CHỦ ĐỀ “TÌNH YÊU TUỔI HỌC TRÒ”

“Làm sao sống được mà không yêu,

Không nhớ, không thương một kẻ nào?”

Đúng như ông hoàng thơ tình – Xuân Diệu khẳng định: Tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng, là thứ tình cảm mãnh liệt, thiết tha cháy bỏng trong trái tim của mỗi con người. Ngay từ thuở ấu thơ, con người đã mang trong mình tình cảm gia đình, tình yêu ông bà, cha mẹ. Lớn hơn chút, ta bắt đầu chạm tới ngưỡng của một thứ tình cảm mới - thứ tình rất thơ, rất ngây ngô đậm vị “ô mai”, mà người ta vẫn hay gọi là “tình yêu học trò”. Vậy, nên hay không nên yêu ở lứa tuổi học trò này? Để trả lời cho câu hỏi này, trong tiết sinh hoạt thứ 7, ngày 03 tháng 12 năm 2022 tổ 1, Chi đoàn 12 A11 chúng em đã dành thời gian để chia sẻ với các bạn học sinh lớp 12A11 nói chung, cũng như các bạn học sinh trong độ tuổi này nói riêng về Chủ đề “Tình yêu tuổi học trò”.

Buổi sinh hoạt chủ đề diễn ra sối nổi, lôi cuốn bởi sự khéo léo dẫn dắt và ăn ý của hai bạn MC: An Thị Ngọc Bích và Trần Hải Quân.

Mở đầu, là chia sẻ về khái niệm “Tình yêu là gì?”. Tình yêu là thứ tình cảm gắn liền với nỗi nhớ nhung giữa hai người, có mong muốn được thấu hiểu, sẻ chia cùng nhau, muốn được cùng nhau trải qua những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống. Vậy, tiến gần hơn một chút thì “tình yêu học trò” được hiểu là thứ tình cảm trong sáng ở độ tuổi 16-17. Đó là thứ tình yêu giản dị, vui tươi và đáng nhớ nhất trong cuộc đời của mỗi con người.

Vậy, đâu là nguyên nhân khiến con người ta nảy sinh thứ tình cảm trong sáng ấy? Ở đây, nhóm chúng em đã tìm hiểu và đưa ra hai nhóm nguyên nhân.

Thứ nhất, là nguyên nhân chủ quan: Nguyên nhân chủ quan này xuất phát từ chính bản thân mỗi người. Nó là sự phát triển tâm sinh lí phù hợp về độ tuổi, giới tính và quá trình thay đổi tâm sinh lí lứa tuổi.

Thứ hai, là nguyên nhân khách quan: Nếu như nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính bản thân mỗi con người, thì nguyên nhân khách quan dễ hiểu nhất đó là xuất phát từ những khía cạnh, đối tượng ngoài phạm vi bản thân. Có thể là do các bậc làm cha làm mẹ chưa đủ độ quan tâm đến con cái của mình. Điển hình là việc “ngại” chỉ dẫn cho con về các vấn đề liên quan đến “giáo dục giới tính”. Trên thực tế, thì đây là một trong những điểm hạn chế lớn của các bậc phụ huynh Việt Nam.

Khi bước vào “tình yêu học trò” thì bản thân ta sẽ được đón nhận và đối mặt với những vấn đề gì? Về mặt tâm lí, tình yêu học trò nếu thực sự trong sáng sẽ là điểm tựa tinh thần giúp ta có lối sống vị tha, biết học cách lắng nghe, thấu hiểu và là bước đệm để hoàn thiện bản thân trong ngưỡng cửa của sự trưởng thành. Hoặc, ta sẽ tạo nên được một mối quan hệ mang lại lợi ích về vấn đề học tập, trở thành những người tri kỉ, thành đôi bạn cùng tiến, giúp đỡ nhau phát triển theo hướng tích cực.

Tuy vậy, nếu không biết dung hòa giữa tình cảm và học tập ở độ tuổi này, ta dễ rơi vào cái “bẫy” tình màu hồng mà quên đi nhiệm vụ cao cả trước mắt chính là “ học tập”.

Tình yêu trong mắt học trò chúng ta thì đẹp, thì thơ đến vậy. Nhưng không biết suy nghĩ của các bậc làm cha, làm mẹ sẽ có tâm lí như thế nào khi con mình có tình yêu ở tuổi học trò? Theo tìm hiểu của chúng em thì da phần, cha mẹ luôn là người đầu tiên có tư tưởng cấm cản và không muốn cho con mình yêu đương trong thời điểm nhạy cảm này. Bởi những hệ lụy to lớn mà người ta vẫn thường tuyên truyền, thấy nó hiện hữu trên các trang mạng xã hội hoặc qua phương thức truyền miệng. Bởi cha mẹ luôn lo lắng cho tình hình học tập và chỉ muốn con cái chăm chú, giành phần nhiều nhất thời gian cho việc học. Chỉ một phần nhỏ trong số họ là ủng hộ cho tình yêu học trò của con mình. Bởi thay vì cấm đoán, các bậc phụ huynh đã trang bị cho con những kiến thức về tâm sinh lí, giáo dục gới tính,...

Vậy làm thế nào để ta có “tình yêu ở tuổi học trò” nhưng không ảnh hưởng tới việc học? Chúng ta nên để tình yêu ở đúng với bản chất của nó: ngây ngô một chút, trẻ con, ngộ nghĩnh, giận dỗi một chút. Như thế, tình yêu học trò mới là thứ tình yêu không vụ lợi, thuần khiết. Ta nên vạch ra giới hạn riêng, trau dồi cho mình vốn kiến thức về tâm lí, tình cảm lứa tuổi. Và luôn phải có “tấm cờ đỏ” tiên phong trong lí trí rằng: Học tập là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên cởi mở trong phương pháp giáo dục giới tính cho con, giúp con cái có cái nhìn rộng mở về thế giới quan bên ngoài chứ không chỉ là những kiến thức hàn lâm sách vở.

Ngoài những thông tin được truyền tải tới các bạn học sinh trong lớp, nhóm chúng em còn bố trí một số trò chơi để làm không khí buổi sinh hoạt thêm phần sôi nổi hơn.

Phần trò chơi “Hiểu ý đối phương” diễn ra với nhiều tràng pháo tay cùng những tiếng cười ồ giòn tan từ phía các bạn học sinh trong lớp. Chung cuộc, điểm số của các đội đều khá cao, khẳng định sự ăn ý và đoàn kết của các bạn học sinh trong tập thể lớp 12A11.
Một buổi sinh hoạt chủ đề với những thông tin bắt kịp nhịp sống của thế hệ gen Z và hết sức có ích đã đem lại những thông tin bổ ích cho các bạn học sinh. Chúng em mong, với sự tìm tòi và chắt lọc những thông tin hợp lí nhất sẽ mang lại cho bạn đọc những sự hiểu đúng về “tình yêu học trò”. Cuối cùng, chúng em xin kính chúc các thầy giáo cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh có một tuần học tập và làm việc thật hiệu quả.


                                                                                                                                                       Bài và ảnh: Tổ 1- Lớp 12 A11

Tác giả: Tổ 1- Lớp 12 A11 (2022-2023)
Nguồn:Trường THPT Tiên Lữ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 26
Hôm qua : 161
Tháng 01 : 4.641
Tháng trước : 4.647
Năm 2025 : 4.641
Năm trước : 211.620
Tổng số : 2.357.667