Lịch sử & Ý nghĩa ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12

Lật lại những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, ta bắt gặp những lần chiến đấu hết mình của nhân dân Việt Nam trước sự xâm lược và áp bức bóc lột của đế quốc, thực dân. Với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần chiến đấu dũng cảm, nhân dân ta đã quét sạch các thế lực ngoại bang, bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ tự do, hạnh phúc của chính mình. Trong đó, điều tiên quyết để đi đến thành công là cần phải có một đường lối lãnh đạo đúng đắn. Nhìn thấu được điều đó, tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Trong chỉ thị, Bác đã nhấn mạnh rằng: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...”.

Chính vì vậy, ngày 22/12/1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sự ra đời của Quân đội ta là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một Quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện; một Quân đội của dân, do dân, vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân; chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Tên gọi “Quân đội nhân dân” với ý nghĩa “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, vì Nhân dân phục vụ” do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt.

Ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ, và 34 khẩu súng các loại. Nhưng những chiến sĩ vẫn kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân... Họ là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch, họ đã tạo thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ được.

Đứng đầu chỉ huy trực tiếp là đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng. Ngoài ra còn có đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch - Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã long trọng đọc 10 lời tuyên thệ. Qua đó nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam được xác định. Đó là không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Với khẩu hiệu :“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”. Với sự mưu trí, táo bạo của mình, họ bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25/12/1944) và sáng hôm sau (7 giờ ngày 26/12/1944) đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

Hai trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Chỉ sau một tuần lễ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã phát triển thành 3 trung đội, biến Cao - Bắc - Lạng thành một căn cứ vững chắc.

Vào ngày 15/5/1945, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân hợp nhất với Cứu quốc Quân thành Việt Nam Giải phóng quân, quân số ban đầu là 13 đại đội.

Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Việt Nam giải phóng quân  là đơn vị chủ lực mở đầu cho tổng khởi nghĩa toàn quốc. Chỉ sau 15 ngày đã đập tan ách đế quốc thực dân và chế độ phong kiến hàng ngàn năm.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám
 

Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, quân đội Việt Nam mang tên Vệ quốc đoàn, đánh dấu thời kỳ hình thành của quân đội Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, quân đội ta mang tên “Quân đội nhân dân Việt Nam”. Với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, quân đội ta đã bước vào thời kỳ trưởng thành.

Chiến thắng Điện Biên Phủ
 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam mang tên lịch sử là Quân giải phóng miền Nam đã góp phần thành công trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa Xuân 1975.

Trên cơ sở của một cuộc chiến tranh nhân dân, quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính quy hiện đại, gắn bó với nhân dân, tô đậm truyền thống vẻ vang. Chính điều này đã làm trung tá Pháp Marcel Bigeard (sau này là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp), người có kinh nghiệm 9 năm chiến đấu ở Đông Dương, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc xây dựng cứ điểm cho đến khi đầu hàng, phải bày tỏ sự kính trọng của mình đối với Quân đội nhân dân Việt Nam: "... tôi có thể nói với các vị rằng họ đã trở thành những người lính bộ binh vĩ đại nhất trên thế giới. Những người lính dẻo dai này có thể đi bộ 50 km trong đêm tối bằng sức của một bát cơm, trên những đôi giày ba-ta và hát vang trên đường ra trận. Theo quan điểm của tôi, họ đã trở thành những người lính bộ binh ngoại hạng và họ đã đánh bại được chúng ta (quân đội Pháp)".

Ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị quyết định lấy Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân – Ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, Ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” – một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động như mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân dân, giáo dục truyền thống, biểu diễn văn nghệ, đại hội thanh niên, thi đấu thể thao, hội thao quân sự,... được diễn ra ở khắp làng, xã, cơ quan đoàn thể, cơ sở đơn vị...

Duyệt binh trong Lễ kỷ niệm Ngày thành lập QĐNDVN 22/12
 

Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Quân đội Nhân Dân Việt Nam là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới của cách mạng, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.

Thật vô cùng vinh dự, tự hào cho em khi được sinh ra là một người con của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với những trang sử hào hùng của dân tộc, với tinh thần kiên cường bất khuất yêu Tổ quốc thiêng liêng của cha ông ta đã khiến cho trái tim em dâng trào một cảm xúc mãnh liệt. Đó là sự tự hào, niềm kính trọng và sự biết ơn chân thành đến cha ông chúng ta – những người đi trước, khai sáng và mở ra một tương lai mới cho Tổ quốc. Là một học sinh cũng như là công dân của đất nước, em xin hứa sẽ học tập thật tốt để có thêm nhiều kiến thức, để cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho tương lai. Chúng em xin gửi lời tri ân những người lính, những người chiến sĩ, bộ đội, những hải quân ngày ngày cầm súng bảo vệ đất nước, những bà mẹ Việt Nam anh hùng... Xin gửi ngàn lời cảm ơn!

Sưu tầm và tổng hợp: Nguyễn Ngọc Ánh – Lớp 11A2

 

Tác giả: Sưu tầm và tổng hợp: Nguyễn Ngọc Ánh – Lớp 11A2
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 7
Hôm qua : 327
Tháng 11 : 7.099
Tháng trước : 10.696
Năm 2024 : 204.747
Năm trước : 536.381
Tổng số : 2.346.153