TÌM HIỂU VỀ LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4/1975
Lật giở từng trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam, chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động và vô cùng tự hào về những chiến công vang dội của nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Một trong những chiến công mang tầm vóc thời đại là Đại thắng mùa xuân năm 1975. Nhân dịp kỉ niệm 46 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021, chúng ta hãy ngược dòng lịch sử tìm hiểu về những ngày tháng hào hùng đó.
Vào cuối năm 1974 - đầu năm 1975, nhận thấy so sánh lực lượng ở Miền Nam thay đổi mau lẹ, có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
Cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã diễn ra trong gần hai tháng (từ ngày 4/3 đến ngày 2/5) qua ba chiến dịch lớn: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn.
Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3/1975 đến ngày 24/3/1975)
Ngày 4/3/1975, quân ta đánh nghi binh ở Plâyku và Kon Tum nhằm thu hút quân địch vào hướng đó.
Ngày 10/3/1975, ta tập trung chủ lực với vũ khí, kĩ thuật hiện đại đánh trận then chốt mở màn cho chiến dịch lớn ở Tây Nguyên. Trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ của quân ta vào thị xã Buôn Ma Thuột - một vị trí trọng yếu trong hệ thống phòng ngự của quân địch ở Tây Nguyên đã làm rung chuyển hệ thống phòng thủ của địch khiến chúng mất tinh thần, hàng ngũ rối loạn và bắt đầu quá trình sụp đổ không thể cứu vãn nổi của ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn. Sau thất bại nặng nề đó, ngày 14/3/1975, quân ngụy phải rút khỏi Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung. Trên đường rút chạy, chúng bị quân ta truy kích tiêu diệt. Đến ngày 24/3/1975, cả vùng Tây Nguyên rộng lớn với hơn 60 vạn dân được hoàn toàn giải phóng.
Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi. Ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 của chính quyền Sài Gòn, giải phóng Tây Nguyên cùng một số tỉnh ven biển miền Trung. Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước sang một giai đoạn mới: từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên phát triển thành tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ 21/3/1975 đến 29/3/1975)
Thắng lợi bước đầu của chiến dịch Tây Nguyên đã mở ra khả năng thắng lớn của cách mạng. Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh hết sức thuận lợi, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị họp bàn, bổ sung vào quyết tâm chiến lược: thực hiện phương án tranh thủ thời cơ, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Kế hoạch hai năm được rút xuống còn một năm. Bộ Chính trị nhấn mạnh: Muốn hoàn thành nhiệm vụ cơ bản đó, nhiệm vụ trước mắt của quân và dân ta là mở đòn tiến công chiến lược thứ hai nhằm giải phóng Huế - Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị đề ra, quân dân ta đẩy mạnh tiến công địch ở Trị - Thiên, các tỉnh đồng bằng ven biển Khu 5, gây áp lực mạnh buộc địch phải thu dồn lực lượng về giữ các thành phố lớn là Huế, Đà Nẵng. Tranh thủ thời cơ địch co cụm, các binh đoàn chủ lực của ta phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cùng nhân dân địa phương nhanh chóng mở các đợt tiến công giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn; đồng thời tổ chức các mũi thọc sâu chia cắt địch, chặn đường rút chạy của chúng, hình thành thế bao vây địch trong thành phố.
Ngày 25/3/1975, trong khi chiến trường đang diễn biến sôi động, bước vào thời điểm khẩn trương và quyết định, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã họp bàn khẳng định: “Cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”, từ đó đề ra chủ trương: tập trung nhanh nhất binh lực, vật lực giải phóng miền Nam trước mùa mưa (khoảng giữa tháng 5/1975). Kế hoạch một năm tiếp tục được rút xuống còn 5 tháng.
Bộ Chính trị hạ quyết tâm mở chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quyết định với quy mô lớn nhất: Chiến dịch tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn (sau được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh). Nhưng muốn đi đến đòn quyết chiến chiến lược ấy, Bộ Chính trị chỉ đạo: dứt điểm giải phóng Thừa Thiên - Huế; đồng thời tiến công Đà Nẵng kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, tranh thủ địch đang hoang mang dao động, các cánh quân chủ lực của ta đồng loạt tiến công, chỉ trong thời gian ngắn đập tan mọi tuyến phòng thủ của địch.
Ngày 25/3/1975, quân ta tiến vào cố đô Huế.
Ngày 26/3/1975, giải phóng Thừa Thiên – Huế.
Cùng thời gian giải phóng Huế, quân ta tiến vào giải phóng thị xã Tam Kì, Quảng Ngãi, Chu Lai v.v., tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía nam. Căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của Mĩ và quân đội Sài Gòn đặt tại Đà Nẵng rơi vào thế cô lập. Hơn 10 vạn quân địch bị dồn về đây trở nên hỗn loạn, mất hết khả năng chiến đấu. Sáng 29/3/1975, quân ta từ ba phía bắc, tây, nam tiến thẳng vào thành phố, đến 3 giờ chiều toàn bộ thành phố Đà Nẵng được giải phóng.
Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/1975, nhân dân các tỉnh còn lại ở ven biển miền Trung, Nam Tây nguyên và một số tỉnh ở Nam Bộ, có sự hỗ trợ của quân chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương đã nổi dậy đánh địch, giành quyền làm chủ. Các đảo biển miền Trung cũng lần lượt được giải phóng.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 1 - Quân khu 1 của địch, giáng đòn nặng nề vào chính quyền, quân đội Sài Gòn cũng như kế hoạch kéo dài chiến tranh của Mỹ; mở ra vùng hậu phương chiến lược hoàn chỉnh nối liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng dễ dàng cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật phục vụ cho tác chiến quy mô lớn hơn. Thắng lợi này cùng với thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã làm thay đổi căn bản tương quan lực lượng giữa ta và địch, tạo bước phát triển nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho cách mạng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26/4/1975 đến 30/4/1975)
Căn cứ vào những chuyển biến hết sức có lợi từ chiến trường, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp bàn, ra quyết định lịch sử: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng Tư năm nay, không để chậm”. Kế hoạch 5 tháng tiếp tục được rút xuống còn 4 tháng. Bộ Chính trị cũng đề ra phương châm chỉ đạo: “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Đến ngày 7/4/1975, phương châm chỉ đạo này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát lệnh truyền đi khắp các hướng chiến trường. Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị họp bàn, đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Vào những ngày tháng 4/1975, trên mọi miền đất nước, nhân dân ta ra sức chuẩn bị cho trận quyết chiến lịch sử. Quân ta trên chiến trường ra sức tạo thế, tạo lực. Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công Xuân Lộc - tuyến phòng thủ trọng yếu bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông của Quân đội Sài Gòn. Ngày 16/4, quân ta đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang. Ngày 21/4/1975, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy. Trong khi đó, địch bị tổn thất nặng nề về lực lượng và phương tiện, tinh thần hoang mang. Mỹ lập cầu hàng không viện trợ khẩn cấp cho chính quyền, quân đội Sài Gòn nhằm cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn, hi vọng tìm kiếm một giải pháp qua đàm phán.
Ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị họp bàn, phát lệnh: “Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị”.
Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Năm cánh quân của ta vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng.
10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần yêu nước, đoàn kết, quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân - đế quốc trên đất nước ta. Chiến công hiển hách đó đã làm kinh ngạc cả thế giới, mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là đỉnh cao của khí phách và trí tuệ con người Việt Nam. Kể từ đây, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới - kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
46 năm đã đi qua, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đang đổi mới từng ngày. Được sinh ra và lớn lên trong hòa bình ấm no, thế hệ trẻ chúng ta luôn tự hào và vô cùng biết ơn sự hy sinh xương máu của thế hệ cha ông đi trước, mãi mãi ghi lòng tạc dạ công lao trời biển của Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu! Là những chủ nhân tương lai của đất nước, những đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, chúng ta hãy nỗ lực hết mình, đem tất cả tinh thần, trí tuệ, sức trẻ, lòng nhiệt huyết, tài năng và sự sáng tạo viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, làm nên những Đại thắng mùa Xuân mới trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!
Tìm hiểu, sưu tầm và tổng hợp: Nguyễn Trung Anh – Lớp 11A1