DẠY HỌC DỰ ÁN – MỘT PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC TRỰC QUAN SINH ĐỘNG VÀ HIỆU QUẢ
Dạy học theo dự án không còn là định hướng mới đối với mỗi thầy cô giáo trong đội ngũ nhà giáo ở Việt Nam nói chung và các nhà giáo tỉnh Hưng Yên nói riêng. Nhưng để dạy học dự án thực sự trở lên gần gũi, được triển khai thường xuyên, sâu rộng, không mang tính hình thức là một vấn đề đáng được quan tâm. Đầu năm học 2020 - 2021, cụm các trường THPT Đức Hợp - Nghĩa Dân - Phù Cừ - Tiên Lữ - Hưng Yên đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại trường THPT Tiên Lữ với môn Tiếng Anh. Chủ đề Dạy học dự án đã được các thầy cô giáo tham gia chương trình hội thảo phân tích và xem xét kỹ lưỡng trên nhiều phương diện, do đó để lại nhiều ấn tượng cho người tham dự. Lĩnh hội tinh thần của Hội thảo, nhiều hoạt động chuyên môn với môn Tiếng Anh được đẩy mạnh hơn nữa trong nhà trường, đặc biệt là Dạy học theo dự án.
Một trong những điểm thuận lợi của việc triển khai Dạy học dự án với môn Tiếng Anh là mỗi bài học môn Tiếng Anh đều được thiết kế một phần dự án cho học sinh thực hiện. Theo đó, giáo viên sẽ tổ chức tiết học đầu tiên của bài học để học sinh tìm hiểu chủ đề và nội dung kiến thức sẽ học. Sau đó, giáo viên giới thiệu phần dự án để học sinh chủ động lên kế hoạch thực hiện theo nhóm trong suốt quá trình tìm hiểu bài học. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em học sinh chủ động lên kế hoạch nghiên cứu, thiết kế các nội dung và hoạt động vận dụng kiến thức vào thực tiễn và hoàn thành dự án của nhóm. Các em sẽ chủ động tham vấn giáo viên khi các em thấy cần thiết. Việc thực hiện dự án diễn ra song song với quá trình học trên lớp giúp học sinh có thêm thông tin và điều chỉnh việc triển khai dự án của mình. Sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm và với giáo viên diễn ra thường xuyên, liên tục. Điều này giúp giáo viên nắm rõ được tiến trình của dự án, giám sát chặt chẽ sự tham gia và mức độ tích cực của từng thành viên trong nhóm khi thực hiện dự án.
Tiết cuối cùng của bài học cũng là lúc các sản phẩm dự án được hoàn tất và thuyết trình trước lớp. Cả người học và người dạy đều không khỏi ngõ ngàng trước sự sáng tạo không giới hạn của các bạn học sinh. Với dự án Bảo tồn Bản sắc Văn hóa Việt - PRESERVING VIETNAMESE CULTURAL IDENTITY, các em học sinh đã mang cả bề dày văn hóa của dân tộc đến với lớp học. Sự hình thành và phát triển của Tiếng Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu, văn hóa thờ tổ tiên ông bà, nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc ít người, các trò chơi dân gian, các lễ hội, những món ăn và trang phục mang đậm bản sắc văn hóa người Việt… Các em học sinh không chỉ được nghe, được nhìn, được tham gia mà còn được thưởng thức những “SẢN PHẨM VĂN HÓA” do chính bạn bè của mình thể hiện. Một sự trải nghiệm tuyệt vời và trên hết là niềm tự hào dân tộc và thôi thúc về ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Chỉ bằng trải nghiệm mới có thể lột tả chân thực bản chất và không làm phôi phai bản sắc riêng. Chỉ thông qua trải nghiệm các em mới thấu cảm hết những giá trị và vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, để từ đó hình thành ý thức tự giác về sự mong muốn lưu lại những gía trị tốt đẹp cho chính bản thân, cộng đồng và bè bạn trên thế giới.
Có lẽ thành công lớn nhất của dự án BẢO TỒN BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT thực hiện với Unit 5 chương trình Tiếng Anh 12 tại lớp 12A3 là việc các em học sinh đã tìm hiểu và truyền đạt bản sắc văn hóa dân tộc bằng một ngôn ngữ KHÔNG PHẢI TIẾNG VIỆT. 100% học sinh tham gia thuyết trình và trình bày dự án bằng Tiếng Anh – ngôn ngữ của bộ môn thực hiện dự án. Không có một từ Tiếng Việt nào được sử dụng. Các nhóm ngồi nghe chăm chú, hưởng ứng tích cực. Các nội dung trình bày da dạng, đa chiều và chi tiết. Nó không chỉ thể hiện năng lực sử dụng ngôn ngữ của các em mà còn cho thấy vốn kiến thức rộng rãi về thế giới xung quanh và kiến thức thực tế phong phú của các em. Nét đẹp tâm hồn của các em đã được nuôi dưỡng và bồi đắp, các em có thể làm chủ kiến thức và làm chủ việc học tập của mình. Như vậy, dự án đã không chỉ cho các em cơ hội vận dụng kiến thức vào thực tiễn mà còn phát triển các phẩm chất tích cực, năng lực cần thiết cho người học và phù hợp với lứa tuổi học sinh THPT.
Ngày nay, với sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 đã thay đổi toàn diện cuộc sống của chúng ta. Việc dạy và học theo đó có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Người học có nhiều công cụ hữu ích và nguồn học liệu phong phú để tư duy, tìm tòi và sáng tạo. Người dạy chuyển dần vai trò từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn, tổ chức hoạt động học. Lớp học không còn là môi trường học tập truyền thống, thay vào đó là một không gian mở, gần gũi với thiên nhiên, gắn liền với thực tiễn. Giáo viên không còn giữ vai trò chủ đạo, vị trí trung tâm của lớp học mà là người tổ chức các hoạt động, thúc đẩy sự hợp tác, gợi mở cho học sinh. Người học có thể tiếp cận với người dạy ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào cần thiết. Thực tế trên đã tác động trực tiếp tới hoạt động dạy và học, đòi hỏi người thầy luôn phải cập nhật và thích nghi với những thay đổi và yêu cầu của thực tiễn.
Dạy học dự án không phải là định hướng dạy học tích cực duy nhất, nhưng là một định hướng khả thi, hiệu quả và thiết thực. Đặc biệt, trong xu hướng giáo dục coi trọng việc phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học như hiện nay, triển khai tích cực dạy học dự án là một nhu cầu thiết yếu và mang lại giá trị lớn trong công cuộc đổi mới giáo dục. Chúng tôi tin tưởng vào những giá trị mà nó mang lại cho người dạy và người học, đồng thời chúng tôi cũng kì vọng vào những thành quả mà dạy học dự án sẽ mang lại trong thời gian tới!
Bài và ảnh: Tổ Ngoại ngữ - Trường THPT Tiên Lữ