất chính là mẹ cha. Theo thời gian, cha mẹ của bạn sẽ già yếu. Gương mặt những người con đầy lắng lo, sợ một ngày cha mẹ rời xa mình.

Tôi bỗng nghĩ đến truyện cổ tích “Chuyện cây táo”. Cây táo bao năm hi sinh cho cậu bé mọi thứ. Cho đến một ngày, cây táo nọ chỉ còn trơ lại cái gốc già cằn cỗi. Cậu bé thuở xưa giờ cũng đã mỏi mệt với cuộc đời nên chỉ mong được về bên gốc táo. Gốc táo sẵn sàng đón chờ cậu về nghỉ ngơi. Câu chuyện chính là hiện thân hoàn hảo cho tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ - con cái, gắn kết và thương yêu.

Nhưng đối với một số người, đặc biệt là những bạn trẻ đã thấm nhuần vào mình tư tưởng của xã hội phương Tây, thì họ khát khao cho mình một cuộc sống độc lập và tự chủ, rời xa vòng tay bố mẹ, họ đam mê sự tự do tột độ. Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, chính là sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình, mối quan hệ ấy được hình thành từ sự yêu thương và chăm sóc giữa mọi người trong gia đình dành cho nhau, hay đặc biệt là bố mẹ dành cho con cái, nó cho phép bố mẹ và con cái cảm thông, thương yêu và giúp đỡ nhau. Mối quan hệ độc lập giữa hai thế hệ, là một mối quan hệ mà những đứa con sẽ tự xây dựng cuộc sống của mình, sống độc lập không trông cậy nhiều vào bố mẹ nhưng vẫn không mất đi tình thương. Mối quan hệ độc lập như thế có thể rèn luyện cho các bạn tính tự lập và một ý chí kiên cường khi đối diện với khó khăn, thử thách. Bố mẹ và con cái có mối quan hệ tách biệt như vậy thì đứa con có thể trưởng thành sớm, tự tích lũy cho mình kinh nghiệm và trở nên dày dặn hơn ở đời. Đồng thời, cách sống như vậy cũng có thể làm giảm tránh đi xung đột thế hệ, khi mà khoảng cách giữa thế hệ bố mẹ và con cái là quá xa nhau. Đó chính là lý do vì sao con cái và bố mẹ ngày nay hình thành mối quan hệ độc lập như vậy! Nhiều bạn trẻ ngày nay đã thành công khi tách ra sống tự lập để theo đuổi ước mơ, đam mê của bản thân mình.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày nay trong một số gia đình vẫn còn lỏng lẻo vì sự thiếu quan tâm, thiếu chia sẻ, hay cha mẹ áp đặt con cái quá mức. Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cha mẹ và con cái đều mải mê công việc, ít có thời gian cho nhau nên khoảng cách thế hệ ngày càng xa hơn. Đó cũng là nguyên nhân mà nhiều bạn trẻ rơi vào tệ nạn xã hội mà gia đình không biết hay sự bất hiếu, bất lương xảy ra triền miên. Cuộc sống hiện nay lại tồn tại không ít những người mang trong mình dòng máu vô cảm. Người mẹ sẵn sàng ném con còn đỏ hỏn từ tầng cao, người cha sẵn sàng cưỡng bức đứa con gái dại thơ. Ở đâu đó, tiếng khóc van xin của con trẻ vẫn văng vẳng vang lên khi bị chính những người sinh ra mình tra tấn thể xác và tinh thần. Chao ôi! Thật đáng buồn thay! Và còn buồn hơn khi những đứa con bất hiếu sẵn sàng lăng mạ hay giết hại chính người sinh ra mình.

Vậy muốn  thực tế đau xót như trên không thể xảy ra thì chúng ta phải làm gì? Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc tới con cái. Cha mẹ nên có sự  định hướng cho tương lai của con. Và ngược lại, con cái cũng phải yêu thương kính trọng luôn giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ:

"Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Tôi và các bạn hãy luôn ghi nhớ lời dạy của cha ông, mỗi ngày chúng ta hãy tập nói "Con yêu cha mẹ" để nó trở thành một thói quen. Tình yêu cha mẹ của con cái chính là những biểu hiện cao đẹp nhất của tình cảm con người đấy, bạn ạ. Đừng quên nói với các bậc sinh thành rằng "Con yêu cha mẹ"

                                                                         Tác giả: Phạm Hải Đăng – Lớp 12A9

Tác giả: Phạm Hải Đăng – Lớp 12A9 (2022-2023)
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 24
Hôm qua : 161
Tháng 01 : 4.639
Tháng trước : 4.647
Năm 2025 : 4.639
Năm trước : 211.620
Tổng số : 2.357.665