NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ - TƯỢNG ĐÀI TRONG LÒNG DÂN TỘC
Tháng 12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, với mục đích: “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự.
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các hoạt động kỷ niệm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ quân sự, không ngại gian khổ, vượt qua khó khăn, trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Các hoạt động nhằm mục đích nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
Với hành trình bảy mươi sáu năm, hình tượng người lính đã trở thành một phần không thể thiếu của thơ ca cách mạng Việt Nam.
Không thể không có những day dứt, những trở trăn về lựa chọn, về tình thế và thân phận của người lính trong những tác phẩm được viết trong một độ lùi nhất định kể từ khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước hoàn toàn được thống nhất, bắt đầu từ trường ca. Đấy là quy luật của nhận thức. Nhưng cảm hứng ngợi ca, khẳng định trong thơ viết về người lính vẫn là cảm hứng quan trọng. Chính cảm hứng ấy, tinh thần ngợi ca ấy là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời, nhiệt thành và da diết nhất đối với người lính, và cả toàn dân tộc. Một thời, thơ nằm trong ba lô người lính, trên báng súng người lính, trên cánh tay và trong trí nhớ người lính. Thậm chí, ngày nay một người già ở vùng nông thôn cũng có thể đọc làu làu nhiều bài thơ viết về người lính và cách mạng, nhất là thơ Tố Hữu. Đấy là một sự thật. Và sự thật ấy là kết quả của hành trình sáng tạo và tiếp nhận từ trái tim đến trái tim. Không chỉ ở chiến tranh trong quá khứ hay trong những trang thơ, trang văn mà ngay ở hiện tại, hình ảnh người lính cụ Hồ trong thời bình cũng chính là những tượng đài trong lòng dân.
“Ở đâu Nhân dân gặp khó khăn, gian khổ, thiên tai, dịch bệnh thì ở đó có bộ đội giúp dân”. Lời khẳng định ấy của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X, một lần nữa khẳng định thêm phẩm chất kiên trung sáng ngời của người lính giữa thời bình. Nhìn lại một năm 2020 đầy những biến động của thiên tai, dịch bệnh, sẽ thấy rằng phát biểu đó của người đứng đầu Chính phủ là rất đúng, rất trúng lòng dân... Những tháng đầu năm 2020, khi cả nước sục sôi phòng, chống dịch Covid- 19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hình ảnh những người lính Cụ Hồ lao vào cuộc chiến với “kẻ thù vô hình” Covid - 19, khiến chúng ta thêm cảm kích.
Là lực lượng xung kích, đi đầu, những bộ đội của tỉnh, huyện cùng với lực lượng dân quân của các địa phương đã túc trực, hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ tại hàng trăm điểm cách ly, hàng nghìn chốt trực phòng dịch trên cả nước. Không những vậy, người lính Cụ Hồ còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, y tế đảm bảo an toàn tuyệt đối mọi hoạt động của khu cách ly.
Dọc giải đất biên cương, hàng nghìn tổ chốt chặn phòng dịch đã được lập nên ngay từ những ngày đầu có dịch. Một năm tròn, nhiều người lính chưa về thăm nhà. Một năm tròn, nhiều người lính ngủ rừng, bám bản. Tại rất nhiều chốt phòng dịch ở biên cương, bên cạnh những lán trại là vườn rau xanh um, là những gà vịt được các anh tăng gia. Nó không chỉ giúp người lính vơi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân mà còn là niềm vui sau những giờ tuần tra căng thẳng, hơn hết là để bữa cơm chốt trực thêm đủ đầy. Dịch giã vừa qua, bão lũ ập đến. Một lần nữa, những người lính lại có mặt ở những nơi hiểm nguy, gian khổ của tâm lũ, rốn lũ. Đã có những mất mát, đã có những hy sinh nhưng chẳng ai nao núng, chẳng ai sờn lòng. Và rồi sau đó, khi mà những phương tiện, khí tài chuyên dụng chưa thể tiếp cận hiện trường sạt lở, những người lính lại hành quân bộ, gùi tư trang, lương thực cắt rừng, vượt suối để nhanh nhất có thể đến vùng bị nạn. Mặc gió rét và mưa tuôn, cán bộ, chiến sĩ thức trắng đêm đốt đuốc lật từng tảng đá, từng khối bê tông, thanh gỗ để tìm kiếm nạn nhân mất tích do lở đất... Với người lính bộ đội Cụ Hồ khi ấy, cứu dân thực sự là mệnh lệnh từ trái tim.
Bất kể nắng mưa, bão lũ, người lính vẫn chắc tay súng bảo vệ biên cương; vẫn vững đôi chân trên mọi nẻo đường tuần tra, trên những cung đường chỉ để “giành” lấy phần khó về mình. “Cho em thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm đến trường. Cho yên vui mùa xuân đôi lứa còn hẹn hò ước mơ. Ðã có những hy sinh khó nói hết bằng lời. Nên đọng lại trong tôi những nghĩ suy”, ca từ của bài hát ấy cứ văng vẳng bên tai khi tôi nghĩ đến, viết về những người lính. Có một điều chắc chắn tôi nhận thấy, miền đất nào thiếu thốn và gian khổ nhất, nơi ấy có các anh. Dù bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm nào, những người lính vẫn từng ngày, từng giờ ra sức bảo vệ và dựng xây đất nước.
Tác giả: Nguyễn Hà Vy - Lớp 11A2