LỚP 11A2 THỰC HIỆN GIỜ SINH HOẠT VỚI CHỦ ĐỀ “BỆNH LƯỜI CỦA GIỚI TRẺ HIỆN NAY”

Trong xã hội hiện nay, lười biếng (hay bệnh lười) đã trở thành “căn bệnh” không còn xa lạ đối với tất cả chúng ta. “Há miệng chờ sung” là một câu chuyện mà cha ông thường hay kể để giáo dục chúng ta: Đừng có lười biếng, vì sự lười biếng luôn ảnh hưởng không tốt đến ta. Tuy nhiên, bệnh lười đã trở thành thói quen xấu của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Do vậy, vào Thứ 7 ngày 03/10/2020, các bạn ở tổ 2 lớp 11A2 đã lên kế hoạch tổ chức một buổi sinh hoạt với chủ đề “Bệnh lười của giới trẻ hiện nay”.

Bộ đôi MC tài năng

Buổi sinh hoạt được dẫn dắt bởi bộ đôi MC tài năng, sáng tạo Trần Thành Doanh và Vũ Kiều Oanh.

Mở đầu cho buổi sinh hoạt là câu hỏi “ Bệnh lười là gì?”

Câu trả lời của tổ 2 đưa ra là: Sự lười biếng là một trong những trạng thái của sự không hoạt động và sự kháng cự nội tâm để rồi không cố gắng, không hành động. Đó cũng chính là một trạng thái thụ động và để mặc mọi thứ như nó đã vốn có, dường như là kể cả đối với những trách nhiệm và nghĩa vụ mà mình phải thực hiện.

Vậy “Thực trạng của bệnh lười ở giới trẻ ngày nay là gì?”. Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta có thể bắt gặp bệnh lười ở bất cứ nơi đâu: “Đầy rẫy khắp các hàng quán sáng cà phê - chiều nhậu nhẹt chém gió, khoe mẽ hàng hiệu, sành điệu cách chơi nhưng hầu hết không quan tâm đến giá trị của sức lao động chân chính. Một bộ phận không nhỏ lớp trẻ sống thụ động, phụ thuộc và ỷ lại vào gia đình. Họ có thể ngồi lai rai hàng giờ trong các quán xá nhưng khi dừng đèn đỏ mấy chục giây ai ai cũng muốn lao lên phía trước như thể ta đây là người bận rộn công việc, thật khó để diễn tả hết sự trái khoáy trong cách nghĩ, cách làm của không ít bạn trẻ thời nay” . Không chỉ có các thanh, thiếu niên mà còn ở rất nhiều người trưởng thành cũng như vậy.

Vậy nguyên nhân bệnh lười là do ai? Do đâu? Tổ 2 đã đưa ra hai nguyên nhân:

- Chủ quan: Lý do đầu tiên và quan trọng nhất đó là do bản thân con người. Ta như biết được chính trong con người ta luôn tồn tại phần “con” và phần “ người”. Và chắc chắn là đối với những người để phần “con” lấn át phần “người” dường như cũng sẽ dẫn đến việc chỉ thích hưởng thụ mà không muốn làm việc. Lúc này đây ta như thấy được con người như chỉ muốn trốn tránh mà không muốn bắt tay vào làm những việc mà mình phải làm. Chẳng có một ai muốn đang nằm trong chăn ấm áp mà phải ngồi dậy học bài khó nhọc. Nhưng ta vẫn thấy được ở những người có quyết tâm sẽ áp chế được sự lười biếng và chắc chắn sẽ dậy học bài. Còn dường như đối với những người lười biếng thì sẽ yên tâm ngủ tiếp, mặc kệ hậu quả là sáng mai sẽ bị kiểm tra bài không thuộc, bị điểm kém…

- Khách quan: Sự phát triển của khoa học kỹ thuật dẫn đến máy móc hiện đại giúp con người không cần phải hoạt động nhiều, cả về tay chân lẫn trí óc. Dần dần, chính những sự phụ thuộc quá nhiều vào máy móc sẽ khiến con người ta trở nên lười biếng, trì trệ, không linh hoạt. Quả thực có sự tiến bộ là tốt, nhưng con người cũng phải tự hoàn thiện bản thân để có thể sử dụng được máy móc nhanh chóng và tiện nghi. Và không phải chỉ dựa vào những thứ máy móc làm cho mình ngày càng thụ động. Những thứ có sẵn cũng ngăn cản sự sáng tạo của chúng ta. Thật không khó thấy và tìm kiếm những bài văn mẫu nhan nhản khắp nơi khiến nhiều bạn chẳng buồn mất công suy nghĩ. Hay đó còn chính là những lời giải bài toán có sẵn làm chúng ta cứ chép vào một cách đối phó mà chẳng thèm hiểu cách làm…

Bệnh lười được chia ra thành 5 loại chủ yếu: lười đọc, lười suy nghĩ, lười hành động, lười tìm kiếm và lười học hỏi.

Sự lười biếng được coi là một căn bệnh của xã hội, vậy tác hại của nó là gì?  

- Lười biếng để lại hậu quả xấu đối với mỗi người, không những làm giảm đi ý chí cố gắng, phấn đấu của con người mà còn khiến cho họ ngày càng nhu nhược, không cố gắng nữa. Có một số người vì lười biếng nên ỷ lại, sống dựa dẫm vào người khác. Điều này thật đáng buồn. Thói bỏ bê, ỷ lại sẽ làm bản thân bạn khó có thể thực hiện ước mơ của mình. Hãy cố gắng chăm chỉ bởi có ai đó đã nói “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Một xã hội ai cũng đam mê kiếm tiền nhưng lười lao động nên mới sinh ra nhiều tệ nạn xã hội, bất cứ đâu người ta cũng có thể lừa lọc, giăng bẫy nhau, nhan nhản từ thế giới ảo cho đến đời thực như nhận xét của một CEO người Nhật “tôi thấy người Việt Nam thích kiếm tiền nhưng không còn chăm chỉ như 20 năm trước nữa”. Đất nước đã thoát ra khỏi chiến tranh mấy thập kỷ nay, với một lực lượng lao động hùng hậu, con người thông minh hiếu học, đáng lẽ phải phát triển nhanh, phát triển mạnh mới đúng, năng suất lao động phải đủ để đáp ứng nhu cầu của hội nhập. Vậy mà có một thống kê đáng buồn rằng nước ta hơn 90 triệu dân nhưng tổng sản phẩm quốc nội chỉ khoảng 200 tỷ USD, trong khi đó với 5 triệu dân nhưng Singgapore đã tạo thu nhập bình quân đầu người gấp 17 lần Việt Nam! Một con số không mấy dễ chịu, hơn ai hết thế hệ trẻ phải nhận thức được sự thua kém này là do đâu?

Và nếu như đã biết được nguyên nhân cùng tác hại của bệnh lười, thì chúng ta phải có các biện pháp để khắc phục tình trạng này. Đến đây, để khuấy động bầu không khí, MC Kiều Oanh đã tổ chức một trò chơi. Luật chơi như sau: MC sẽ ném một quả bóng giấy trúng bạn nào thì bạn ấy sẽ phải đứng lên đưa ra một phương án để cải thiện bệnh lười trong 3 giây, nếu không trả lời được thì sẽ phải hát một bài trước lớp.

Đã có những phương án khác nhau được đưa ra, đã có giọng ca “vàng” được cất lên, mang lại một bầu không khí vui vẻ cho buổi sinh hoạt. Tổng kết lại những phương án được đưa ra, MC đã nêu một số phương pháp chống lười như sau:

1. Phương pháp Kaizen: Dùng 2 phút mỗi ngày để tạo thói quen.

2. Học 25 phút, nghỉ 5 phút.

3. Đặt hình phạt khi lười biếng.

4. Chỉ tập trung vào một việc khi làm.

5. Nghĩ về hậu quả khi lười.

6. Tìm … một người cùng chữa lười.

Qua đó, chúng ta đã thấy được bệnh lười đã mang lại hậu quả gì cho xã hội, cho bản thân mỗi người và chúng ta cần phải làm sao để đẩy lùi bệnh lười để tiến tới một tương lai tươi sáng hơn, rộng mở hơn, để thực hiện được như mong muốn của Bác “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Và hơn ai hết, đó chính là thế hệ thanh thiếu niên trẻ của Việt Nam - những chủ nhân của đất nước sau này phải ý thức được họ cần phải làm gì cho đất nước, cho xã hội mai sau.

Buổi sinh hoạt kết thúc thành công, với chủ đề hấp dẫn có tính giáo dục cao đã tạo ra niềm vui, sự đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong lớp và sự trưởng thành qua từng tuần, giúp chúng em hoàn thiện nhân cách và trang bị cho mình những kỹ năng tốt, giúp ích cho cuộc sống.

Ngô Đinh Đức Bảo - Lớp 11A2

Tác giả: Ngô Đinh Đức Bảo - Lớp 11A2
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 21
Hôm qua : 197
Tháng 01 : 4.833
Tháng trước : 4.647
Năm 2025 : 4.833
Năm trước : 211.620
Tổng số : 2.357.859