Một vài suy nghĩ về vấn đề học môn Ngữ Văn hiện nay của học sinh THPT

Ngữ Văn là một môn học quan trọng chiếm nhiều thời lượng trong chương trình dạy - học ở các nhà trường, là môn thi bắt buộc trong các kì thi định kì, học kì và thi THPTQG. Môn Ngữ văn không chỉ giúp các em hiểu được thế giới tự nhiên, đời sống xã hội xung quanh mình mà còn góp phần định hướng nhân cách, đạo đức, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão cho các em. Song thực tế đáng buồn hiện nay đa phần học sinh không đánh giá đúng vai trò của bộ môn Ngữ Văn trong nhà trường. Theo kết quả thống kê của Bộ Giáo Dục sau kì thi THPTQG năm học 2018 - 2019 đã có tới 1265 học sinh bị điểm liệt môn Ngữ Văn, số điểm từ 8 trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay ở các trường học. Có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ trước đến nay môn Văn bị “mất mùa”, có số điểm liệt nhiều đến như vậy. Con số ấy không khỏi khiến nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang, lo lắng, các thầy cô dạy bộ môn Ngữ Văn băn khoăn, trăn trở. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao con số học sinh bị điểm liệt môn Ngữ Văn lại nhiều đến như vậy? Để trả lời cho câu hỏi này ta cùng tìm hiểu một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Có lẽ nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là cái nhìn của xã hội đối với bộ môn này. Thực tế hiện nay đa phần phụ huynh định hướng cho con học Toán, theo học các môn học Tự nhiên để con thi khối, ngành kinh tế, kĩ thuật. Chính vì lí do đó nên học sinh không còn tha thiết học bộ môn Ngữ Văn, chỉ coi môn Ngữ Văn là bộ môn thi Tốt nghiệp. Các em học chống đối với quan niệm không cần phải học bộ môn này nhiều chỉ cần qua điểm liệt để đỗ Tốt nghiệp thôi.

Nguyên nhân thứ hai là yếu tố tâm lí của học sinh với bộ môn này. Các em ngại học môn Ngữ Văn vì cho rằng đây là môn học phải ghi chép, đọc nhiều. Xuất phát từ tư tưởng “lười biếng” đó nên trong giờ học môn văn nhiều em không tập trung chú ý nghe giảng, nói chuyện riêng, trong các giờ kiểm tra chỉ loay hoay tìm cách chép “phao”.

Thứ ba về phía thầy cô, có thể trong các giờ dạy chưa thu hút được sự yêu thích của học sinh. Có thể là do nội dung bài dạy phải rập khuôn theo sách hướng dẫn hoặc thiết kế, việc sử dụng máy chiếu trong dạy học Ngữ Văn sẽ cung cấp đủ cho học sinh kiến thức cơ bản, hình ảnh minh họa sinh động song sẽ ít lời phân tích, bình văn của giáo viên làm cho những giờ học Văn trở nên khô cứng.

Truyện Kiều - Tập đại thành của dân tộc Việt Nam
 

Trước thực trạng trên, giải pháp nâng cao chất lượng giờ học Văn là vấn đề cần được xem trọng ở các nhà trường. Tôi thiết nghĩ trong quá trình thay sách, Bộ Giáo Dục cần thay thế một số tác phẩm cổ điển không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại khiến các em thấy xa lạ, khó hiểu. Các nhà trường nên tổ chức ngoại khóa, gặp gỡ, giao lưu cùng các tác giả văn học…Các thầy cô cần linh hoạt đổi mới phương pháp giảng dạy. Đặc biệt là các em học sinh cần có nhận thức đúng đắn, yêu thích và đam mê Văn học .

Việc học Văn không chỉ cần thiết với cá nhân người học mà còn có ích đối với toàn xã hội. Học Văn là để bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn con người. Môn Văn đem lại giá trị tinh thần cần thiết để con người sống tốt hơn, gần nhau hơn. Vậy nên toàn xã hội cần có sự quan tâm hơn nữa đối với bộ môn này để không còn tình trạng học sinh bị điểm liệt môn Ngữ Văn.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Tác giả: Nguyễn Thị Ánh Tuyết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 26
Hôm nay : 502
Hôm qua : 1.036
Tháng 04 : 27.030
Tháng trước : 38.504
Năm 2024 : 115.263
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.256.669