Tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu

Tố Hữu được mệnh danh là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp thơ ca của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Năm tập thơ của ông phản ánh những chặng đường của lịch sử dân tộc. “Từ ấy” là tập thơ đầu tay ghi lại quá trình giác ngộ và trưởng thành của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. Tiếp theo, tập “Việt Bắc’’ được ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tập thơ là một  bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của dân tộc. Tập “Gió Lộng’’ đánh dấu một bước phát triển của thơ Tố Hữu khi viết về hai nhiệm vụ của dân tộc là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mĩ ở miền Nam. Và giọng thơ anh hùng ca càng được nhà thơ thể hiện rõ ở hai tập “Ra trận’’, “Máu và hoa’’. Cuối cùng, tập thơ “Một tiếng đờn’’ là những dòng tâm tư trăn trở của tác giả trong thời kỳ đất nước đã hòa bình.

Mỗi tập thơ của Tố Hữu đều thể hiện tính dân tộc đậm đà trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Song trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc”. Bởi đây là một bài thơ tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến chống Pháp và  được lựa chọn trong chương trình ngữ văn lớp 12, được sử dụng làm đề thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm.

Xét về mặt nội dung thì bài thơ “Việt Bắc” đã thể hiện được những vấn đề nóng bỏng mang vận mệnh dân tộc; thể hiện được hình ảnh con người Việt Nam trong kháng chiến. Đẹp nhất là hình tượng Bác Hồ. Người là kết tinh tinh hoa dân tộc:

“Nhớ ông cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường”

Nhà thơ Tố Hữu gọi  Bác là “Ông cụ” nghe sao gần gũi thân thương mà ấm áp bao ân tình. Tấm  “áo nâu” mà Bác mặc thường ngày là hình ảnh gần gũi với đời sống người dân Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam đều dành cho Bác tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ, biết ơn, luôn hướng về Bác với một niềm tin mãnh liệt:

“Ở đâu u ám quân thù

Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi”

Bác Hồ đã trở thành điểm quy tụ mọi suy nghĩ, tình cảm của nhân dân.

Sáng tác bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu không chỉ thay lời nhân dân nói nên lòng biết ơn với Đảng, với Bác kính yêu mà ông còn thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng với nhân dân Việt Bắc. Trong tâm tư của người ra về còn in sâu hình ảnh áo chàm giản dị mà thủy chung. Trong 15 năm chung sức chung lòng, người dân Việt Bắc và người chiến sĩ cách mạng đã vượt qua bao gian khó đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến bến bờ của sự thành công:

“Mười lăm năm ấy ai quên

Quê hương cách mạng dựng lên cộng hòa”

Tố Hữu ca ngợi tình cảm thủy chung sắt son của người dân Việt Bắc và người chiến sĩ cách mạng chính là ca ngợi truyền thống: “uống nước nhớ nguồn”; truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc. Trong bài thơ Việt Bắc, tác giả đã thể hiện được tính chất của cuộc kháng chiến chống Pháp là toàn dân toàn diện. Với sự tham gia của nhiều lực lượng, không phân biệt già, trẻ, trai, gái ai ai cũng mong muốn được góp phần mình cho kháng chiến. Nối tiếp những đoàn quân ra trận là những đoàn dân công với nhiệm vụ tiếp tế lương thực, đạn dược ra chiến trường. Tất cả vì tiền tuyến:

“Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”

Khí thế của cả dân tộc cùng ra trận thật hào hùng, mãnh liệt, không một thế lực nào có thể ngăn cản được. Họ ra trận với một tinh thần yêu nước, niềm tin tưởng ở ngày mai tất thắng

Bài thơ “Việt Bắc” còn đánh dấu sự thành công của Tố Hữu ở phương diện nghệ thuật mang đậm tính dân tộc biểu hiện ở thể thơ, ngôn từ, nhạc điệu, hình ảnh. Tố Hữu vốn là người xứ Huế - nơi có những làn điệu dân ca ngọt ngào. Những lời ru của mẹ đã thấm vào tâm hồn thơ Tố Hữu, đi vào trang thơ của ông. Bài thơ Việt Bắc được viết theo thể thơ lục bát với lối kết cấu đối đáp như câu hát giao duyên của đôi trai gái yêu nhau. Vì thế câu chuyện chính trị đã được tác giả chuyển hóa giống như câu chuyện tình yêu đôi lứa. Nó không khô khan mà ngọt ngào tình tứ đã giúp nhà thơ thể hiện được tình cảm thiết tha của người đi (cách mạng) và kẻ ở (Việt Bắc) trong buổi chia tay đầy bịn rịn, lưu luyến:

“Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”

Đọc thơ Tố Hữu, ta rất ấn tượng với cách sử dụng cặp đại từ “mình”, “ta” giống như của ca dao xưa. Người cách mạng và đồng bào Việt Bắc đã coi nhau như những người bạn đời gắn bó tri kỉ trong suốt 15 năm. Vì thế đại từ “mình” và “ta” được nhà thơ vận dụng rất linh hoạt, có lúc phân định rõ nhưng có lúc “ta” và “mình” lại hòa làm một. Điều này nói lên sự gắn bó sâu nặng giữa quê hương Việt Bắc và người cán bộ kháng chiến.

Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu còn được thể hiện qua âm điệu của bài thơ. Bài thơ rất giàu nhạc điệu bởi hệ thống từ láy giàu giá trị tượng thanh như “rầm rập”, những điệp từ “nhớ”, “vui”… nghệ thuật liệt kê và nghệ thuật tiểu đối tạo tính cân xứng cho câu thơ.

Nhận xét về thơ Tố Hữu, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Tố Hữu có một bút pháp quần chúng trong hình ảnh’’. Thật vậy, đọc bài thơ Việt Bắc, ta bắt gặp những hình ảnh như “củ khoai”, “củ sắn”, “bờ lau” rất đỗi bình dị nhưng qua cách diễn đạt tài tình của nhà thơ, những hình đó lại trở thành hình tượng biểu tượng cho cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả của đồng bào Việt Bắc nói riêng, của toàn dân tộc nói chung trong những ngày đầu của cuộc chiến chống Pháp đầy gian khổ.

Tóm lại, Tố Hữu viết  bài thơ Việt Bắc bằng tất cả tấm lòng chân thành hướng về Đảng, về cách mạng, về nhân dân. Bài thơ giúp ta cảm nhận được nhiều phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam: yêu nước, tương thân tương ái, đoàn kết, lạc quan, thủy chung son sắt; thấy được bản sắc văn hóa dân tộc mình. Đọc thơ Tố Hữu, ta thêm yêu quê hương, Tổ quốc mình. Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu xứng đáng là một kiệt tác của dòng văn học cách mạng Việt Nam.

Giáo viên: Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Tác giả: Nguyễn Thị Ánh Tuyết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 45
Hôm qua : 243
Tháng 12 : 3.537
Tháng trước : 9.325
Năm 2024 : 210.510
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.351.916