CẢM XÚC VỀ BUỔI HỌC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP THÁNG 4, 5 TRÊN MICROSOFT TEAMS
Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là nội dung học tập rất bổ ích đối với học sinh ở các cấp học. Tham gia mỗi buổi học sẽ góp phần giáo dục kỹ năng sống, phát huy tính chủ động, tích cực trong học tập cũng như sự sáng tạo, tự tin trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở mỗi học sinh.
Hiện nay, do tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid19 nên chúng em không thể đến trường học trực tiếp. Cùng với các môn văn hóa khác, môn GDNGLL của tháng 4 và tháng 5 chúng em được học trên Microsft Teams, những buổi học đó đã mang lại cho chúng em những cảm nhận rất thú vị. Ở tháng Tư, chủ đề hoạt động mang tên: "THANH NIÊN VỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ VÀ HỢP TÁC". Và tháng 5 chủ đề mang tên "THANH NIÊN VỚI BÁC HỒ”. Khác với các buổi HĐNGLL những tháng trước đây, hoạt động tìm hiểu hai chủ đề của tháng 4 và 5 diễn ra trên Teams. Thầy cô đã giao cho chúng em hệ thống câu hỏi liên quan đến chủ đề để tìm hiểu trước. Qua việc tìm câu trả lời, giúp chúng em hiểu rõ về vấn đề Hòa bình, hữu nghị và hợp tác là vấn đề mà nhân loại quan tâm, đồng thời thấy được vị trí và vai trò của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, thấy được những cống hiến, hi sinh to lớn cho dân tộc, nhân dân của Bác Hồ. Từ đó, mỗi chúng em đã nhận thức sâu sắc được về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ hòa bình và xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị để cùng nhau phát triển giữa các nước.
Tìm hiểu về chủ đề tháng 4: "THANH NIÊN VỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ VÀ HỢP TÁC" với những câu hỏi: Em hiểu hòa bình là gì? Thế nào là quan hệ hữu nghị và hợp tác? Theo em, Hòa bình là không có chiến tranh, là cuộc sống yên ổn hạnh phúc. Hòa bình có ý nghĩa rất lớn với con người và sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước, của thế giới. Khi mỗi đất nước yên ổn để có thể phát triển mọi mặt thì đất nước ấy sẽ không gây hại, xâm lấn gì đến những đất nước khác, từ đó tạo nên nền hòa bình trên thế giới, các quốc gia đều hợp tác với nhau. Còn khi chiến tranh xảy ra thì sẽ mang đến những đau thương, mất mát. Từ những lợi ích của Hòa bình và hậu quả của chiến tranh đó mà chúng ta luôn mong muốn hòa bình và lên án chiến tranh. Có rất nhiều ca khúc ca ngợi hòa bình như bài hát "Heal the word" của ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson, hay bức tranh con chim bồ câu ngậm cành ô liu của họa sĩ Picasso đã trở thành biểu tượng hòa bình của thế giới.
Vậy để duy trì hòa bình, chúng ta phải làm gì? Phải xây dựng mối quan hệ không mâu thuẫn giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia. Đó là: Hữu nghị và hợp tác. Hiện nay trên thế giới những tổ chức như Liên hợp quốc - một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung.
Hữu nghị là gì? Tình hữu nghị là quan hệ bạn bè thân thiện, bình đẳng giữa người này với người kia, nước này với nước khác dựa trên các nguyên tắc đã được các bên thỏa thuận và cam kết nhằm gây dựng mối liên kết bền chặt giữa các quốc gia. Hợp tác cùng nhau xây dựng và tránh xảy ra mâu thuẫn, chiến tranh. Có thể nói, lợi ích của tình hữu nghị và sự hợp tác là rất lớn. Nhất là với thế giới, quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới sẽ tạo cơ hội và điều kiện để hợp tác, cùng phát triển về nhiều mặt: Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục, Y tế, Khoa học kĩ thuật,… Mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia còn tạo sự hiểu biết lẫn nhau, tránh mâu thuẫn, căng thẳng dẫn đến nguy cơ chiến tranh, tạo mối quan hệ hữu nghị tiến tới hợp tác toàn diện là xu thế của thế giới hiện nay. Một khi các quốc gia tìm kiếm được tiếng nói chung và cơ hội phát triển đất nước sẽ hạn chế xung đột, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự và hòa bình thế giới.
Có rất nhiều hình ảnh đẹp để minh chứng cho lợi ích hòa bình của hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia. Như hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào sang thăm hữu nghị Việt Nam (năm 1966). Từ đó hai nước Lào - Việt Nam từng bước hỗ trợ nhau tiến lên. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid khiến cả thế giới điêu đứng như bây giờ, tất cả các quốc gia cần chung tay tương trợ lẫn nhau, cùng nhân loại ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Như vậy, qua tìm hiểu chủ đề tháng 4 chúng em đã ý thức được rõ về trách nhiệm của thanh niên ngày nay: bảo vệ hòa bình và hợp tác hữu nghị với các quốc gia. Có như vậy chúng ta mới có thể xây dựng một trái đất hòa bình, con người cùng nhau phát triển, nói không với chiến tranh.
Có lẽ trong 9 chủ đề hoạt động của cả năm học thì chủ đề hoạt động của tháng 5: “Thanh niên với Bác Hồ” chúng em thấy đặc biệt hơn cả. Bởi trong tháng 5 có ngày sinh nhật Bác. Đây là dịp để chúng em ôn lại những công lao cống hiến của Bác với toàn dân tộc, để ra sức học tập, tu dưỡng, thấm nhuần 5 điều Bác Hồ dạy học sinh.
Nhớ về Bác chúng ta lại nhớ về một người cha già kính yêu của toàn dân tộc. Người đã hi sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp, cứu nước, cứu dân. Trước bối cảnh đất nước bị xâm chiếm, nhân dân đói khổ, lầm than Bác đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, với quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu”.
Ngày 5/6/1911, Hồ Chí Minh đã từ cảng Nhà Rồng của Sài Gòn rời Tổ Quốc, bước đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường nước. Khi ra đi tìm đường cứu nước thì trong Bác hành trang đi theo chỉ có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Và trước khi đi có một người bạn hỏi Bác rằng: Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi? Bác vừa nói vừa giơ hai bàn tay ra trước: "Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ cái gì để sống và để đi". Từ việc làm phụ bếp đến cào tuyết, đốt lò, làm vườn, thợ rửa ảnh,… Bác đều thông qua lao động đã hòa mình, gần gũi với cuộc sống nhân dân lao động, hiểu được nỗi thống khổ, hiểu được nguyện vọng và ý chí, năng lực của họ và đồng cảm với họ. Người lao động để sống, để hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động đủ các màu da, để tìm lấy con đường cách mạng đúng đắn. Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa.
Với nhiệt huyết yêu nước cháy bỏng, Người đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc. Với một sự nhạy cảm đặc biệt, Người sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và chân lý “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Năm 1917, Người trở về Pháp, sống ở Paris, tham gia những hoạt động của Đảng xã hội Pháp, tham gia trong hoạt động của những người yêu nước Việt Nam tại Pháp và đặc biệt, khi tiếp cận được với Luận cương của Lê-nin đã chỉ ra những điều mà Người đang tìm, tức là chỉ có chủ nghĩa xã hội, chỉ có cách mạng vô sản mới là con đường giải phóng chúng ta.
Sau 30 năm bôn ba, ngày 28/01/1941, Hồ Chí Minh trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước kém phát triển, từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thực hiện kế hoạch xây dựng một đất nước dân chủ, công bằng, văn minh.
Sau buổi học trực tuyến trên, được sự hướng dẫn của cô giáo qua những câu hỏi gắn với lịch sử và thực tế đất nước, thế giới, mỗi chúng em đều cảm nhận được ý nghĩa của hòa bình và hiểu được rõ hơn về những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh trong công cuộc giải phóng dân tộc. Từ đó, chúng em nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc gìn giữ hòa bình, xây dựng và bảo vệ Đất nước.
Vũ Cẩm Duyên - Lớp 10A9